304,773 dặm/giờ, tương đương 490,484 km/h theo Euro-speak. Đây là con số được ghi lại bởi một hộp GPS đặt trong Chiron, trở thành siêu xe đầu tiên vượt qua mốc 300 dặm/giờ. Tốc độ tối đa của siêu xe gấp 3 lần tốc độ tối đa của chiếc Suzuki Jimny.
Quá trình thử nghiệm Bugatti Chiron đã được chuẩn bị trong một thời gian dài, từng bước để kiểm định khả năng tăng tốc cũng như độ bám đường của chiếc xe. Tốc độ được đẩy dần từ 186 dặm/giờ, và trong một ngày thời tiết ủng hộ, tay đua Andy Wallace đã làm việc hoàn hảo và đạt kỷ lục không tưởng.
Chiron di chuyển được 136 mét mỗi giây, tương đương 1,6 km sau 11,8 giây và 8,2 km mỗi phút. Tốc độ tối đa đã được ghi nhận trên đường thẳng dài 8,64 km, tuy nhiên trước đó, Andy Wallace, tay đua thực hiện thử nghiệm, đã phải điều phối tốc độ hết sức hợp lý, khoảng 192 km/h ở các khúc cua trước và sau đoạn đường đó để đảm bảo an toàn.
Andy Wallace chỉ thực sự "cứng ga" trong khoảng 70 giây. Anh đã cố gắng thoát cua ở tốc độ khoảng 200 km/h, sau đó tăng tốc tối đa để tận dụng quãng đường thẳng. Đây là một thử thách không hề dễ dàng.
Andy Wallace cũng là người cầm lái chiếc McLaren F1 tại Ehra vào năm 1998. Lần này, anh đã điều khiển Chiron nhanh hơn gần 100 km/h so với chiếc siêu xe lừng danh một thời
1.578 mã lực là công suất động cơ của Bugatti Chiron. Động cơ 8.0L đã được các kỹ sư của Bugatti kết hợp hoàn hảo với hộp số mới, đồng thời trang bị cho chiếc siêu xe có biệt danh "Thor" hệ thống dẫn động và điều hướng cả 4 bánh.
Bugatti Chiron được thử nghiệm trên đường thử cao 50 m so với mặt nước biển. Điều kiện này khác so với đường thử tại Nevada, nơi Koenigsegg đã được thử nghiệm. Do mật độ không khí cao hơn, chiếc xe phải chịu tác dụng lực mạnh hơn. Mật độ không khí và nhiệt độ rất quan trọng với mỗi cuộc thử nghiệm, kết quả ghi nhận được có thể chênh lệch đến 25 km/h tùy thuộc vào độ cao đường thử.
Chiếc xe đã được thay đổi thiết kế khí động học ở phía trước, phía sau và hông xe để giảm lực cản. Cánh gió sau và hãm tốc tự nhiên trên xe đã được gỡ bỏ, thay thế bằng một bộ phận tĩnh đặt lõm vào thân xe.
Bộ lốp được sử dụng trong thử nghiệm là Michelin Sport Cup 2 đã được gia cố bằng các sợi kim loại mạnh hơn. Bộ lốp này đã được thử nghiệm trên máy ở tốc độ hơn 507 km/h tại Mỹ, với mỗi lốp được chụp X-quang để xác định bất cứ vấn đề nhỏ nhất nào xuất hiện. Trong thử nghiệm, mỗi phút lốp xe quay đến 4.100 vòng, không khác gì những bộ lốp F1 phẩm cấp cao nhất.
Giảm trọng lượng, tăng công suất động cơ. Công thức có vẻ đơn giản để một chiếc siêu xe đạt tốc độ nhanh hơn, nhưng không hoàn toàn đúng. Ở tốc độ trên 450 km/h, rất nhiều thay đổi cần phải được thực hiện để chiếc xe nhanh hơn dù chỉ 1 km/h. Mọi chức năng trên xe đều có thể trở nên quá tải, đòi hỏi tay lái phải phân bố hết sức hợp lý. Hệ thống lái thông thường được cấu hình ở mức tối đa 416 km/h. Chỉ cần một sai sót nhỏ, chiếc xe có thể sẽ không dừng lại được hoặc bị lật ở một tốc độ khủng khiếp.
Đã 98 năm kể từ khi Malcolm Campbell trở thành người đầu tiên cầm lái một chiếc xe chạy hơn 482 km/h. Đó là một chiếc Rolls-Royce động cơ V12 36,7L siêu nạp. Công nghệ hiện đại ngày nay đã giúp Chiron trở thành một trong những huyền thoại với động cơ W16 dung tích "chỉ" 8.0L.
Hùng Sơn
Theo Topgear