11 tuyến đường bộ cao tốc qua Hà Nội: Mở ra 4 hành lang kinh tế quan trọng

Theo Quy hoạch GTVT Thủ đô đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, mạng lưới hạ tầng giao thông đường bộ khung của Hà Nội bao gồm các đường vành đai và trục hướng tâm có 11 tuyến, với tổng chiều dài trên 287km, quy mô từ 4 - 6 làn xe. Hiện đã có 8/11 tuyến được đầu tư hình thành, nhưng vẫn còn một số bất cập nhất định.

Động lực phát triển kinh tế
Với 11 tuyến đường vành đai, trục hướng tâm đi qua địa bàn, hình thành 4 hành lang kinh tế quan trọng của khu vực phía Bắc, Hà Nội sẽ có được vị thế hạt nhân trung tâm của khu vực kinh tế Bắc Bộ, trở thành một trong những đầu tàu phát triển của cả nước.
Đại diện Sở GTVT Hà Nội cho biết, trong số 11 tuyến đường bộ cao tốc nêu trên có 7 tuyến hướng tâm gồm: Hà Nội - Hải Phòng; Hà Nội - Hạ Long; Láng - Hòa Lạc - Hòa Bình; Hà Nội - Thái Nguyên; Hà Nội - Lạng Sơn; Hà Nội - Lào Cai; Pháp Vân - Cầu Giẽ với tổng chiều dài 113,2km. Cùng với đó là 3 tuyến vành đai gồm: 3, 4, 5 có tổng chiều dài 129,5km và tuyến quá cảnh cao tốc Tây Bắc - Quốc lộ 5 dài 35,km.

Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đoạn qua địa phận huyện Gia Lâm, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đoạn qua địa phận huyện Gia Lâm, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Hiện 8/11 tuyến đường bộ cao tốc đã cơ bản hình thành, tương ứng với 170,2km, trong đó có 7 tuyến hướng tâm, 1 tuyến Vành đai 3 và một số đoạn đi trùng với đường hiện trạng của tuyến Vành đai 5, tương ứng với 57km. Còn lại 3 tuyến cao tốc chưa được đầu tư là: Vành đai 4, 5 và cao tốc Tây Bắc - Quốc lộ 5. Việc đầu tư hình thành các tuyến cao tốc trên góp phần kết nối giao thông, phục vụ vận chuyển hàng hóa và hành khách, cũng như thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho 4 hành lang kinh tế quan trọng khu vực phía Bắc gồm: Lào Cai - Hà Nội - Quảng Ninh; Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, Lạng Sơn - Bắc Giang - Hà Nội; Hà Nội - Thái Nguyên.
Theo đánh giá của lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội, giải pháp huy động nguồn lực xã hội để đầu tư các tuyến cao tốc theo hình thức PPP (loại hợp đồng BOT) qua thực tiễn triển khai đã thực sự phát huy hiệu quả và được xác định là phương thức chủ yếu. Trong số 8 tuyến cao tốc đã được đầu tư trên địa bàn TP có tới 5 tuyến được đầu tư theo hình thức BOT. Tuy nhiên, việc khai thác vận hành mạng lưới đường cao tốc qua địa bàn TP vẫn còn một số tồn tại bất cập, gây áp lực khá lớn đối với hạ tầng giao thông chung của TP.
Thạc sĩ quản lý đô thị Phan Trường Thành phân tích, mạng lưới hệ thống đường cao tốc đi qua địa bàn Thủ đô hầu hết là đi bằng, gây chia cắt và khó khăn cho việc kết nối giao thông 2 bên. “Hệ thống đường gom song hành, một số nút giao thông quan trọng cũng chưa được đầu tư hoàn thiện dẫn đến tình trạng UTGT tại các nút giao, đặc biệt là khu vực cửa ngõ ra, vào TP” - thạc sĩ Phan Trường Thành nhận định.

Chuẩn bị đầu tư kỹ lưỡng hơn
Từ thực tế những bất cập, tồn tại trong quá trình đầu tư cũng như vận hành, khai thác các tuyến đường bộ cao tốc đi qua địa bàn Thủ đô, thạc sĩ Phan Trường Thành cho rằng, cần chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo hơn nữa trước khi triển khai các dự án giao thông lớn.
Thạc sĩ Phan Trường Thành cho rằng, Bộ GTVT cần chủ trì, phối hợp với UBND các tỉnh, TP trên cơ sở quy hoạch những tuyến đường cao tốc tổ chức rà soát xác định cụ thể hướng tuyến, quy mô mặt cắt ngang, thành phần mặt cắt cho phù hợp cũng như quy hoạch các nút giao liên thông, trực thông phù hợp với quy hoạch mạng lưới giao thông các địa phương. Khi xác định tuyến và quy mô của tuyến cần lưu ý, với các đoạn tuyến cao tốc đi qua khu vực đô thị nên làm theo hướng đi trên cao để đảm bảo việc kết nối giao thông, phát triển đô thị, công nghiệp, thương mại hai bên tuyến đường và khu vực đầu mối. Đối với các đoạn tuyến cao tốc ngoài khu vực đô thị cần quy hoạch đồng bộ hệ thống đường gom, hầm chui ngay từ khâu nghiên cứu, thiết kế.
Cùng với đó, nên ưu tiên đầu tư hoàn thiện đồng bộ theo định hướng quy hoạch đã được duyệt. “Tuy nhiên, kể cả khi đầu tư từng phần cũng cần GPMB một lần theo quy mô quy hoạch, đặc biệt là đối với khu vực phát triển đô thị, liên quan đến đất ở của người dân. Đầu tư chờ ngay các nút giao thông chủ yếu” - thạc sĩ Phan Trường Thành nhìn nhận.
Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, hình thức đầu tư hỗn hợp - đầu tư công kết hợp đối tác công - tư đã thực sự phát huy hiệu quả và cần tiếp tục được áp dụng triển khai thực hiện trong thời gian tới. Bên cạnh đó, việc đề xuất cơ chế chỉ định thầu, giao thầu là cần thiết nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án giao thông lớn. Đặc biệt, công tác GPMB phải thực hiện sớm, đi trước một bước, phải đạt từ khoảng 70% khối lượng trở lên mới tổ chức đấu thầu triển khai thi công, tránh kéo dài thời gian chờ đợi mặt bằng gây lãng phí, đội vốn đầu tư.

Trên địa bàn Hà Nội, ngoài tuyến Vành đai 4, Vành đai 5, Bộ GTVT cần bổ sung thêm danh mục đầu tư mới, cũng như cải tạo một số tuyến đường được xác định là đường cao tốc như tuyến Tây Bắc - Quốc lộ 5; cải tạo quy mô Quốc lộ 18, kết hợp xây dựng đoạn tuyến còn lại của tuyến cao tốc Hà Nội - Hạ Long đi phía Bắc sân bay Nội Bài.

Hải Phương

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/11-tuyen-duong-bo-cao-toc-qua-ha-noi-mo-ra-4-hanh-lang-kinh-te-quan-trong-422958.html