11 xã đạt chuẩn huy động nguồn vốn trên 1.800 tỷ đồng

UBND tỉnh vừa có Quyết định công nhận 11 xã đạt chuẩn NTM đợt 2 năm 2019 gồm: Hào Lý, Hiền Lương (Đà Bắc); Xăm Khòe, Nà Phòn (Mai Châu); An Bình, Khoan Dụ (Lạc Thủy); Kim Bôi, Sơn Thủy (Kim Bôi); Trung Sơn, Tiến Sơn, Hợp Châu (Lương Sơn).

HTX dệt thổ cẩm Lục Nghiệp Thành xã Yên Nghiệp (Lạc Sơn) được hỗ trợ 300 triệu đồng đầu tư máy móc mở rộng sản xuất.

HTX dệt thổ cẩm Lục Nghiệp Thành xã Yên Nghiệp (Lạc Sơn) được hỗ trợ 300 triệu đồng đầu tư máy móc mở rộng sản xuất.

Năm 2011, thu nhập bình quân của 11 xã mới đạt 9,4 triệu đồng/ người, tỷ lệ hộ nghèo là 23,2%. Đến nay, thu nhập bình quân các xã đạt 34,2 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 8,3% theo chuẩn nghèo mới.

Trong 9 năm thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM, 11 xã đã huy động được 1.819.890 triệu đồng, bình quân mỗi xã huy động 165.445 triệu đồng. Trong đó, nguồn ngân sách T.Ư, vốn trực tiếp từ chương trình, ngân sách tỉnh 594.699 triệu đồng; nguồn ngân sách huyện, xã 337.218 triệu đồng; nguồn lồng ghép các chương trình, dự án 243.377 triệu đồng; nguồn vốn tín dụng 232.753 triệu đồng; vốn huy động doanh nghiệp, HTX 63.661 triệu đồng; nguồn huy động nhân dân gồm công lao động, hiến đất, tài sản trên đất, vật liệu xây dựng, ca máy, tiền và các nguồn huy động khác trị giá 63.661 triệu đồng.

*Hỗ trợ 3,1 tỷ đồng cho các làng nghề phát triển

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 11 làng nghề, làng nghề truyền thống được công nhận với 804 hộ làm nghề và 1.092 lao động tham gia làm nghề, thu nhập của các làng nghề, làng nghề truyền thống sau khi được hưởng chính sách hỗ trợ tương đối ổn định.

Các làng nghề đã sản xuất được một số loại sản phẩm đặc trưng, bản sắc gồm: nhóm sản phẩm thêu dệt thổ cẩm dân tộc thái ở Mai Châu, Lạc Sơn, Tân Lạc; gỗ lũa, chế tác đá cảnh ở Lương Sơn, Lạc Thủy; nghề nấu rượu ở Yên Thủy, Mai Hạ (Mai Châu)... đã góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn; giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc; tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho nhân dân; xóa đói, giảm nghèo, xây dựng NTM của tỉnh.

Sau khi được công nhận, mỗi làng nghề được hỗ trợ 50 triệu đồng để duy trì, bảo tồn và phát triển, đến nay đã hỗ trợ tổng kinh phí 3,1 tỷ đồng cho các làng nghề phát triển. Trong đó, hỗ trợ cho 8 làng nghề, làng nghề truyền thống với tổng kinh phí 400 triệu đồng; hỗ trợ 9 làng nghề, làng nghề truyền thống về cải tiến máy móc thiết bị, chuyển giao công nghệ tiên tiến vào các khâu sản xuất và xử lý môi trường với tổng kinh phí 2.700 triệu đồng (300 triệu đồng/ làng nghề, làng nghề truyền thống).

*Huyện Tân Lạc có 19 xã đạt tiêu chí thủy lợi

Xác định đầu tư cho công tác thủy lợi là tiền đề để phát triển sản xuất nông nghiệp, những năm qua, huyện Tân Lạc đã huy động nguồn vốn các chương trình, dự án trên địa bàn và đóng góp của nhân dân với tổng kinh phí 165.789 triệu đồng.

Trong đó, vốn chương trình NTM 6.100 triệu đồng, thực hiện đào đắp 3.853.500 m3 đất, đá; phát quang 446.000 m2; với 11.907.810 ngày công. Sửa chữa, nâng cấp và xây mới 191 công trình; 13,31 km kênh mương, nâng tổng số km kênh mương được cứng hóa là 135,5/622,6 km, đạt 21,76%; số diện tích đất sản xuất được tưới và tiêu chủ động 8.106 ha, chiếm 60% diện tích gieo trồng.

Qua đánh giá, hết năm 2019, toàn huyện có 19/23 xã đạt tiêu chí số 3 về thủy lợi.

P.V

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/28/133674/11-xa-dat-chuan-huy-dong-nguon-von-tren-1.800-ty-dong.htm