11 năm bại liệt làm bạn với xe lăn, người đàn ông phục hồi khả năng đi lại nhờ 'phép màu'
Một thiết bị y tế mới được phát minh đã giúp người đàn ông bị liệt đi lại tự nhiên sau hơn một thập kỷ.
Thay đổi số phận sau 11 năm
Nhà thần kinh học đồng thời là Tiến sĩ Grégoire Courtine và các đồng nghiệp từ Viện Công nghệ Liên bang Thụy Sĩ ở Lausanne đã phát triển và cấy ghép một “giao diện não-cột sống” tạo ra một liên kết thần kinh trực tiếp giữa não và tủy sống. Từ đó tạo cơ hội đi lại cho người bệnh bị liệt, như anh Gert-Jan Oskam (40 tuổi) chẳng hạn.
Kết quả nghiên cứu, được công bố hôm thứ Tư (24/5) trên tạp chí Nature, phác thảo những kết quả thành công cho một người tham gia nghiên cứu đến từ Hà Lan.
Theo CNN, 11 năm trước, anh Gert-Jan Oskam bị liệt nửa người sau một tai nạn xe máy khi làm việc ở Trung Quốc. Anh bị liệt hoàn toàn tứ chi, một phần cơ thể cũng bị ảnh hưởng. Từ đó, Gert phải sống dựa hoàn toàn vào chiếc xe lăn, thậm chí cần người hỗ trợ.
Gert nói trong cuộc họp báo với các nhà báo tuần này: “Mong muốn của tôi là đi lại được và tôi tin rằng điều đó là có thể. Tôi đã thử nhiều công cụ trước đây nhưng không mấy hiệu quả, và bây giờ tôi đã có thể học cách đi lại bình thường”.
Người đàn ông cho biết anh có thể tự đi bộ ít nhất 100 mét và đứng mà không cần dùng tay trong vài phút. Gert nói thiết bị này rất hữu ích trong cuộc sống hàng ngày của anh, chẳng hạn như gần đây anh đã có thể tự làm một số việc mà không cần người hỗ trợ.
"Phép màu" từ bàn tay con người
Tiến sĩ Gregoire Courtine gọi công nghệ này như một "sự tái sinh kỹ thuật số" của tủy sống.
Thông thường, chấn thương tủy sống gây ra gián đoạn giao tiếp giữa não và vùng tủy sống kiểm soát việc đi lại, từ đó dẫn đến liệt chân, như trường hợp của Gert. Trước đây, đã có các nghiên cứu khôi phục cử động ở những người bị liệt như vậy bằng cách kích thích điện các vùng của tủy sống. Nhưng điều đó đòi hỏi phải đeo cảm biến chuyển động và khả năng di chuyển của bệnh nhân còn hạn chế trên địa hình khác nhau.
Nhưng thiết bị mới của Tiến sĩ Gregoire Courtine và đồng nghiệp đã gạt bỏ những khó khăn đó. Tức là, họ sử dụng phương pháp cấy ghép điện tử để phát triển một "cầu nối kỹ thuật số không dây" giữa não và tủy sống.
Tức là, thiết bị cấy ghép được đặt vào não của bệnh nhân, thiết bị thứ 2 được đặt trên vùng tủy sống. 2 thiết bị đều đặt ở trên vùng điều khiển chuyển động của chân.
Khi bệnh nhân có ý muốn đi bộ, thiết bị này sẽ giải mã các tín hiệu điện do não tạo ra và chuyển đổi thành các chuỗi kích thích điện của tủy sống, và cuối cùng là kích hoạt các cơ chân.
Sau khi thiết bị cấy ghép được đặt vào não và tủy sống của Gert, hệ thống chỉ mất vài phút để hiệu chỉnh. Suốt hơn 1 năm nay, anh đã có thể sử dụng nó tại nhà để tự đứng, đi và leo cầu thang.
Thêm một điều vô cùng đáng kinh ngạc là ngay cả khi thiết bị kỹ thuật số bị tắt, kỹ năng vận động của Gert cũng có "những tiến bộ đáng kể".
Gert là người đầu tiên tham gia thử nghiệm, nhưng các nhà nghiên cứu rất hy vọng về những khả năng trong tương lai. Nghiên cứu này xác nhận khả năng tái tạo liên kết thần kinh giữa não và tủy sống, và kết nối này diễn ra nhanh chóng. Họ nói rằng việc mở rộng phạm vi kết nối đó cũng có thể giúp ích cho những người bị liệt cánh tay và bàn tay hoặc những người bị đột quỵ. Nhưng họ muốn giảm kích thước của hệ thống để làm cho nó dễ mang theo hơn.
Các nhà nghiên cứu viết: “Khái niệm về cầu nối kỹ thuật số giữa não và tủy sống mở ra một kỷ nguyên mới trong việc điều trị các khiếm khuyết vận động do rối loạn thần kinh”.
Nguồn: CNN