100% tuyến quốc lộ, khu công nghiệp tại Việt Nam được phủ sóng băng rộng di động
'Kế hoạch nâng cao chất lượng mạng viễn thông di động Việt Nam đến năm 2025' đặt mục tiêu phủ sóng băng rộng di động tới 100% các tuyến đường sắt, đường quốc lộ, tuyến đường cao tốc, khu công nghiệp trên toàn quốc.
Bộ TT&TT vừa ra quyết định phê duyệt ‘Kế hoạch nâng cao chất lượng mạng viễn thông di động Việt Nam đến năm 2025’, với mục tiêu chung là 'Nâng cao chất lượng mạng viễn thông di động của Việt Nam nói chung và triển khai hiệu quả thương mại hóa 5G nói riêng, cải thiện rõ rệt trải nghiệm sử dụng dịch vụ của người dùng (cá nhân, doanh nghiệp), góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số, Chính phủ số'.
Cục Viễn thông (Bộ TT&TT), cơ quan chủ trì soạn thảo 'Kế hoạch nâng cao chất lượng mạng viễn thông di động Việt Nam đến năm 2025’, cho biết: Dự thảo kế hoạch đã được gửi lấy ý kiến đóng góp của các đơn vị có liên quan thuộc Bộ TT&TT, Sở TT&TT các tỉnh, thành phố và các doanh nghiệp viễn thông di động lớn như Viettel, VNPT, MobiFone.
Theo kế hoạch, về nâng cao chất lượng mạng viễn thông di động của Việt Nam, mục tiêu cụ thể đặt ra đến năm 2025 là tốc độ tải xuống trung bình tối thiểu 40 Mbit/s với dịch vụ truy nhập Internet 4G, căn cứ theo kết quả đo kiểm bằng ứng dụng i-Speed tới các cấp quận, huyện và phường, xã.
Hoàn thành phủ sóng các thôn, bản còn trắng sóng, lõm sóng băng rộng di động đã có điện lưới quốc gia thuộc khu vực đặc biệt khó khăn theo Chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích đến năm 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; phủ sóng 100% các khu vực trắng sóng, lõm sóng băng rộng di động tại các thôn, cụm dân cư đã có điện lưới quốc gia ngoài khu vực đặc biệt khó khăn theo phản ánh của Sở TT&TT các tỉnh, thành phố.
Cũng đến năm 2025, phủ sóng băng rộng di động 100% các tuyến đường sắt và đường quốc lộ, tuyến đường cao tốc, 3 tuyến đường sắt đô thị; đảm bảo không để mất sóng quá 1km liên tục. Đồng thời, ngừng hoàn toàn việc cung cấp dịch vụ điện thoại trên mạng viễn thông di động mặt đất chỉ hỗ trợ công nghệ 2G, trừ dịch vụ tại khu vực quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa, nhà giàn DK.
Đáng chú ý, kế hoạch mới được Bộ TT&TT phê duyệt cũng đặt mục tiêu đến năm 2025, dịch vụ truy nhập nội dung video chất lượng Full HD (độ phân giải 1080p) trên mạng băng rộng di động có tốc độ tải xuống đạt tối thiểu 5Mbit/s; dịch vụ truy nhập nội dung video chất lượng Ultra HD (độ phân giải 4K) trên mạng băng rộng di động có tốc độ tải xuống 25Mbit/s.
Đối với yêu cầu triển khai hiệu quả thương mại hóa 5G, các mục tiêu cụ thể đến năm 2025 là 100% các tỉnh, thành phố có sóng dịch vụ 5G; 100% các khu công nghệ cao, khu CNTT tập trung, trung tâm nghiên cứu phát triển, đổi mới sáng tạo, khu công nghiệp, nhà ga, cảng biển, sân bay quốc tế có sóng dịch vụ 5G; tốc độ tải xuống dịch vụ truy nhập Internet 5G trung bình tối thiểu 100 Mbit/s tại các khu vực có phủ sóng dịch vụ, theo kết quả đo kiểm bằng ứng dụng i-Speed.
Để hiện thực hóa các mục tiêu kể trên, tại ‘Kế hoạch nâng cao chất lượng mạng viễn thông di động Việt Nam đến năm 2025’, Bộ TT&TT cũng đã xác định rõ 4 nhóm nhiệm vụ trọng tâm cùng 9 nhóm giải pháp sẽ được tập trung triển khai thời gian tới.
Trong đó, 4 nhóm nhiệm vụ trọng tâm gồm: Tăng cường mở rộng vùng phủ sóng, chất lượng dịch vụ mạng viễn thông di động; tăng cường khả năng chống chịu và phục hồi của mạng lưới; thực thi công tác quản lý, giám sát, đo kiểm chất lượng mạng và dịch vụ viễn thông di động; thúc đẩy phối hợp, hợp tác trong nước để phát huy tối đa nguồn lực.
Chín giải pháp sẽ được tập trung triển khai thời gian tới, bao gồm: Tổ chức hiệu quả công tác quản lý, giám sát, đo kiểm chất lượng mạng và dịch vụ viễn thông; thúc đẩy phối hợp liên ngành hiệu quả để tối ưu hiệu quả nguồn lực; tổ chức hiệu quả đấu giá, phân bổ băng tần; tắt sóng công nghệ cũ, thúc đẩy nâng cấp thiết bị mới; Phát triển hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động; thúc đẩy chia sẻ cơ sở hạ tầng dùng chung; tổ chức thực hiện hiệu quả chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích; tổ chức hiệu quả công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức; thúc đẩy sản xuất thiết bị Việt Nam.
Cục Viễn thông là cơ quan được Bộ TT&TT giao làm đầu mối tổng hợp thực hiện kế hoạch; chủ trì, phối hợp các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ xây dựng các cơ chế, chính sách, tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các doanh nghiệp trong việc thúc đẩy và quản lý đảm bảo nâng cao chất lượng mạng viễn thông di động Việt Nam; chủ trì, phối hợp các cơ quan, đơn vị thuộc bộ thực hiện nhiệm vụ thúc đẩy phối hợp liên ngành...
Bộ TT&TT cũng đề xuất, phân công cụ thể các nội dung công việc cho một số cơ quan, đơn vị khác thuộc Bộ; các Sở TT&TT tỉnh, thành phố cùng các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông di động. Ngoài việc chủ động xây dựng và ban hành kế hoạch hành động chi tiết của doanh nghiệp mình, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông di động cũng được yêu cầu chủ động bố trí nguồn lực, kinh phí để thực hiện kế hoạch.