1001 thắc mắc: 'Quái thú 2 bánh' của Thủy quân lục chiến Mỹ chạy bằng gì?
Thủy quân lục chiến Mỹ có một khí tài quân sự 'có một không hai', đó chính là xe máy quân dụng số hiệu M103M1.
Lực lượng lính thủy danh tiếng thế giới
Thủy quân Lục chiến Mỹ (USMC) là một nhánh của các Lực lượng Vũ trang Mỹ, là lực lượng nòng cốt sử dụng khả năng cơ động của Hải quân để nhanh chóng phái đến địa bàn các nhóm đặc nhiệm được vũ trang tổng hợp trên bộ, trên biển, và trên không theo ủy nhiệm của Quốc hội và Tổng thống Mỹ. USMC là một trong bốn quân chủng của Mỹ và là một trong bảy lực lượng có quân phục riêng. Chủ tịch hiện tại của Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ là một tướng gốc Thủy quân Lục chiến.
USMC là một cấu phần của Bộ Hải quân Mỹ kể từ ngày 30/6/1834, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng hải quân trong huấn luyện, vận chuyển và hậu cần. USMC quản lý các căn cứ trên đất liền và trên các tàu chiến đổ bộ đường biển trên khắp thế giới, và một số phi đội hàng không chiến thuật của Thủy quân Lục chiến, chủ yếu là các phi đội máy bay chiến đấu, được biên chế cho các tàu sân bay hoạt động bằng năng lượng hạt nhân của Hải quân.
Khởi đầu, hai tiểu đoàn Thủy quân Lục chiến được thành lập ngày 10/11/1775 tại Philadelphia có khả năng chiến đấu cả trên biển và trên bờ, đã phát triển và mở rộng sang chiến tranh trên không và được mệnh danh "Lực lượng không quân thứ ba của Mỹ" và "Lực lượng Lục quân thứ hai". USMC đã nổi danh khi tham gia phần lớn các cuộc chiến tranh và xung đột vũ trang của Mỹ, và trở nên nổi tiếng trong thế kỷ 20 với lý thuyết và thực tiễn về chiến tranh đổ bộ trong Thế chiến II, trở thành “nhà lý luận” lớn và là “nhà thực hành” hàng đầu thế giới về chiến tranh đổ bộ.
Khả năng phản ứng nhanh trong thời gian ngắn đối với các cuộc khủng hoảng mang lại cho USMC một vai trò to lớn trong việc triển khai và thực thi chính sách đối ngoại của Mỹ. Tính đến năm 2016, USMC có khoảng 182.000 quân nhân tại ngũ và khoảng 38.900 lính dự bị; đây là nhánh nhỏ nhất của các Lực lượng Vũ trang Mỹ, hàng năm, hơn 2.000 sĩ quan mới được bổ sung, và 38.000 tân binh được tuyển mới.
Tất cả các tân binh phải vượt qua bài kiểm tra thể lực để bắt đầu huấn luyện tại San Diego hoặc Parris Island; những người không đủ điều kiện được “bổ túc” để đạt được các tiêu chuẩn tối thiểu. Huấn luyện lính thủy đánh bộ là lâu nhất trong các lực lượng vũ trang Mỹ, 12 tuần, so với 10 tuần của Lục quân, 9 tuần của Hải quân, 8 tuần rưỡi của Không quân và 8 tuần của Cảnh sát biển.
Sau khóa huấn luyện tuyển quân, các tân lính thủy đánh bộ tham gia khóa huấn luyện tại trại Geiger hoặc trại Pendleton trong bốn tháng, học các kỹ năng bộ binh thông thường, trước khi tiếp tục đến các trường chuyên biệt với thời lượng khác nhau.
Dựa trên các tiêu chí về nhân sự, quá trình huấn luyện, năng lực, trang bị, khả năng thực chiến, thủy quân lục chiến Mỹ thuộc tốp lực lượng lính thủy đánh bộ danh tiếng nhất thế giới
‘Quái thú 2 bánh’ của Thủy quân lục chiến Mỹ
Thời gian gần đây, nhiều khí tài quân sự tối tân bậc nhất đã được Thủy quân lục chiến Mỹ đưa vào sử dụng. Khí tài đáng kể đầu tiên là súng trường M27 – "người kế vị" của súng M16 vốn đã lạc hậu. Tiếp đến, Thủy quân Mỹ cũng bắt đầu vận hành các xe bọc thép tác chiến hạng nhẹ (JLTV). Loại xe mới này là một sự cải tiến lớn so với người tiền nhiệm Humvee. Quân chủng này cũng đang cho thử nghiệm một phương tiện hiện đại nhằm thay thế xe tăng lội nước AAV lâu đời. Ngoài ra, Thủy quân lục chiến Mỹ còn có một khí tài "có một không hai" nữa. Đó chính là xe máy quân dụng số hiệu M103M1.
Chiếc xe M103M1 là ý tưởng của Hayes Diversified Technologies (HDT). Công ty này có trụ sở đặt tại Hesperia, bang California, Mỹ. Sản phẩm chủ lực của hãng là các động cơ xe máy chạy bằng dầu diesel.Theo HDT, động cơ nhỏ gọn của xe M103M1 có sức mạnh lớn gấp đôi so với các động cơ tương tự chạy bằng xăng.
Không chỉ chạy bằng nhiên liệu diesel tiêu chuẩn, M103M1 còn có thể hoạt động bằng diesel sinh học và cả các nhiên liệu máy bay phản lực như kerosene, JP5, JP8, …
Khả năng "ăn tạp" của chiếc xe này chính là điểm cộng vô cùng lớn với Thủy quân lục chiến Mỹ. Đơn giản là vì không phải nơi nào trên thế giới cũng cung cấp chung một loại nhiên liệu. Do đó, M103M1 là lựa chọn tối ưu để đi đường dài hoặc phục vụ các chiến dịch khắc nghiệt.
Một bài nhận xét về M103M1 khẳng định xe này chỉ cần 2,5 lít nhiên liệu để chạy 100 km. Đây quả thực là một con số đáng kinh ngạc. Đặc biệt hơn cả, M103M1 còn có khả năng tránh bị rađa dò tìm phát hiện.
Xe M103M1 thực chất là phiên bản "độ" lại của "chiến mã" huyền thoại Kawasaki KLR650 đến từ Nhật Bản. Hãng HDT quyết định phát triển M103M1 dựa trên KLR650 chính vì sự "lì lợm" và đáng tin cậy của chiếc xe này.
So với KLR650, xe M103M1 chỉ giữ lại nguyên trạng bộ khung chính và một vài phần khác. Hầu hết các bộ phận còn lại đều được điều chỉnh để phù hợp nhu cầu quân sự.
Tất cả các bề mặt phản quang như phuộc lồng của xe đều được che lại. Hệ thống đèn cũng được tinh chỉnh. Những thay đổi này là để xe khó bị phát hiện hơn. Bình xăng xe có thể còn lớn hơn cả loại 23 lít của mẫu KLR650.
Ngoài ra, M103M1 còn được tối ưu hóa khả năng chống nước và chống bám cát bụi. Thật không may, chiếc M103M1 có vẻ sẽ không được bán cho người dân. Trang chủ của HDT cho hay, động cơ diesel của hãng sẽ không được sử dụng vào mục đích thương mại.
Xe hai bánh tự hành xuất hiện vào những năm 60 của thế kỷ XIX, ban đầu được trang bị động cơ hơi nước - là tổ tiên xa nhất của mô-tô hiện đại. Chiếc mô tô quân sự có động cơ đốt trong đầu tiên được chế tạo vào năm 1885, bởi các kỹ sư người Đức Maybach và Daimler - cha đẻ của hai thương hiệu ô tô lớn được biết đến trên toàn thế giới ngày nay.
Dần dần, mô-tô phát triển, được cải tiến và đến đầu Thế chiến I, đã thu hút sự quan tâm của giới quân sự. Theo thời gian, vũ khí, giáp mỏng và sơn ngụy trang bắt đầu được ứng dụng cho mô-tô quân sự. Đầu Thế chiến II, xe máy đã được sử dụng rộng rãi bởi quân đội nhiều nước.