100 năm robot, từ R.U.R đến Doraemon
Một ngày nọ, trong khi đang vật lộn với việc tìm ý tưởng cho bộ truyện tranh manga mới và chỉ ao ước giá như có một cỗ máy suy nghĩ hộ mình, Hiroshi Fujimoto chợt giẫm phải món đồ chơi của cô con gái. Đúng lúc ấy, đám mèo nhà hàng xóm lại chí chóe đánh nhau.
Một giây phút nghĩ kiểu gì cũng thấy chán đời ấy đã khai sinh ra Doraemon, chú mèo máy màu xanh với chiếc túi thần kỳ đến từ thế kỷ 22 để giúp đỡ cậu bé Nobita. Hiroshi Fujimoto qua đời vào 25 năm trước, nhân vật hoạt hình của ông thì sống mãi. Doraemon thậm chí đã vượt qua quái vật Godzilla trở thành franchise có giá trị thương mại lớn nhất Nhật Bản, vào khoảng hơn 1,7 tỷ USD.
Nếu như quái vật Godzilla đầy tính hủy diệt sinh ra từ nỗi sợ hãi của người Nhật về vũ khí hạt nhân sau sự kiện Mỹ ném bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki, thì Doraemon cũng không đơn thuần là một kẻ đáng yêu đến nô đùa với lũ trẻ con và hiện thực hóa ước muốn của chúng như ông già Noel.
Doraemon ra đời lần đầu vào thập niên 1970, khi thời đại công nghệ manh nha, một giai đoạn “chứng kiến sự bắt đầu của việc sản xuất hàng loạt các thiết bị điện gia dụng như tivi, tủ lạnh và máy giặt. Kết quả là, đời sống người dân Tokyo trải qua những thay đổi đáng kể”. Mèo máy Doraemon với những món bảo bối thần kỳ là đứa con đẻ của thời kỳ như vậy.
Doraemon là một robot tốt bụng đáng ngạc nhiên. Nếu đọc lại bộ truyện tranh này, bạn có thể sẽ nhận ra Doraemon sở hữu rất nhiều những món bảo bối cực kỳ quyền năng và nếu thích, cậu ta hoàn toàn có thể san bằng thế giới, tỷ như tủ điện thoại theo yêu cầu chả hạn. Nhưng tất cả những gì cậu ta từng yêu cầu chỉ là biến chơi dây trở thành bộ môn thể thao được yêu thích nhất hay là biến thế giới thành thế giới pháp thuật (mà đây cũng là theo lời van nài của cậu bạn hậu đậu Nobita).
Không biết bao nhiêu lần trong những bộ truyện dài, chính mèo máy Doraemon đã sử dụng bảo bối để cứu trái đất khỏi người ngoài hành tinh, những tên tội phạm độc ác và họa diệt vong. Cậu ta vinh danh tình bạn, bảo vệ môi trường, giữ gìn công lý, chống lại cái ác – quả là một công dân hoàn hảo.
Trong cuốn sách Pop Nhật Bản: “Trong thế giới văn hóa đại chúng Nhật Bản”, tác giả Timothy J. Craig nhận định rằng “Mặc dù bản thân Doraemon là một sản phẩm công nghệ cao, cậu ta có một tính cách thân ái gây hấp dẫn các độc giả trẻ tuổi. Cậu được coi là một thành viên trong gia đình Nobita, cũng là người bạn thân của Nobita và nhóm bạn. Với việc được mô tả như thế, Doraemon đại diện cho cái nhìn đầy lạc quan về mối quan hệ giữa công nghệ và nhân tính”.
Doraemon thực sự là một nhân vật bất thường, nếu ta xét đến cái nhìn mà những nhà sáng tạo phương Tây (cũng là những người nghĩ ra robot đầu tiên) thường mường tượng về một thế giới khốn khổ vì bầy robot xâm lăng, nổi loạn, phản bội con người, một thế giới nơi công nghệ giống như một người vợ mà nhân tính tự chọn lấy, nhưng sau khi về sống chung một nhà thì nhân tính vỡ lẽ ra cô vợ hấp dẫn xinh đẹp kia khá nguy hiểm và đáng sợ.
Trong bộ phim “Her” của Spike Jonze, một người đàn ông cô đơn đến mức trò chuyện với một trí tuệ nhân tạo và đem lòng yêu luôn trí tuệ nhân tạo ấy, và điều khiến ta thấy sợ hãi khi xem bộ phim không phải là một ngày kia, chúng ta sẽ cô độc tới mức phải đi nói chuyện với trợ lý ảo của Google, điều khiến ta sợ hãi là đến một lúc, robot sẽ thay ta đảm nhận phận sự làm người. Chúng ta sợ bị robot thế chỗ, không phải là thế chỗ trong bộ máy sản xuất, mà là thế chỗ trong mục đích tồn tại.
Phải mất bao lâu để con người đưa nhân tính vượt lên thần tính, vậy mà chưa được mấy chốc thì nhân tính lại phải đứng trước máy tính. Con người sẽ còn lại gì nếu như ngay cả nhân tính cũng có thể bị sao chép? Nhân tính là tường thành cuối cùng để phân biệt con người và những giống loài khác, nếu như tường thành ấy vụn vỡ thì đồng nghĩa thời khắc cáo chung của giống loài đã điểm.
Bộ phim “Her” phát hành năm 2013. Nhưng phức cảm đối với robot đã luôn ở đó từ khi “robot” ra đời vào đúng 100 năm trước, năm 1921, trên một sân khấu kịch ở thành phố Praha, Séc. Người nghĩ ra từ “robot” không phải một nhà sáng chế hay một nhà bác học, mà là một nhà văn. Đó là vào năm 1920, khi Karel Capek đang sáng tác một vở kịch về những công nhân được sản xuất hàng loạt, những kẻ không thiếu thứ gì ngoại trừ một tâm hồn. Capek có một cuộc đời thú vị.
Trong danh sách kẻ thù của nước Đức do Gestapo, cơ quan mật vụ của Đức Quốc xã, liệt kê, Karel Capek là cái tên xếp thứ hai. Và Gestapo suýt đã tóm được ông nếu như ông không… qua đời vì bệnh cúm. Quay trở lại với sự tích robot, Capek đã định gọi những công nhân kia là “labori” (nghĩa là “lao động”), nhưng cảm thấy từ ấy có vẻ sách vở quá, ông hỏi ý kiến anh trai, Josef Capek – một họa sĩ và nhà văn nổi tiếng khác – và Josef gợi ý từ “roboti”.
Vở kịch “R.U.R” của Capek kể về một cuộc cách mạng của robot, chúng giết toàn bộ con người đã bóc lột chúng để được trở thành loài người mới, tai hại thay, chính lịch sử giết chóc của con người đã đưa đường chỉ lối cho robot. Và nói chung là, robot ra tay tàn sát tất cả, chỉ chừa lại một kỹ sư chậm chạp vì trông cách ông ta lao động có vẻ giống robot. Nhưng rồi một hôm, robot nhận ra chúng đã giết hết những người có thể chế tạo ra chúng, hay là, chúng đã tự chuốc lấy nguy cơ tuyệt chủng của mình.
Tuyệt vọng, chúng ra lệnh rồi nài xin vị kỹ sư duy nhất kia tìm lại công thức chế tạo robot, dù cho có phải gỡ tung một vài robot ra để nghiên cứu. Chuyện không ngờ tới là hai robot được chọn làm vật tế lại đem lòng yêu nhau – một cảm xúc chưa từng có trong thế giới robot vô cảm. Ở giây phút cuối vở kịch, vị kỹ sư nhận ra đây chính là Adam và Eve của một thế giới mới.
Chúng ta thấy ở đây một lời cảnh báo rằng robot sẽ là dấu chấm hết cho thời đại con người, nhưng ở một khía cạnh khác, nó đặt hy vọng về một khởi nguyên mới vào loài robot. Song dù hiểu theo khía cạnh nào đi nữa, robot và con người có vẻ luôn đối nghịch, không thể có chuyện cả hai cùng hạnh phúc yên ổn sống chung. Ngay cả khi con người và robot ban đầu thuận hòa như trong “Her” thì cuối cùng những nhu cầu của hai bên cũng phát triển theo hai hướng khác nhau và mối quan hệ bắt buộc phải đổ vỡ. Hoặc con người, hoặc robot – lúc nào cũng nhị nguyên như thế.
Vậy mà, trong một cuốn truyện dành cho trẻ con như “Doraemon”, robot lại hiện lên khác hẳn. Nếu như Nobita, đại diện của con người, hết sức lười biếng, kém cỏi, tài lanh, đụng đâu hư đấy, thì Doraemon, đại diện của robot, lại rất thông minh, khéo léo và đa năng. Dẫu vậy, Doraemon không bao giờ lợi dụng những thiếu sót của Nobita để áp chế hay điều khiển cậu ta. Đôi bạn phối hợp ăn ý, nhịp nhàng, bổ sung cho nhau và yêu thương nhau hết mực.
Nobita không những không bị Doraemon đe dọa vị trí của một con người mà nhờ Doraemon còn dần trở thành một người tốt hơn. Và nếu tinh ý một chút, bạn sẽ thấy mọi cuộc phiêu lưu đều là do Nobita đầu têu, từ trở về thời tiền sử đến xây dựng vương quốc trên mây, từ tạo ra thành phố thú nhồi bông đến trả đũa Jaian. Luôn là Nobita vòi vĩnh và Doraemon chiều theo – con người dù yếu ớt đến đâu vẫn luôn là kẻ “ra đề bài” cho robot toàn năng.
Có thể Hiroshi Fujimoto và sau này là bạn ông, Motoo Abiko, nữa (cả hai cùng lập nên một nhóm tác giả với nghệ danh Fujiko Fujio – sẽ là cái tên đề trên bìa mọi tập truyện của Doraemon) đã có một cái nhìn hơi ngây thơ về quan hệ giữa công nghệ và nhân tính. Nhưng dù ngây thơ đến đâu thì sự thật là hàng triệu con người trên thế gian này vẫn yêu Doraemon và muốn có một người bạn như Doraemon. Có nhiều điều làm nên sự vĩ đại của bộ truyện manga kinh điển này, nhưng một trong số đó là, thay vì đe dọa và làm chúng ta khiếp đảm vì viễn cảnh robot mâu thuẫn với con người, nó mơ một giấc mơ nơi mọi thứ đều có thể tốt hơn, không ai phải tranh chỗ của ai. Trong thế giới ấy, ngay cả khi robot có xúc cảm y như chúng ta thì cũng không có lý do gì để chống lại chúng ta.
Ta không thể nói rằng ai đúng ai sai, cái nhìn bi quan của phương Tây hay cái nhìn lạc quan của phương Đông. Thậm chí có thể sẽ chẳng bao giờ có ngày robot phát triển đến độ ta phải lo lắng về việc chúng sẽ trở thành bạn hay thù. Nhưng có lẽ, bất cứ tưởng tượng nào về robot, dù tốt hay xấu, đều không xuất phát từ vấn đề “máy tính”, mà thuộc về vấn đề “nhân tính”. Câu hỏi không bao giờ là máy tính có vượt lên nhân tính hay không mà là nhân tính có thể đứng vững đến đâu và có thể biến mất hay không.
Sự khác biệt giữa “R.U.R” cùng các tác phẩm tương tự so với “Doraemon” là thái độ của nhân tính. Trong “R.U.R”, nhân tính đã tự hư hỏng nên máy tính mới có cơ hội tiếp quản thế giới. Trong “Doraemon”, nhân tính giữ được mình dù nhiều lần vấp ngã nên máy tính đứng về phía nhân tính. Nói đến cùng, câu chuyện nào cũng được kể bởi con người và kết cục của nhân tính dù ra sao cũng là do nó tự quyết định.
Và giả sử có một ngày chúng ta thua robot, thì đó cũng không phải bởi robot, đó là bởi chúng ta.
Hiền Trang
Nguồn ANTG: http://antgct.cand.com.vn/khoa-hoc-van-minh/100-nam-robot-tu-r-u-r-den-doraemon-638963/