100 năm Nguyễn Đình Thi: Lấp vào khoảng trống
Trong cái khối đa diện tài năng mang tên Nguyễn Đình Thi, có một mặt được rất nhiều người biết đến nhưng rất ít người viết: âm nhạc! Nhiều người biết là hiển nhiên bởi với những ca khúc như 'Diệt phát xít', 'Người Hà Nội', Nguyễn Đình Thi có lẽ là một trong những nhạc sĩ 'tay ngang' chỉ sáng tác với số lượng ít ỏi nhưng tác phẩm lại được dàn dựng, biểu diễn nhiều nhất, với rất nhiều biến thể.
"Diệt phát xít" từng được cân nhắc lựa chọn làm Quốc ca của nước Việt Nam mới (dù sau đó không được chọn), được sử dụng làm nhạc hiệu trên đài phát thanh nhiều chục năm qua; "Người Hà Nội" là một trong những tác phẩm âm nhạc được chuyển soạn, dàn dựng biểu diễn dưới nhiều hình thức khác nhau trong hơn nửa thế kỷ qua.
Nhưng, có rất ít công trình khảo cứu về con người âm nhạc Nguyễn Đình Thi, trong khi đã có vô vàn các bài báo, công trình nghiên cứu, phân tích về thơ, tiểu thuyết hay kịch Nguyễn Đình Thi.
"Nguyễn Đình Thi với âm nhạc" (Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành năm 2024, kỷ niệm 100 năm ngày sinh Nguyễn Đình Thi) của tác giả Nguyễn Thị Minh Châu là nỗ lực mới nhất nhằm lấp vào khoảng trống đó.
Quả thật, cũng không có ai thích hợp hơn Nguyễn Thị Minh Châu để viết một cuốn sách như vậy, bởi ngoài tư cách là con gái của diễn viên, NSND Tuệ Minh, người vợ sau của Nguyễn Đình Thi (Nguyễn Đình Thi là cha dượng Nguyễn Thị Minh Châu), chị còn là nhà phê bình lý luận âm nhạc, có nhiều tác phẩm nghiên cứu lý luận phê bình đã được công bố.
"Nguyễn Đình Thi với âm nhạc" được chia làm 3 phần.
Phần 1 trình bày một Nguyễn Đình Thi tác giả âm nhạc với những tác phẩm do chính ông sáng tác. Trái với nhiều người cho rằng Nguyễn Đình Thi chỉ là tác giả của 2 bài hát "Diệt phát xít" và "Người Hà Nội" (do 2 bài này quá nổi tiếng), Nguyễn Đình Thi còn sáng tác cả nhạc và lời ít nhất 4 bài hát nữa là "Căm hờn" (1945), "Du kích quân" (1945), "Con voi" (1948), "Đất nước yêu thương" (1977).
Bài hát "Căm hờn" của Nguyễn Đình Thi được in trong tập "Căm hờn" của Hội Văn hóa cứu quốc năm 1945, một tập hỗn hợp cả văn xuôi và âm nhạc mà bài hát "Căm hờn" được lấy làm tên chung cho cả tập.
Ca khúc "Con voi" của Nguyễn Đình Thi lần đầu tiên được in trong tập sách "Thương binh ca hát" gồm những bản nhạc trúng giải trong cuộc thi nhạc thương binh do Phòng Chính trị, Bộ Thương binh - Cựu binh xuất bản năm 1948.
"Du kích quân" là một ca khúc mà đến ngay cả chính Nguyễn Đình Thi cũng quên bẵng, thậm chí còn không nhớ tựa đề. NSND Tuệ Minh thuộc bài hát này từ khi còn nhỏ và Nguyễn Thị Minh Châu đã kí âm lại theo trí nhớ của bà Tuệ Minh rồi đặt tên là "Du kích quân".
Nguyễn Đình Thi sáng tác ca khúc "Đất nước yêu thương" năm 1977, trong một cảm hứng hân hoan khi đất nước mới thống nhất, non sông đã thu về một mối. Bởi vậy mà ca từ tràn đầy chất hùng ca, tự hào:
"Núi sông tự do muôn đời
Đất ta ơi!
Thắm máu hồng ta, ngày nay xanh tươi
Núi sông ngàn năm sáng hồng ánh tương lai
Non nước trời mây, Việt Nam ta ơi!".
Nhưng, nói đến ca khúc của Nguyễn Đình Thi, không thể không nhắc đến 2 bài: "Diệt phát xít" và "Người Hà Nội".
Ngày 9/3/1943, Nhật đảo chính Pháp, chiếm trọn quyền cai trị Đông Dương. Dưới ách cai trị của phát xít Nhật, nạn đói lan tràn khắp Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ khiến gần 2 triệu người chết. Trung ương Đảng phát động quần chúng phá kho thóc giải quyết nạn đói, quyết định thay khẩu hiệu "Đánh đuổi phát xít Nhật-Pháp" trước đó bằng khẩu hiệu "Đánh đuổi phát xít Nhật".
Trong bài báo "Chuyện chưa kể về bài hát "Diệt phát xít" của Nguyễn Đình Thi", nhạc sĩ Dân Huyền tường thuật lại lời Nguyễn Đình Thi: "Vào đầu năm 1945, đời sống của Hà Nội rất thê thảm. Cả nội, ngoại thành người chết đói la liệt. Tôi chưa nhìn thấy cảnh đó bao giờ. Chúng tôi chưa đến nỗi chết, nhưng cũng đói vàng mắt, mềm người. Hồi đó, tôi và một số anh em hoạt động trong Hội Văn hóa cứu quốc nhận được chỉ thị của Trung ương về Nhật, Pháp bắn nhau. Chỉ thị đó như kêu gọi, như thúc giục.
Một hôm, chúng tôi bàn nhau mỗi người viết một bài hát cách mạng để đáp ứng yêu cầu của phong trào. Ít hôm sau, chúng tôi đã có "Tiến quân ca" (Văn Cao), "Du kích ca" (Đỗ Nhuận). Tôi nghe nói ở trong Nam, anh Lưu Hữu Phước vừa viết xong "Lên đàng". Riêng tôi hơi vất vả mới hoàn thành xong "Diệt phát xít".
Bài "Diệt phát xít" của Nguyễn Đình như một lời hiệu triệu đánh đổ phát xít Nhật, giành chính quyền về tay nhân dân:
"Việt Nam bao năm ròng rên xiết lầm than.
Dưới ách quân tham tàn đế quốc sài lang.
Loài phát xít cướp thóc lúa cướp đời sống dân mình.
Nào nhà tù nào trại giam biết bao nhiêu nhục hình.
Đồng bào tuốt gươm vùng lên.
Đã đến ngày trả mối thù chung".
Theo một số tư liệu, trong dịp Quốc dân Đại hội họp ở Tân Trào ngày 16/8/1945 chuẩn bị cuộc tổng khởi nghĩa, giữa 3 ca khúc: "Tiến quân ca", "Chiến sĩ Việt Minh" (sau đổi thành "Chiến sĩ Việt Nam") của nhạc sĩ Văn Cao và ca khúc "Diệt phát xít" của Nguyễn Đình Thi, Bác Hồ đã chọn "Tiến quân ca". Bác nói rằng, lời bài "Diệt phát xít" ngắn gọn, dễ hát, dễ phổ cập, tuy nhiên chế độ phát xít đã tan rã, nếu lấy bài "Diệt phát xít" làm Quốc ca sẽ không hợp thời.
Nhưng, kể từ sau năm 1945, bài "Diệt phát xít" đã được dùng làm nhạc hiệu của Đài Tiếng nói Việt Nam cho đến ngày nay.
Tuyệt phẩm “Người Hà Nội”
Trong "Nguyễn Đình Thi với âm nhạc", Nguyễn Thị Minh Châu kể rằng, trong một buổi trò chuyện giữa hai cha con, chị đã hỏi ông hình thức của tác phẩm "Người Hà Nội" là gì? Ông trả lời: "Bố không biết". Nguyễn Đình Thi cũng giải thích với con sở dĩ ông không đi tiếp con đường âm nhạc bởi vì "viết nhạc cần phải học", mà ông thì đã "bị lỡ mất cơ hội học nhạc rồi".
Ấy vậy mà con người "đã bị lỡ cơ hội học nhạc" một cách chính quy ấy đã để lại cho nền tân nhạc Việt Nam một trong những tác phẩm bất hủ: "Người Hà Nội".
Rất thành thật, Nguyễn Đình Thi nói ông không biết hình thức của "Người Hà Nội" là gì, nhưng đây có lẽ là một trong những tác phẩm âm nhạc mở đầu cho thể loại trường ca mang tính nghệ thuật hàn lâm, hình thức lớn, đồ sộ, đòi hỏi kỹ thuật biểu diễn chuyên nghiệp, điêu luyện.
Tác phẩm "Người Hà Nội" lần đầu tiên được phát trên đài phát thanh kháng chiến vào năm 1947 qua giọng hát của chính tác giả, lần đầu tiên được trình diễn trên sân khấu quốc tế năm 1951 ở Liên hoan Thanh niên thế giới tại Berlin, cũng do chính tác giả trình bày cùng dàn nhạc giao hưởng Cộng hòa Dân chủ Đức.
Kể từ đó, "Người Hà Nội" luôn là tác phẩm được biểu diễn trong các dịp lễ kỷ niệm trọng đại, các chương trình âm nhạc nghệ thuật hoành tráng của đất nước. Quan trọng hơn, nó đã đi vào trong tâm khảm của bao thế hệ người yêu nhạc Việt Nam và ở lại đó như một trong những vẻ đẹp nghệ thuật trác tuyệt mà Nguyễn Đình Thi dâng tặng cuộc đời.
Có ai mà không bồi hồi khi nghe câu mở đầu của "Người Hà Nội":
"Đây hồ Gươm, Hồng Hà, hồ Tây
Đây lắng hồn núi sông ngàn năm
Đây Thăng Long, đây Đông Đô, đây Hà Nội
Hà Nội mến yêu".
Tiếp đấy, sóng nhạc dẫn người nghe về một Hà Nội tươi thắm sống vui phố hè, ríu rít Hàng Đường, Hàng Bạc, Hàng Gai; rồi đến một Hà Nội khói lửa ngập trời sau những ngày thu phấp phới vàng sao; lớp lớp người đi đổ máu xuống đất này để một ngày về Hà Nội hiền hòa trong bóng cờ bát ngát...
Dù không bao giờ xưng danh là nhạc sĩ nhưng Nguyễn Đình Thi, với "Người Hà Nội", đã để lại cho nền âm nhạc Việt một tuyệt phẩm sống mãi cùng đất nước.
Chỉ có điều là, với "Người Hà Nội", cho đến khi nhắm mắt, Nguyễn Đình Thi vẫn mang theo một niềm tiếc nuối là người ta đã tự tiện sửa lời ở câu cuối cùng của ông mà sinh thời, dù ông có nói cách nào cũng không thay đổi được. Đấy là ông kết bài hát với câu "tiếng cười ngày về" trong một nhịp hiền hòa dịu dàng đúng với tính cách người Hà Nội, người ta đã thêm hai chữ "chiến thắng" với âm khu cao vút, để ca sĩ khoe giọng còn người dựng chương trình thì đăng ký lập trường! Các bản nhạc in sau này hầu hết cũng thêm hai chữ "chiến thắng" vào, khác với những bản in "Người Hà Nội" thuở ban đầu.
Nguyễn Thị Minh Châu đã khẩn thiết kêu gọi hãy trả lại "Người Hà Nội" theo đúng với nguyên bản đoạn kết lãng mạn hiền hòa như Nguyễn Đình Thi mong muốn.
Một tác giả ca từ vạm vỡ
Phần 2 của Nguyễn Đình Thi với âm nhạc vẽ nên một chân dung Nguyễn Đình Thi là tác giả ca từ của vô số ca khúc, trong đó những bài thơ của ông được phổ nhạc như: "Lá đỏ" (Hoàng Hiệp phổ nhạc), "Nhớ" (Hoàng Vân phổ nhạc) là những ca khúc tuyệt hay của nền âm nhạc Việt Nam.
Nguyễn Đình Thi còn phổ lời cho một số bài hát hướng đạo: "Cùng vui hát", "Chiều hôm", "Bên lửa trại", "Đêm", "Dưới thông", "Thu", "Nắng chiều", "Cười vui sướng", "Vui giúp ích", "Bình minh lên đường", "Cười trong nguy nan", "Mưa", "Rời tay"...
Phần 3 cuốn sách là những kỉ niệm, chia sẻ tâm sự của Nguyễn Thị Minh Châu về người cha dượng tài hoa của mình, giúp người đọc hiểu thêm các góc cạnh khác về con người nghệ sĩ Nguyễn Đình Thi.
Cuốn sách "Nguyễn Đình Thi với âm nhạc" đã giúp hoàn chỉnh chân dung Nguyễn Đình Thi, một nghệ sĩ đa tài, người đã để lại những dấu ấn vô cùng đậm nét trong lịch sử nền văn hóa nghệ thuật Việt Nam hiện đại.
Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/so-tay/100-nam-nguyen-dinh-thi-lap-vao-khoang-trong-i756313/