100 ngày thế giới chống 'kẻ thù chung' - đại dịch Covid-19

Thế giới đã cùng nhau trải qua 100 ngày chống lại một 'kẻ thù chung', đại dịch viêm phổi cấp Covid-19. 100 ngày qua, thế giới đang chao đảo nhưng cũng là thời gian để nhìn nhận lại nhiều điều giá trị.

Thành phố "không ngủ" New York, Mỹ trở nên vắng lặng trong đại dịch Covid-19 (Ảnh: REUTERS)

Thành phố "không ngủ" New York, Mỹ trở nên vắng lặng trong đại dịch Covid-19 (Ảnh: REUTERS)

Theo báo cáo cập nhật, tính đến ngày 9-4, thế giới đã ghi nhận hơn 1,5 triệu ca nhiễm và 88.400 ca tử vong do Covid-19 tại 211 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó vùng dịch lớn nhất là Mỹ và châu Âu.

Thách thức chưa từng có

Nỗi lo sợ dịch bệnh lây lan đã khiến các quốc gia trên thế giới buộc phải thực hiện các biện pháp quyết liệt như phong tỏa, đóng cửa biên giới - những biện pháp nghiệt ngã “trong một thế giới phẳng”.

Ngay khi dịch bùng phát tại Vũ Hán, chính phủ Trung Quốc đã áp dụng lệnh phong tỏa thành phố ngay trước thềm năm mới Nguyên đán Canh Tý, sau đó quy định này được áp dụng với toàn bộ đất nước. Các quốc gia Đông Nam Á cũng nhanh chóng áp dụng các biện pháp hạn chế đi lại qua biên giới trước làn sóng lây lan của đại dịch Covid-19 từ những ngày đầu bùng phát.

Liên hiệp châu Âu (EU), biểu tượng của khu vực phi biên giới cũng chứng kiến cảnh các quốc gia thành viên buộc lòng phải đưa ra quyết định tạm đóng cửa biên giới. Ngày 16-3, Tổng thống Pháp Macron tuyên bố đóng cửa biên giới và thực hiện giãn cách xã hội. Ngay sau đó, một loạt các quốc gia trong EU và toàn bộ châu Âu cũng ra quyết định tương tự. Trước đó, ngày 13-3, Mỹ đã tuyên bố áp dụng lệnh cấm qua lại với các nước châu Âu.

Lực lượng khử trùng tại thành phố Manila, thủ đô đầu tiên tại Đông - Nam Á áp dụng lệnh phong tỏa để ngăn chặn Covid-19 (Ảnh: AP)

Lực lượng khử trùng tại thành phố Manila, thủ đô đầu tiên tại Đông - Nam Á áp dụng lệnh phong tỏa để ngăn chặn Covid-19 (Ảnh: AP)

Thực hiện các quy định hạn chế tiếp xúc xã hội do lo ngại đại dịch Covid-19 lây lan cũng đồng nghĩa với việc khiến hàng triệu trẻ em không được đến trường. Theo báo cáo cập nhật của Tổ chức Giáo dục, Khoa họcvà Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO), tính đến ngày 9-4, có 188 quốc gia và vùng lãnh thổ tạm thời đóng cửa các lớp học các cấp trong nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của Covid-19. Quyết định này đã khiến 91,3% học sinh và người học trên khắp thế giới (hơn 1,5 triệu học sinh) không thể đến trường.

Ngày 17-3, Thủ tướng Italy Giuseppe Conte đã khẳng định dịch Covid-19 là một "cơn sóng thần" và không quốc gia nào không bị ảnh hưởng bởi "cơn sóng thần" đó. Báo cáo mới nhất của Tổ chức thương mại thế giới (WTO) ngày 9-4 dự báo giao dịch thương mại toàn cầu năm nay sẽ giảm từ 13% đến 32%. Tổng Giám đốc WTO Roberto Azevedo nhận định thế giới đang đối mặt với "cuộc suy thoái kinh tế sâu nhất hoặc sự sa sút của đời sống người dân". Đáng lo ngại là tình trạng suy thoái có thể kéo dài hơn những dự báo từ trước đến nay, và dự kiến không một quốc gia, vùng lãnh thổ nào nằm ngoài vòng xoáy suy thoái.

Còn Oxfam công bố báo cáo ngày 9-4 cho biết, Covid-19 tác động tiêu cực đến các nền kinh tế thế giới có thể đẩy khoảng nửa tỷ người vào tình trạng nghèo đói. Oxfam cho rằng cuộc khủng hoảng kinh tế do dịch bệnh gây ra đang diễn ra sâu rộng hơn cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Mọi tính toán cho thấy dù ở bất kỳ kịch bản nào, tỷ lệ nghèo đói có thể tăng lần đầu tiên kể từ năm 1990 và điều này có thể khiến một số quốc gia trở lại mức nghèo cách đây 3 thập kỷ.

Lần đầu tiên trong lịch sử, ngành hàng không thế giới phải chứng kiến cuộc khủng hoảng chưa từng có tiền lệ khi các quốc gia đồng loạt thực hiện lệnh phong tỏa, buộc các hãng hàng không phải cắt giảm các đường bay, khiến hàng chục nghìn nhân viên hàng không nghỉ việc. Covid-19 cũng khiến các sự kiện thể thao phải hoãn vô thời hạn, điển hình là Thế vận hội Olympic 2020 tại Nhật Bản đã phải hoãn tới mùa hè 2021.

Đồng lòng trong khó khăn

Tác động tiêu cực tới toàn bộ đời sống của toàn thế giới, song 100 ngày qua cũng là khoảng thời gian thế giới cùng nhau chứng kiến những điều tích cực.

Các bác sĩ Cuba trước giờ lên đường tới Italy hỗ trợ chống dịch (Ảnh: AP)

Các bác sĩ Cuba trước giờ lên đường tới Italy hỗ trợ chống dịch (Ảnh: AP)

Các quốc gia đóng cửa biên giới, hạn chế nhập cảnh. Nhưng đó chỉ là biên giới cứng, không thể cản trở được sự hợp tác, kết nối giữa các quốc gia trong cuộc chiến chống “kẻ thù chung vô hình”. Trong thế giới kết nối số, các cuộc họp của các nhà lãnh đạo trên thế giới vẫn diễn ra đều đặn để kịp thời trao đổi, cập nhật thông tin và cùng nhau tìm giải pháp chiến thắng đại dịch.

Trong đại dịch, tinh thần đoàn kết quốc tế lại tỏa sáng hơn bao giờ hết. Các bác sĩ Trung Quốc với kinh nghiệm sẵn có ngay khi vừa tạm kết cuộc chiến với Covid-19 tại quê nhà Hồ Bắc đã vội vã lên đường tiếp viện cho các đồng nghiệp tuyến đầu ở Lombardy, Italy.

Hình ảnh những “chiến sĩ áo trắng” của đất nước Cuba ở hơn 14 quốc gia và vùng lãnh thổ, từ Italy cho tới công quốc nhỏ bé Andorra ở biên giới Tây Ban Nha – Pháp, những nơi đang “vật lộn trong cuộc chiến với Covid-19” trong những ngày qua trở thành điểm sáng của truyền thông quốc tế. Lần lượt các hãng tin lớn của thế giới như Reuters, AP đều đưa tin bất chấp lệnh cấm vận của Mỹ, các bác sĩ Cuba vẫn lên đường làm nhiệm vụ quốc tế, hỗ trợ cho các quốc gia đang phải vật lộn chiến đấu với đại dịch. Trả lời phỏng vấn Reuters ngày 21-3 trước khi khởi hành tới Italy, chuyên gia chăm sóc y tế chuyên sâu Leonardo Fernandez, 68 tuổi chia sẻ: "Tất cả chúng tôi đều sợ nhưng chúng tôi phải hoàn thành nghĩa vụ cách mạng, vì vậy chúng tôi đã vượt qua nỗi sợ hãi và gạt nó sang một bên”.

Từ đông sang tây, giãn cách xã hội, ở yên trong nhà là khoảng thời gian để mọi người cảm nhận lại nhiều giá trị của gia đình, mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái mà trong cuộc sống vội vã trước đây, nhiều người đã vô tình quên mất. Hay hình ảnh người dân ở khắp nơi trên thế giới ra ban công hát ca để cảm ơn và cổ vũ tinh thần của các “chiến sĩ áo trắng” tuyến đầu chống dịch thực sự gây xúc động và ấn tượng trong những ngày qua.

Người dân Italy ra ban công để cùng nhau vỗ tay cổ vũ tinh thần của các bác sĩ và nhân viên y tế ở tuyến đầu chống dịch Covid-19 (Ảnh: NYT)

Người dân Italy ra ban công để cùng nhau vỗ tay cổ vũ tinh thần của các bác sĩ và nhân viên y tế ở tuyến đầu chống dịch Covid-19 (Ảnh: NYT)

Thế giới cũng chứng kiến tốc độ kỷ lục trong quá trình phát triển vaccine chống virus SARS-CoV-2 gây ra đại dịch Covid-19. Cho đến nay, các dịch bệnh chết người khác như SARS, MERS, Ebola, vẫn chưa có một loại vaccine nào thì với Covid-19, chỉ hơn ba tháng sau ca bệnh đầu tiên được báo cáo tại Trung Quốc, thế giới đã thử nghiệm trên người loại vaccine chống Covid-19 hôm 16-3 tại Mỹ. Các công ty dược phẩm khắp nơi trên thế giới vẫn đang không ngừng tìm tòi, phát triển và thử nghiệm các loại vaccine để biến Covid-19 chỉ còn là một loại bệnh cúm như bao bệnh cúm mùa có vaccine khác. Kết quả này có được là nhờ sự phối hợp, chia sẻ thông tin nhanh về bản đồ gien của chủng virus SARS-CoV-2 giữa các nước trên thế giới.

100 ngày chiến đấu với đại dịch, môi trường trái đất đang được dần hồi sinh một phần. Hồi tuần trước, các nhà khoa học chỉ ra rằng, mức ô nhiễm không khí ở nhiều quốc gia đã được cải thiện, đồng thời lỗ hổng tầng ozon ở Nam Cực đang liền lại. Nguyên nhân là do lượng hóa chất độc hại thải ra từ xe cộ và các hoạt động công nghiệp giảm mạnh trên toàn cầu dưới tác động của lệnh phong tỏa chống Covid-19. Mặc dù đó chỉ là tình trạng tạm thời nhưng đó cũng là lời nhắc nhở con người sống có trách nhiệm hơn với thiên nhiên mà ở trong thời điểm “sống chậm” này, người dân trên toàn thế giới mới thực sự cảm nhận được rõ rệt.

Rõ ràng, cuộc chiến chống "kẻ thù chung" – đại dịch Covid-19 trên toàn thế giới sẽ còn những khó khăn và thách thức. Song với quyết tâm chung của toàn nhân loại, ngày chiến thắng sẽ không còn xa.

NGUYỄN TRANG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/binh-luan-quoc-te/item/44009102-100-ngay-the-gioi-chong-%E2%80%9Cke-thu-chung%E2%80%9D-dai-dich-covid-19.html