11 hành vi vi phạm Bộ luật phòng, chống doping thế giới
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa ban hành Thông tư 01/2023/TT-BVHTTDL sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 17/2015/TT-BVHTTDL quy định về phòng chống doping trong hoạt động thể thao.
Hội đồng Miễn trừ do điều trị có 5 hoặc 7 thành viên
Trước đó, theo Thông tư 17/2015/TT-BVHTTDL (TT 17), vận động viên có hồ sơ bệnh án đang cần phải sử dụng chất bị cấm hoặc phương pháp bị cấm được xin hưởng Miễn trừ do điều trị theo Tiêu chuẩn quốc tế về miễn trừ do điều trị. Việc sử dụng chất bị cấm hoặc phương pháp bị cấm phù hợp với các quy định của điều khoản Miễn trừ do điều trị sẽ không bị coi là hành vi vi phạm doping.
Theo quy định tại Điều 11 TT 17, Giám đốc Trung tâm Doping và Y học thể thao hoặc Trưởng ban tổ chức giải thành lập Hội đồng Miễn trừ do điều trị để xem xét tính hợp Íy trong điều trị bệnh theo hồ sơ xin miễn trừ do điều trị của vận động viên.
Tại Thông tư 01/2023/TT-BVHTTDL (TT 01), quy định này được sửa đổi, bổ sung như sau: Trưởng ban tổ chức giải thành lập Hội đồng Miễn trừ do điều trị để xem xét tính hợp lý trong điều trị bệnh đối với hồ sơ xin miễn trừ do điều trị của vận động viên đăng ký thi đấu tại giải. Trường hợp không thành lập Hội đồng Miễn trừ do điều trị, ban tổ chức giải gửi hồ sơ xin miễn trừ do điều trị của vận động viên tới Trung tâm Doping và Y học thể thao để xem xét.
Về số lượng thành viên, Hội đồng Miễn trừ do điều trị có 5 hoặc 7 thành viên, gồm các chuyên gia y tế, làm việc theo nguyên tắc dân chủ, biểu quyết theo đa số và phù hợp với quy định của Bộ luật phòng, chống doping thế giới.
Giám đốc Trung tâm Doping và Y học thể thao hoặc Trưởng ban tổ chức giải có quyền quyết định thay đổi thành viên Hội đồng miễn trừ do điều trị trong trường hợp có lý do, căn cứ rõ ràng cho rằng họ có thể không vô tư, khách quan trong khi làm nhiệm vụ. Quyết định thay đổi thành viên Hội đồng miễn trừ do điều trị phải nêu rõ lý do, căn cứ của việc thay đổi.
Căn cứ vào kết luận của Hội đồng Miễn trừ do điều trị, trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ xin miễn trừ do điều trị của vận động viên đăng ký thi đấu tại giải, ban tổ chức giải hoặc Trung tâm Doping và Y học thể thao thông báo bằng văn bản chấp thuận hoặc không chấp thuận miễn trừ do điều trị cho vận động viên và nêu rõ lý do.
Văn bản chấp thuận miễn trừ do điều trị cho vận động viên của ban tổ chức giải chỉ có giá trị trong giải đấu. Còn văn bản chấp thuận miễn trừ do điều trị cho vận động viên của Trung tâm Doping và Y học thể thao có giá trị trong thời hạn cụ thể, phù hợp với hồ sơ y tế của vận động viên và theo Tiêu chuẩn quốc tế về miễn trừ do điều trị của Tổ chức phòng, chống doping thế giới.
Cấm kỳ thị, trù dập người tố cáo vi phạm doping
Theo Điều 4 TT 17, các hành vi vi phạm Bộ luật phòng, chống doping thế giới được quy định gồm: có chất bị cấm hoặc các chất chuyển hóa hoặc các dấu vết của chất bị cấm trong mẫu xét nghiệm của vận động viên; sử dụng chất bị cấm hoặc phương pháp bị cấm; vận động viên lảng tránh, từ chối hoặc bỏ lỡ việc lấy mẫu thử mà không phải vì lý do bất khả kháng sau khi có thông báo; vi phạm các yêu cầu liên quan đến sự có mặt của vận động viên để kiểm tra doping ngoài thi đấu; Làm sai lệch hoặc gây cản trở đối với bất kỳ công đoạn nào của việc kiểm tra doping; sở hữu chất bị cấm hoặc phương pháp bị cấm; buôn bán chất bị cấm hoặc phương pháp bị cấm; Cho vận động viên uống, sử dụng chất bị cấm hoặc phương pháp bị cấm trong thi đấu hoặc ngoài thi đấu; hỗ trợ, khuyến khích, giúp sức, sai khiến, bao che hoặc dính líu đến bất kỳ hành vi đồng lõa nào khác vi phạm quy định về phòng, chống doping; đồng lõa, bao che cho một hoặc nhiều hành vi vi phạm phòng, chống doping; vận động viên có liên hệ về chuyên môn thể dục thể thao với huấn luyện viên, người hướng dẫn, bác sĩ hoặc bất kỳ ai đang trong thời gian bị kỷ luật do vi phạm quy định về phòng, chống doping.
Ngoài 10 hành vi nêu trên, TT 01 đã bổ sung hành vi “kỳ thị, trù dập người tố cáo hành vi vi phạm doping” là hành vi vi phạm Bộ luật phòng, chống doping thế giới.