11 giờ phẫu thuật, truyền 22 lít máu, cứu sống cô gái mang khối u khổng lồ
Khối u có tổn thương rất phức tạp vì kích thước quá lớn đè ép vào rất nhiều tạng phía trước trong ổ bụng như: đại trực tràng, bàng quang, niệu quản, tử cung buồng trứng, các mạch máu lớn và các dây thần kinh cùng cụt. Nếu phẫu thuật thì sẽ gặp rất nhiều nguy cơ tai biến, biến chứng, thậm chí có thể tử vong.
Bệnh viện TWQĐ 108 tiếp nhận trường hợp chị Cầm Thị A (25 tuối, Sơn La) chịu đựng khối u vùng xương cùng suốt hơn 10 năm nay. Khối u có kích thước rất lớn. Trong 10 năm mang khối u, bệnh đã đi khám nhiều bệnh viện nhưng chưa được giải quyết.
Giai đoạn đầu khối u phát triển chậm, không gây đau đớn. Nhưng 3 năm gần đây, khối u to nhanh, đã đè ép nặng vào trực tràng, bàng quang khiến bệnh nhân bị rối loạn nghiêm trọng chức năng đại tiện, tiểu tiện, tê bì vùng tầng sinh mô, việc đi lại bị hạn chế.
Khi thăm khám tại chỗ, bác sĩ thấy một khối bất thường rất lớn vùng mông, tuần hoàn bàng hệ trên bề mặt khối u, thậm chí sờ thấy u ngay dưới da bụng vùng dưới rốn. Kích thước khối u 21x21x15cm, đè đẩy tử cung, bàng quang ra trước, không xâm lấn, phát triển ra sau và xuống tầng sinh môn. Khối gây đè ép vào niệu quản bên phải khiến thận phải teo, ngấm thuốc hạn chế.
Khối u có tổn thương rất phức tạp vì kích thước quá lớn đè ép vào rất nhiều tạng phía trước trong ổ bụng như: đại trực tràng, bàng quang, niệu quản, tử cung buồng trứng, các mạch máu lớn và các dây thần kinh cùng cụt. Nếu phẫu thuật thì sẽ gặp rất nhiều nguy cơ tai biến, biến chứng, thậm chí có thể tử vong.
Bởi trong quá trình phẫu thuật một khối u khổng lồ, khi đục cắt u chắc chắn sẽ xảy ra tình trạng chảy máu khó kiểm soát, phải truyền máu khối lượng rất lớn, dễ xảy ra biến chứng tim mạch như ngừng tim, rối loạn đông máu. Sau phẫu thuật, có thể xảy ra tình trạng nhiễm trùng vết mổ do vết mổ rất rộng và dài cả phía trước bụng và vùng mông, và nguy cơ suy mòn suy kiệt, tắc ruột.
Sau khi nghe giải thích, bệnh nhân Cầm Thị A, đã quyết tâm điều trị phẫu thuật và tin tưởng vào trình độ chuyên môn, sự tận tâm và bàn tay khéo léo của các bác sĩ, và chấp nhận mọi rủi ro có thể xảy ra.
Bệnh nhân được hội chẩn cấp bệnh viện hai lần, tìm ra phương pháp điều trị tối ưu. Kết luận của hội chẩn là phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ khối u bằng cả hai đường mổ lối trước và lối sau. Bệnh viện đã huy động những bác sĩ phẫu thuật giỏi nhất của bệnh viện thuộc nhiều chuyên ngành như: phẫu thuật cột sống, phẫu thuật mạch máu, phẫu thuật tiêu hóa, tiết niệu, sản khoa, khoa gây mê hồi sức.
Ngày 15/6/2020, kíp phẫu thuật gồm gần 30 bác sĩ với các chuyên khoa: chấn thương, ngoại lồng ngực, ngoại tiêu hóa, ngoại tiết niệu, sản, gây mê, hồi sức (các phẫu thuật viên và bác sĩ gây mê) tiến hành phẫu thuật.
Ca mổ kéo dài hơn 11 tiếng, được chia làm hai thì. Thì mổ thứ nhất, đi đường mổ trước theo đường trắng giữa trên và dưới rốn, các bác sĩ bộc lộ khối u nằm trong ổ bụng, bảo vệ các mạch máu lớn và các tạng xung quanh khối u và đục cắt u thành nhiều mảnh. Sau đó tiến hành đặt tư thế BN nằm sấp để làm thì mổ thứ hai, đi đường mổ vùng mông hai bên, cắt khối u từ phía sau.
TS.Phan Trọng Hậu, Chủ nhiệm khoa Chấn thương chỉnh hình cột sống, Viện CTCH, Bệnh viện TWQĐ 108 chia sẻ: "Trong quá trình phẫu thuật, tình trạng chảy máu khó kiểm soát từ trong ổ bụng do chảy máu từ diện cắt xương và một số tĩnh mạch gần u, chúng tôi phải lật sấp ngửa bệnh nhân 3 lần để vừa cầm máu, vừa cắt u.
Lượng máu phải truyền ngay trong phẫu thuật lên đến 22 lít khối hồng cầu, huyết tương tươi và khối tiểu cầu, chưa tính đến các loại dịch truyền khác. Các phẫu thuật viên đã cắt một phần đại tràng, làm hậu môn nhân tạo, sắp xếp lại các quai ruột và xoay vạt cơ mông hai bên để che phủ ổ khuyết hồng phần mềm sau cắt u."
Cuối cùng, kíp mổ đã cắt được trọn vẹn toàn bộ khối u, phần xương cùng còn lại vẫn đảm bảo độ vững của khớp cùng chậu. BN được chuyển về khoa Hồi sức tích cực để theo dõi và chăm sóc trong 1 tuần. Hiện tại diễn biến bệnh nhân ổn định, chăm sóc vết thương, đi điều trị vật lý trị liệu hàng ngày.
Đây là trường hợp rất hiếm gặp, khối u xương rất lớn vùng xương cùng. Cần phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhiều chuyên khoa và sự quyết tâm cao độ của cả kíp phẫu thuật viên và các bác sĩ, điều dưỡng khoa gây mê hồi sức. Kết quả hiện tại sau mổ hơn 1 tuần, bệnh nhân hồi phục, ăn uống được, tập ngồi dậy, đã rút tất cả các ống dẫn lưu, vết mổ còn thấm dịch máu, hậu môn nhân tạo lưu thông, tiểu qua sonde.
U xương sụn là sự quá phát của xương và sụn ở gần các đầu xương, gần với sụn phát triển của xương (sụn tiếp). Sự quá phát này có thể gặp ở bất cứ xương nào có bản sụn phát triển như xương dài (xương đùi, xương chầy, xương cánh tay và các xương cẳng tay), xương chậu hoặc xương bả vai.
U xương sụn là tổn thương lành tính thường gặp nhất của các xương đang phát triển. Tổn thương này thường gặp trong quá trình phát triển của hệ xương, tức là lứa tuổi từ 10 đến 25 tuổi. Tần suất gặp ở nam và nữ là như nhau. Cho đến nay, phẫu thuật là phương pháp điều trị chủ yếu.