100 năm sân khấu kịch nói: Tìm lại thời vàng son
Trải qua 100 năm phát triển, sân khấu kịch nói Việt Nam đã có một thời rực rỡ, tạo ra những dấu mốc huy hoàng trong lịch sử sân khấu. Đó là thập niên những năm 70, 80, 90 của thế kỷ trước, một thời mà các nghệ sĩ bây giờ vẫn gọi là đỉnh cao của sân khấu kịch nói Việt Nam.
Thế nhưng bây giờ, sân khấu kịch nói đang đứng trước quá nhiều thử thách. Chỉ còn đó tình yêu nghề, ngọn lửa nghề vẫn âm ỉ cháy trong các nghệ sĩ.
Có lẽ vì thế mà khi chúng tôi trò chuyện với các nghệ sĩ tiền bối, họ hay nhắc đến những hào quang của sân khấu, thời khán giả xếp hàng dài mua vé, thời của những vở có thể diễn hàng nghìn đêm... Thời khán giả và nghệ sĩ khóc cười với những vui buồn trên sân khấu.
Cảnh trong vở “Chén thuốc độc” - vở kịch đầu tiên của sân khấu kịch nói Việt Nam của tác giả Vũ Đình Long vừa được dàn dựng lại.
Đó là thập niên rực rỡ nhất của sân khấu Việt Nam, khi chúng ta có những “tên tuổi vàng” của làng sân khấu kịch nói như Lưu Quang Vũ, Xuân Trình, Nguyễn Đình Nghi, Doãn Hoàng Giang, Xuân Huyền, Lê Hùng. Và đó cũng là thời sinh ra thế hệ diễn viên vàng của sân khấu Việt Nam, các NSND Trọng Khôi, NSND Lan Hương, NSND Lê Khanh, NSND Hoàng Dũng, NSND An Tú, NSUT Thanh Tú... Thế hệ trẻ hôm nay cũng đang kể tiếp câu chuyện của sân khấu kịch nói Việt Nam, nhưng khó khăn và nhọc nhằn hơn khi sân khấu đứng trước quá nhiều thách thức.
Đại dịch COVID -19 đã làm đóng băng sân khấu kịch nói vốn đã sống èo uột nhiều năm qua. Sân khấu đang mất dần khán giả. “Sân khấu kịch nói đang đứng trước quá nhiều thử thách. Chưa bao giờ thấy kịch nói lại trầm buồn đến thế. Khán giả gần như quay lưng lại với sân khấu và chúng ta cũng loay hoay với việc kéo khán giả trở lại sân khấu.
Đột phá và thay đổi, đó là điều kiện tiên quyết để lấy lại sức sống của sân khấu kịch, nhưng có một điều kiện còn quan trọng hơn, đó là nuôi dưỡng tình yêu nghề, sự đam mê cháy bỏng với sân khấu trong thế hệ trẻ hôm nay...” - NSND Lan Hương ngậm ngùi.
NSND Trung Anh:
Tôi hạnh phúc và cảm thấy may mắn vì đã có 40 năm cuộc đời được gắn bó với sân khấu, với những vui buồn, những thăng trầm của sân khấu. Nghề nào cũng vậy, có những lúc thăng trầm, nhưng tôi hạnh phúc vì được làm nghề mình yêu. Dù không phải lúc nào cũng thành công, cũng rực rỡ, nhưng sân khấu đã mang lại cho tôi một cuộc đời sống có ý nghĩa. Vì thế, dù đóng phim hay tham gia các vai diễn trên truyền hình, thì sân khấu vẫn là niềm đam mê lớn nhất của tôi.
NSƯT Thanh Tú.
Tôi đã được sống trong thời kỳ đẹp nhất của sân khấu kịch nói Việt Nam, biết thế nào là một tác phẩm đỉnh cao. Thời sân khấu là một thánh đường đúng nghĩa, các nghệ sĩ sống chết với nghề, cháy hết mình trong từng đêm diễn. Tôi lớn lên từ nhỏ ở nhà hát kịch, từng đêm nấp sau cánh gà nhìn các cô chú diễn. Các nghệ sĩ đến với khán giả bằng một tâm hồn hồn nhiên, trong sáng. Họ diễn bằng tất cả trái tim và đam mê cháy bỏng của mình.
Sân khấu có một ma lực ghê gớm, nó có thể khiến người ta khóc cười, buồn vui. Không khí đó ngấm vào tôi và trở thành máu thịt. Tôi thi đỗ vào khóa đầu tiên của nhà hát, tôi không có tài năng gì đặc biệt mà chỉ bằng sự bền bỉ, tình yêu nghề đã giúp tôi vượt qua những trở ngại về ngoại hình, chinh phục từng vai diễn. Sân khấu đã cứu cuộc đời tôi, để tôi được sống một cuộc đời ý nghĩa, được cống hiến cho khán giả. Tôi chỉ tiếc rằng, sân khấu kịch nói hôm nay đã mai một, tình yêu nghề dù được nỗ lực thắp lửa vẫn chỉ cháy leo lét trong giới trẻ.
Tôi dạy học sinh trong trường sân khấu, tôi chỉ nói với các em một điều rằng, muốn làm sân khấu phải thực sự yêu và đam mê. Chỉ có tình yêu và đam mê mới giúp các em tỏa sáng. Với thế hệ chúng tôi, sân khấu là một thánh đường thiêng liêng. Tôi nhớ không khí thời đó, khi mà khá giả xếp hàng dài mua vé xem, những vở diễn hàng nghìn đêm. Sân khấu bây giờ mai một đi nhiều, những giá trị đỉnh cao của nó cũng không còn được giữ lại...
NSND Trung Anh.
Sân khấu loay hoay trước muôn trùng những thử thách và cần lắm những cú hích để vượt qua. Tôi chỉ hy vọng, chúng ta có một chiến lược dài lâu để gìn giữ và phát triển hơn nữa sân khấu kịch nói khi nó đã có bề dày 100 năm như vậy. Nếu để mất đi, để mai một dần thì quả là điều đau xót.
NSƯT Thanh Tú:
Sân khấu kịch nói có lịch sử 100 năm thì tôi có 50 năm cuộc đời gắn bó. Tôi đã dành trọn vẹn tình yêu của mình cho Nhà hát Kịch Hà Nội. Thập niên 90 của thế kỷ trước, Nhà hát Kịch Hà Nội có 6 nghệ sĩ được vinh danh vì đã có những vai diễn làm nên “cơn địa chấn” của kịch nói Việt Nam. Đó là thời vàng son của sân khấu khi nghệ sĩ nào cũng có một vai diễn để đời, họ sống hết mình, đắm đuối với tình yêu sân khấu, ăn ngủ với sân khấu.
Diễn viên Thu Quỳnh.
Tôi bước chân vào nghề đã về nhà hát và làm nghề ở đó cho đến lúc về hưu. Mặc dù rất buồn, nhưng cũng phải nhìn nhận một thực tế rằng, thời rực rỡ của sân khấu đã đi qua mất rồi. Bây giờ, dù cố gắng nỗ lực chúng ta cũng khó tìm lại được thời vàng son đó nữa. Thời đó, nghệ sĩ ai cũng có một vai diễn để đời. Sân khấu kịch sôi động từng đêm, chúng tôi ăn ngủ cùng sân khấu.
Tôi còn nhớ, những cơn địa chấn như bên nhà hát kịch Việt Nam, có Nguyệt Ánh đóng vai chính trong vở “Nila”, còn nhà hát kịch Hà Nội, Thanh Tú đóng vai chính trong vở “Nàng Tanhia”... những vở diễn liên tục hơn 2.000 đêm, khán giả lúc nào cũng chật kín. Thời đó, khi tôi làm phim “Sao Tháng Tám”, ban ngày đi quay, còn buổi tối về diễn “Tanhia”.
Bây giờ, làm sao có được cái không khí làm nghề như vậy. Sự xâm lấn của các phương tiện thông tin giải trí đã khiến sân khấu bị lép vế, khán giả gần như quay lưng với sân khấu. Nghệ sĩ cũng không còn nhiều tâm huyết để cố gắng, những vai diễn cứ na ná giống nhau, thiếu màu sắc cá tính. Điều đó thật buồn. Nếu không thay đổi, chúng ta sẽ mất sân khấu kịch nói - một nền sân khấu đã có bề dày lịch sử 100 năm.
Tôi nghĩ, chúng ta phải thay đổi. Sân khấu hôm nay đứng trước nhiều thử thách hơn thế hệ chúng tôi ngày xưa. Bài toán khán giả rất khó khăn, điều mà ngày xưa chúng tôi không bao giờ phải bận tâm. Nhưng tôi nghĩ, cứ làm hay, cứ cháy hết mình với tình yêu sân khấu, chúng ta cũng sẽ lôi kéo được khán giả đến rạp, vì ma lực của sân khấu ghê gớm lắm. Điều quan trọng là chúng ta có làm cho sân khấu đủ sức hấp dẫn hay không? Tôi rất muốn phục hưng lại kịch nói Việt Nam theo kiểu văn học hóa sân khấu, đưa sân khấu trở về đúng những chuẩn mực của nó với những lời thoại hay và đẹp, mang đậm chất văn học. Đó là điều còn thiếu trong các tác phẩm sân khấu hôm nay.
Diễn viên Thu Quỳnh:
Với tôi sân khấu là một thánh đường, mãi mãi là một thánh đường. Dù tôi đi làm phim, nổi tiếng từ phim truyền hình nhưng trong tôi tình yêu sân khấu vẫn lớn hơn tất cả. Tôi may mắn được làm việc ở Nhà hát Tuổi trẻ, được truyền lửa đam mê từ các bậc tiền bối như NSND Lê Khanh, NSND Lan Hương. Tình yêu, sự dấn thân cho sân khấu của các cô chú đã truyền cho chúng tôi ngọn lửa và niềm tin để đi qua những khó khăn của cuộc sống.
Cảnh trong vở "Bạch đàn liễu" của nhà viết kịch Xuân Trình do đạo diễn Trần Lực dựng lại.
Ngày nay, thế hệ trẻ chúng tôi phải đối diện với quá nhiều khó khăn khi sân khấu vắng bóng khán giả, chúng tôi phải vượt qua câu chuyện kinh tế, những khó khăn vất vả đời thường để nuôi dưỡng tình yêu của mình. Nhưng tôi tin một điều, nếu ai đã trót yêu sân khấu thì không bỏ được vì sân khấu có một ma lực ghê gớm. Sự khủng hoảng của sân khấu không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới, khi nhiều phương tiện hiện đại được phát minh và sử dụng.
Sân khấu bị thất sủng. Nhưng tôi tin chỉ trong một thời gian ngắn nữa thôi, sau khi mọi người chán những thứ mới mẻ đó, họ sẽ nhận ra có những giá trị vô cùng to lớn mà họ bỏ quên bao lâu nay và quay lại với sân khấu. Chỉ cần nhìn vào những tấm gương say mê lao động nghệ thuật của các nghệ sĩ đáng tuổi ông, bà, cha, chú... của mình trên sân khấu, tôi lại được tiếp thêm năng lượng. Và những nhọc nhằn của cuộc sống lại được vơi đi vì tình yêu và những giây phút được thăng hoa trên sân khấu. Tôi mong các bạn trẻ hãy nuôi dưỡng tình yêu nghề, vì chỉ có tình yêu mới giúp chúng ta tồn tại và sống chết với sân khấu.
Có quá nhiều khó khăn trên chặng đường phía trước, nhưng nếu có tình yêu, chúng ta sẽ vượt qua. Thực tế, tôi cũng biết có một số bạn trẻ yêu nghề, họ sẵn sàng đi đóng phim, làm nhiều việc mưu sinh để được sống với những vui buồn của sân khấu. Tuy nhiên, có lẽ, sân khấu cũng cần một chiến lược phát triển dài hạn, khuyến khích và đãi ngộ tài năng để giữ chân họ.