11 cách tăng cường chức năng gan

Gan là bộ phận có vai trò quan trọng trong việc duy trì sức khỏe. Gan thực hiện nhiều nhiệm vụ trong cơ thể, từ sản xuất protein, cholesterol và mật đến lưu trữ khoáng chất, vitamin, carbohydrate… Tăng cường chức năng gan là cách tốt nhất giúp cải thiện sức khỏe lá gan, phòng ngừa tình trạng gan suy yếu, là giải pháp giúp gan khỏe mạnh bền vững.

Một số cách tăng cường chức năng gan giúp cải thiện sức khỏe được chuyên gia khuyến cáo như sau:

1. Hạn chế uống rượu, bia

Hạn chế uống rượu, bia có thể góp phần tăng cường chức năng gan, là cách điều trị hiệu quả bệnh gan liên quan đến rượu. Đối với người mắc bệnh gan nhiễm mỡ, tổn thương có thể được cải thiện khi kiêng rượu ít nhất hai tuần.

Nếu bạn mắc một dạng bệnh gan liên quan đến rượu nghiêm trọng như viêm gan do rượu hoặc xơ gan thì nên ngừng hẳn việc uống rượu, bia. Đây là cách duy nhất giúp ngăn chặn tình trạng tổn thương gan trở nên tồi tệ hơn và có khả năng phát triển thành ung thư gan.

2. Cẩn thận trong việc sử dụng thuốc đúng cách

Một số loại thuốc và thực phẩm chức năng có thể gây thêm gánh nặng hay độc cho gan như: Acetaminophen (Tylenol), thuốc chống viêm không steroid (NSAID), như ibuprofen (Advil, Motrin), naproxen (Aleve), aspirin; Amoxicillin-clavulanate, một loại thuốc kháng sinh; thuốc được sử dụng điều trị cholesterol cao Statin; thuốc động kinh như Phenytoin; thuốc ức chế miễn dịch như Azathioprine.

Chúng ta có thể tăng cường chức năng gan hoặc giảm bớt căng thẳng cho gan bằng việc dùng những loại thuốc hoặc chất bổ sung này khi cần thiết. Nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng, đồng thời cần thận trọng làm theo tất cả các hướng dẫn về liều lượng và tránh dùng chúng kết hợp với rượu.

3. Tránh sử dụng thực phẩm chức năng bừa bãi

Các loại thực phẩm chức năng giúp bổ sung khoáng chất, vitamin, chất bổ sung tự nhiên… đều được xử lý bởi gan. Thực tế cho thấy, nhiều loại thực phẩm bổ sung tưởng vô hại nhưng lại có khả năng cao gây tổn thương gan và nhiều bộ phận khác.

Người bệnh nên hỏi ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng các loại thực phẩm chức năng này để bảo vệ gan tốt nhất.

4. Chế độ ăn uống tốt cho gan

Chế độ ăn uống hàng ngày giữ vai trò quan trọng đối với sức khỏe của gan. Bạn nên chọn ăn thực phẩm đa dạng chất dinh dưỡng như: Ngũ cốc nguyên hạt, trái cây và rau quả, protein nạc, sữa và chất béo lành mạnh. Các loại thực phẩm như bưởi, việt quất, quả hạch và cá béo được khuyến khích ăn vì có lợi cho gan.

Cần đảm bảo uống đủ nước mỗi ngày giữ cho gan luôn hoạt động tốt. Hạn chế thức ăn béo, nhiều đường và mặn vì theo thời gian sẽ ảnh hưởng tới chức năng gan. Đồ ăn nhanh, đồ ăn đóng hộp, đồ chiên rán có thể ảnh hưởng tới sức khỏe gan của bạn.

5. Tập thể dục thường xuyên

Tập thể dục thường xuyên là chìa khóa cho một lá gan khỏe mạnh. Tập thể dục làm giảm căng thẳng cho gan, tăng mức năng lượng và giúp ngăn ngừa béo phì – một yếu tố nguy cơ gây bệnh gan. Chúng ta nên cố gắng tập thể dục như đi bộ nhanh, bơi lội với tổng thời gian khoảng 150 phút mỗi tuần.

6. Hạn chế tiếp xúc với chất độc, hóa chất có hại cho gan

Ngoài đường miệng, các hóa chất xâm nhập vào cơ thể qua đường mũi và da cũng được gan xử lý. Nếu bạn làm việc hoặc sử dụng các hóa chất độc hại, hãy thực hiện những biện pháp cần thiết giúp bảo vệ cơ thể khỏi bị phơi nhiễm.

7. Quan hệ tình dục an toàn

Hãy quan hệ tình dục an toàn để bảo vệ bản thân và bạn đời của chúng ta khỏi các vấn đề sức khỏe có thể lây lan qua đường tình dục, trong đó có các bệnh về gan như: Viêm gan vi rút B, C, lây nhiễm trực tiếp khi quan hệ tình dục không an toàn và có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe nghiêm trọng theo thời gian. Hầu hết mọi người không nhận thấy họ bị viêm gan C cho đến khi bệnh đã chuyển nặng.

8. Duy trì cân nặng

Theo Hiệp hội Nghiên cứu Bệnh gan Mỹ (AASLD), giảm cân nhằm duy trì cân nặng ở mức hợp lý là một phần quan trọng giúp cải thiện chức năng gan. Bệnh nhân mắc gan nhiễm mỡ không do rượu (NAFLD), và người béo phì, giảm từ 3-5% trọng lượng cơ thể có thể giảm sự tích tụ chất béo trong gan. Nếu giảm từ 7-10% trọng lượng cơ thể có thể cải thiện các triệu chứng khác của bệnh gan không do rượu như viêm, xơ hóa…

9. Kiểm tra chức năng gan định kỳ

Kiểm tra gan định kỳ giúp phát hiện các chỉ số khác nhau liên quan đến chức năng gan và chuyển hóa thông qua các phương pháp xét nghiệm sinh hóa, từ đó phản ánh tình trạng cơ bản của chức năng gan. Trong trường hợp bạn thường xuyên uống nhiều rượu, hoặc có tiền sử gia đình mắc các bệnh về gan, cần đi khám bác sĩ chuyên khoa để chẩn đoán chính xác bệnh. Việc phát hiện và điều trị sớm sẽ giúp người bệnh duy trì sức khỏe, kéo dài tuổi thọ, hiệu quả điều trị cao hơn.

10. Rửa tay và đảm bảo vệ sinh khi chế biến thức ăn

Thường xuyên rửa tay là cách đơn giản, dễ dàng giúp ngăn chặn vi rút có thể lây nhiễm bệnh sang gan của bạn. Nên rửa tay bằng xà phòng dưới vòi nước chảy. Điều đặc biệt quan trọng là chúng ta nên rửa tay ngay trước bữa ăn và sau khi đi vệ sinh. Viêm gan vi rút A và E là hai loại vi rút viêm gan lây theo đường tiêu hóa. Vi rút viêm gan E có thể lây qua thức ăn không nấu chín trong quá trình chế biến như các món shasimi cá hoặc các loại thực phẩm sống, vì thế, đối với thực phẩm không nấu chín cần tuân thủ nghiêm ngặt quy trình chế biến an toàn.

11. Tiêm phòng các bệnh lý ở gan

Tiêm phòng viêm gan A và B là một trong các biện pháp tăng cường chức năng gan. Viêm gan A lây nhiễm từ thực phẩm và nước bị ô nhiễm. Viêm gan B có thể lây nhiễm qua quan hệ tình dục, máu và kim tiêm bị nhiễm vi rút. Nếu bạn không chủng ngừa viêm gan B, hãy thực hành tình dục an toàn. Nói chuyện với bác sĩ về các loại vắc xin này nếu có ý định chủng ngừa.

Điều dưỡng Dương Đức Thành

(Bệnh viện Hữu nghị Lạc Việt)

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/suc-khoe-doi-song/83359/11-cach-tang-cuong-chuc-nang-gan.html