1001 thắc mắc: Loài động vật nào chống chọi được nhiệt độ lạnh tới -150°C?
Cơ thể của những loài này có thể sản sinh ra các chất chống đông tự nhiên, giúp chúng duy trì tình trạng không đóng băng dù ở nhiệt độ dưới 0°C.
Bọ cánh cứng dẹt vỏ cây đỏ
Loài bọ cánh cứng dài khoảng nửa inch này có khu vực sinh sống từ North Carolina đến Vòng Cực Bắc. Chúng sống bên dưới lớp vỏ cây và cơ thể được cấu tạo có chủ đích để sinh tồn trong điều kiện khắc nghiệt nhất giữa mùa đông.
Khí hậu ở vùng Bắc Cực vào tháng 8 có tác dụng như khí hậu nghỉ dưỡng đối với loài này. Trong các phòng thí nghiệm, chúng có thể chống chọi được nhiệt độ lạnh cóng đến mức -150 độ C.
Trên thực tế, đây là mức lạnh nhất mà ta từng biết. Chúng có thể vượt qua tình trạng lạnh cùng cực này bằng cách ép ra bớt 30-40% lượng nước trong cơ thể và duy trì phần nước còn lại bằng cách sử dụng các protein chống đông cứng giữa lớp màng tế bào.
Bò xạ hương
Bò xạ hương sống ở Bắc Cực từ rất lâu, từ thời kỳ băng hà cách đây khoảng 200.000 năm. Với bộ lông dày hai lớp, lớp đầu tiên là bộ lông dày màu xám đen bên ngoài, dài gần chạm đất và lớp lông lót ở phía bên trong giúp chúng có khả năng chịu lạnh rất tốt tới mức nhiệt độ xuống tới âm 40 độ, chống chọi lại được với sự khắc nghiệt ở vùng Bắc Cực.
Bò xạ hương sống thành từng đàn khoảng từ 12-24 vào mùa đông và 8-20 vào mùa hè. Trong suốt mùa hè, bò xạ hương sống ở các khu vực ẩm ướt, như các thung lũng sâu và di chuyển lên các vùng núi cao hơn vào mùa đông. Thức ăn của chúng bao gồm cỏ liễu Bắc cực, địa y và rêu dưới lớp tuyết. Bò xạ hương được nuôi để cung cấp lượng thịt, sữa và lông. Hiện nay loài này đang được bảo vệ nên số lượng giữ ở mức ổn định.
Cá mập khổng lồ Greenland
Cá mập khổng lồ Greenland sống ở vùng nước sâu trong khu vực Bắc Đại Tây Dương và Bắc Cực, những con cá mập khổng lồ này không chỉ sống sót trong làn nước lạnh căm, mà còn có tuổi thọ dài nhất so với bất cứ loài có xương sống nào trên hành tinh – trung bình từ 300 đến 500 năm tuổi.
Cá mập khổng lồ Greenland có nhịp trao đổi chất cực kỳ chậm giúp kiểm soát nhiệt độ và kéo dài tuổi thọ, và chúng cũng có thể là loài cá mập lớn nhất, có thể đạt tới 6,4m chiều dài và nặng khoảng 1.000kg. Bởi thế nên loài cá mập này cũng rất chậm chạp, thường chỉ săn những con mồi đã đi ngủ.
Cái giá cho việc trường thọ của cá mập 500 năm tuổi cũng không hề nhỏ. Cụ thể, nó không chỉ bơi rất chậm, khó kiếm thức ăn, mà cơ thể còn chứa nhiều ký sinh trùng. Thậm chí, đôi khi nó còn phải ăn xác thối để giải tỏa cơn đói.
Bên cạnh đó, các nhà khoa học cũng đang hy vọng, việc nghiên cứu DNA của cá mập 500 năm tuổi có thể mở ra một con đường dẫn tới sự trường thọ cho con người.
Trước đó, những người dân bản địa tại Greenland và Iceland đã từng tin vào việc tăng tuổi thọ nhờ ăn thịt cá mập Greenland.
Thịt của cá mập Greenland được coi là đặc sản ở Iceland, mặc dù có độc nếu không được xử lý đúng cách.
Chim Sheathbill tuyết
Chim Sheathbill tuyết là loài chim trông giống bồ câu, trắng phau và dũng cảm; đây là loài chim bản địa duy nhất sống trên bề mặt Nam Cực và là loài duy nhất sinh sản tại đây.
Với lớp lông dày giúp giữ ấm, chúng hầu như sống trên mặt đất, cố gắng lượm lặt thức ăn thừa rơi vãi của các loài chim khác. Chúng cũng là loài chim duy nhất ở Nam Cực không có màng chân.
Vậy làm sao chim Sheathbill tuyết có thể giữ ngón chân ấm áp, trong khi lại dành quá nhiều thời gian trên bề mặt đất lạnh cóng? Bí mật nằm ở ”sở thích nhún nhảy” truyền đời của chúng, chúng dành rất nhiều thời gian cho việc nhảy lò cò từ chân này sang chân kia nhằm giảm sự lạnh giá từ bề mặt băng tuyết. Hơn nữa, Chim sheathbill tuyết còn sở hữu một lớp lông cực dày mịn giúp chúng giữ nhiệt tốt.
Hải cẩu Weddell
Nếu bạn muốn tìm một loài động vật có vú yêu thích cái lạnh âm mấy chục độ trong từng giây từng phút, thì chắc chắn bạn sẽ thích hải cẩu Weddel.
Chúng là loài sống ở cực Nam xa xôi nhất so với bất kỳ giống hải cẩu nào khác, và dành hầu hết thời gian sống bên dưới lớp băng Nam Cực, nơi chúng có thể săn mồi và tránh bị cá voi sát thủ bắt.
Với khả năng lặn xuống sâu đến độ sâu hơn 600 mét, hải cẩu Weddell có thể ở dưới nước đến 45 phút và nếu không thể đập vỡ băng để hô hấp lấy khí oxy cần thiết, chúng sẽ dùng răng để đào cho mình một lỗ lấy khí.
Nước biển Nam Cực thực ra ấm hơn so với không khí trên bề mặt (vốn có thể giảm xuống -70 độ C), vì vậy đặc biệt trong những trận bão mùa đông dữ dội, hải cẩu sẽ giữ ấm bằng cách lặn xuống biển.
Sóc đất Bắc Cực
Nếu tình hình dịch bệnh hiện thời của thế giới khiến bạn muốn đi ngủ đông cho rồi, thì bạn có thể xem xét chọn loài sóc đất Bắc Cực làm hình tượng noi theo.
Sống ở vùng lãnh nguyên Bắc Cực ở Bắc Mỹ, nơi nhiệt độ có thể xuống dưới -63 độ C vào mùa đông, chúng có thể thoát khỏi mùa đông lạnh lẽo nhất nhờ vào việc đào hang dưới lòng đất và ngủ một mạch tận tám tháng trong năm.
Khi ngủ đông, nhiệt độ trong não các chú sóc này có thể giảm xuống chỉ vừa trên mức đóng băng, trong khi nhiệt độ cơ thể có thể giảm tới mức -2,9 độ C và nhịp tim giảm xuống chỉ còn một nhịp mỗi phút. Khi thời gian ngủ đông kết thúc, các chú sóc này cần khoảng ba giờ để làm ấm cơ thể trở lại.
Khả năng này của sóc đất Bắc cực có được là nhờ chúng có thể cắt rời các kết nối thần kinh, các khớp thần kinh để ngủ đông, rồi tái kết nối chúng ngay sau khi thức tỉnh và làm ấm cơ thể, gần 2 - 3 tuần một lần trong suốt mùa đông.
Ngoài khả năng chịu lạnh siêu phàm, loài sóc đất Bắc cực còn nổi tiếng với khả năng nhịn ăn uống trong suốt 8 tháng trời. Cơ thể sóc đất Bắc cực có khả năng tự tái chế chất dinh dưỡng của cơ thể trong quá trình ngủ đông suốt nhiều tháng liền.