1001 thắc mắc: Vì sao rắn không có tai lại nghe được con người trò chuyện?

Đã từ lâu, người ta biết rằng rắn không có tai nhưng vẫn có có thính giác. Các nhà khoa học đã vén màn bí mật, giải thích được hiện tượng này.

Rắn là tên gọi chung để chỉ một nhóm các loài động vật bò sát ăn thịt, không chân và thân hình tròn dài (cylinder), thuộc phân bộ Serpentes, có thể phân biệt với các loài thằn lằn không chân bằng các đặc trưng như không có mí mắt và tai ngoài. Giống như các loài bò sát có vảy (Squamata) khác, rắn là động vật có xương sống, có màng ối, ngoại nhiệt với các lớp vảy xếp chồng lên nhau che phủ cơ thể.

Các loài rắn còn sinh tồn được tìm thấy trên gần như mọi châu lục (ngoại trừ châu Nam Cực), trong lòng các đại dương như Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, và trên phần lớn các khối lục địa nhỏ hơn — các ngoại lệ bao gồm một số đảo lớn như Ireland và New Zealand, và nhiều đảo nhỏ trong Đại Tây Dương và Trung Thái Bình Dương.

Trên 20 họ rắn hiện nay đang được công nhận, bao gồm khoảng 500 chi với khoảng 3.400-3.550 loài.

Kích thước của chúng biến động từ nhỏ, như rắn chỉ (Leptotyphlops carlae) chỉ dài khoảng 10 cm (4 inch), cho tới lớn như trăn gấm (Python reticulatus) dài tới 8,7 m (29 ft). Loài tìm thấy ở dạng hóa thạch là Titanoboa cerrejonensis dài tới 15 m (49 ft).

Phần lớn các loài rắn không có nọc độc, còn những loài nào có nọc độc thì chủ yếu sử dụng nó vào việc giết chết hay khuất phục con mồi thay vì để phòng vệ.

Rắn có thị giác kém

Qua quá trình nghiên cứu, người ta đã phát hiện ra rằng thị giác của rắn rất kém nhưng lại rất nhạy cảm với những rung động.

Mũi rắn có nối với một khí quan rất đặc thù, nên rắn có khứu giác hết sức nhạy. Đầu lưỡi rắn chẽ ra, rắn có thể nhanh chóng co giãn đầu lưỡi đưa mùi vị chuyển đến cơ quan cảm giác đặc thù. Vì vậy, mũi rắn hết sức nhạy cảm với các chấn động.

Còn tai của rắn đã bị thoái hóa và tai ngoài thì hoàn toàn biến mất, tai trong chỉ còn là một mẩu xương, vì vậy có thể nói là loài rắn không có tai. Thế tại sao rắn không có thính giác lại có thể nghe được và múa theo tiếng sáo?

Sự thật người làm xiếc rắn, khi thổi sáo thì chân của họ cũng đập nhịp trên mặt đất. Vì đối với chấn động của nhịp đập của chân người làm xiếc rắn, rắn hết sức nhạy cảm nên rắn sẽ múa theo tiết tấu của nhịp đập chân. Vì vậy có thể cho rằng việc thổi sáo của người làm xiếc rắn chẳng qua chỉ là động tác bề ngoài nhằm lòe tai mắt mọi người, còn nhịp chân mới chính là tín hiệu ngầm mà người làm xiếc đã truyền cho con rắn để múa.

Có nhiều loại động vật có thể tiến hành những tiết mục hết sức đặc thù là do giữa người dạy thú và thú có một tín hiệu ngầm riêng biệt nào đó.

Rắn nghe được âm nhạc, vì sao?

Rắn không có tai trong như con người với tiểu cốt thính giác (ossiculum) và tế bào dạng sợi thông thường cũng như không có cả màng nhĩ. Thay vào đó, tai trong của chúng nối liền với xương hàm. Hàm thu nhận các dao động từ mặt đất truyền đến và truyền vào tai trong. Rắn đã nghe như vậy: Chúng nghe những gì dao động truyền qua mặt đất.

Theo trang Ntv của Nga, nhóm các nhà khoa học Trường Đại học Aarhus (Đan Mạch) đã đi xa hơn. Họ tìm ra rắn có thể nghe được âm nhạc. Họ thí nghiệm nhiều cách trên loài trăn hoàng gia (python regius), loại trăn lớn sống ở châu Phi. Nhờ các điện cực, họ đã xác định được các hoạt động của những tế bào thần kinh, nối tai trong của trăn với não.

Người ta treo những chiếc chuông trên chỗ trăn nằm, phát ra những âm thanh có tần số khác nhau. Nhờ các cảm biến gắn trên đầu trăn các nhà khoa học đã nhận thấy hộp sọ của trăn có thể tiếp nhận các dao động trong không khí giống như khả năng tiểu cốt thính giác trong tai trong của người. Nói cách khác, trăn nghe được tất cả những âm thanh truyền đến hộp sọ.

Như vậy, trăn không chỉ nghe được nhưng bước chân người trên mặt đất, mà cả những cuộc nói chuyện của con người. Trăn là một chi trong họ hàng nhà rắn. Các nhà khoa học vẫn chưa trả lơìđược câu hỏi có phải toàn bộ hơn 3.000 loài rắn đều có khả năng ấy không hay chỉ là khả năng đặc biệt của trăn và họ hàng thân thuộc nhất của loài rắn khổng lồ này.

Những chuyện ít biết về loài rắn

Rắn có thể ăn thịt đồng loại có độ dài hơn cả bản thân nó

Một nhóm các nhà khoa học ở ĐH tổng hợp Toronto (UOT) Canada, đứng đầu là chuyên gia sinh học K. Jackson đã tiến hành một nghiên cứu dài kỳ và phát hiện thấy, khi đói, rắn độc có thể “nuốt tươi” cả những con có độ dài lớn hơn chính bản thân nó.

Ban đầu, nó dùng nọc độc để tấn công con mồi, sau khi con mồi bị hạ gục nó bắt đầu nuốt chửng từ phía đầu. Nó dùng hàm để ngoạm sau đó dùng cột sống để ép và kéo con mồi vào trong. Khi đã nuốt hết con mồi, con rắn bắt đầu nôn ói dịch tiết để giảm áp dạ dày và giúp cho việc tiêu hóa được dễ dàng.

Theo nghiên cứu, rắn là loài động vật ăn thịt đồng loại nhiếu nhất trong tự nhiên.

Rắn ăn thịt cả con của chúng

Tháng 2/2009, nhóm chuyên gia sinh học ở ĐH Granade (UOG), Tây Ban Nha do 2 giáo sư là E. Mocino và K. Setser đã kết thúc nghiên cứu và phát hiện thấy, loài rắn chuông có thể ăn cả những con rắn do chúng đẻ ra nếu như những con này quá yếu không thể tồn tại được.

Trong nghiên cứu, những con rắn mẹ đã ăn khoảng 11% số trứng và những con rắn con quá yếu không có khả năng sống được. Theo các nhà khoa học, sở dĩ có tình trạng này là do rắn chuông bị cạn kiệt năng lượng sau khi sinh nên buộc phải tồn tại bằng cách ăn thịt những con quá yếu và những quả trứng không có khả năng nở con. Đây cũng là những bí ẩn liên quan đến khả năng sinh tồn, chứa đựng nhiều bí ẩn mà con người chưa có điều kiện khám phá hết.

Rắn có thể bay xa tới 15m

Chrysopelea paradisi hay còn gọi là rắn bay thiên đường là một loài rắn được tìm thấy ở châu Á. Chúng có thể cuộn chặt nửa thân mình ở phía đuôi rồi đột nhiên duỗi thẳng ra tạo một sức bật để phóng vào không trung như bay.

Loài rắn có thể bay hoặc “quăng xa” tới 50 feet (trên 15 mét), truyền từ cây nọ sang cây kia mà không phải bò xuống đất rồi lại leo lên.

Đúng hơn thì trạng thái bay của rắn ở đây chính là trượt hoặc rơi từ độ cao xuống. Để “bay” được, rắn phải làm “phẳng” cơ thể sau đó chuyển động ở trạng thái hình chữ S, mang tính tịnh tiến đều. Trước tiên là “làm phẳng” hệ thống xương sườn và tự chúng tạo ra một chuyển động hình đĩa để có thể “quăng” được từ cao xuống thấp, chuyển từ cây nọ sang cây kia. Loài rắn này dựa vào chiếc đuôi để điều khiển cân bằng khiến chúng có thể bay xa.

Vì sao rắn hổ mang lại hay nhắm vào mắt người?

Từ lâu, rắn hổ mang được xếp vào loại nguy hiểm, bởi nó có nọc độc, đặc biệt là có thể phun trực tiếp vào mắt đối phương, kể cả con người khi bị tấn công. Theo nghiên cứu, làm được điều này rắn hổ mang sử dụng nguyên lý co cơ, ép tuyến nọc của chúng lại để có áp lực đủ phun ra tia, có thể phóng xa khoảng 2m.

Đặc biệt, rắn hổ mang có thể hướng nọc độc này trực tiếp vào mắt đối phương bởi nọc độc thần kinh có thể làm mù mắt đối phương trong chốc lát, giúp rắn có thể thoát thân một cách an toàn. Theo nghiên cứu, nọc phun ra không phải theo dòng theo tia, mà theo dạng hình học đặc biệt, có áp lực rất lớn nhắm thẳng vào mắt đối phương. Vì thế mà nó có thể làm mù cả hai mắt của con người. Do vậy, khi tiếp xúc với rắn hổ mang mọi người cần thận trọng.

Không ăn nhiều tháng nhưng rắn vẫn phát triển bình thường

Theo nghiên cứu của ĐH Arkansas Mỹ (UOA) thì giống như trăn, rắn có thể không ăn hàng tháng trời nhưng vẫn phát triển bình thường về độ dài, điều này được thực hiện bằng cách tiết giảm quá trình trao đổi chất của cơ thể tới 70%. Kết quả nghiên cứu trên của UOA được công bố trên tạp chí Zoology số tháng 9/2012, dựa trên nghiên cứu ở 62 con rắn chuông có màu sắc da khác nhau chuyên sống ở miền Tây nước Mỹ. Loài rắn này có những thay đổi hóa sinh rất đặc biệt nên giúp chúng có thể tồn tại mà không cần ăn hàng tháng.

Trong giai đoạn đầu không ăn, tốc độ đốt cháy calo của rắn mang tính lựa chọn, tiêu hao mỡ dự trữ, sau đó tốc độ chuyển hóa giảm dần để giúp chúng tồn tại và đây cũng là tiêu chí giúp cho rắn tiến hóa. Tuy đã thực hiện nhiều nghiên cứu nhưng những bí ẩn liên quan đến khả năng nhịn ăn của loài rắn đến nay con người vẫn chưa tường hết.

Video màn điều khiển rắn mua vui cho khách ở Morocco (Nguồn: You tube):

Đỗ Hợp (T/H)

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/cong-nghe/1001-thac-mac-vi-sao-ran-khong-co-tai-lai-nghe-duoc-con-nguoi-tro-chuyen-1617633.tpo