113 giờ hoạt động liên tục của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Mỹ và Brazil
Sáng 27/9, chuyên cơ chở Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam về đến sân bay Nội bài, kết thúc chuyến công tác đến Mỹ, thăm chính thức Brazil thành công tốt đẹp.
Trao đổi với báo chí về kết quả chuyến công tác, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, chuyến công tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam dự Phiên thảo luận chung cấp cao của Đại hội đồng Khóa 78 và kết hợp hoạt động song phương tại Mỹ đã đạt ở mức cao tất cả mục tiêu, nhiệm vụ với 113 giờ hoạt động liên tục, thiết thực triển khai đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng lần thứ XIII.
Coi trọng vị thế, vai trò và tiếng nói tích cực của Việt Nam
Bộ trưởng có thể khái quát những kết quả chuyến công tác của Thủ tướng và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Phiên thảo luận cấp cao Đại hội đồng Liên Hợp Quốc Khóa 78 và tiến hành các hoạt động song phương tại Mỹ?
Phiên họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc năm nay có sự tham dự đông đảo của hơn 150 lãnh đạo các nước. Chuyến công tác cũng diễn ra ngay sau khi Việt Nam và Mỹ xác lập quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện vì hòa bình hợp tác và phát triển bền vững. Trong bối cảnh đó, chuyến công tác đã đạt một số kết quả chính.
Một là, qua phát biểu của Thủ tướng tại các phiên họp, nhất là Phiên Thảo luận cấp cao, chúng ta đã truyền tải được những thông điệp lớn về quan điểm, chính sách cụ thể của Việt Nam triển khai đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng lần thứ XIII và Chỉ thị 25 của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030.
Hai là, chúng ta thể hiện hình ảnh một Việt Nam trân trọng sự quý giá của hòa bình, ổn định, đang phát triển mạnh mẽ về kinh tế - xã hội; đồng thời có vai trò, vị thế và uy tín ngày một được nâng cao trên trường quốc tế.
Ba là, chúng ta đã tranh thủ tối đa chuyến công tác để phát triển hơn nữa và mở mới quan hệ với các nước, các tổ chức quốc tế. Thủ tướng Phạm Minh Chính và các thành viên Đoàn chính thức đã có hàng chục hoạt động tiếp xúc với lãnh đạo các nước, tổ chức quốc tế.
Tại những cuộc gặp, các đối tác đều thể hiện coi trọng vị thế, vai trò và tiếng nói tích cực của Việt Nam, thống nhất tăng cường trao đổi đoàn, hợp tác chính trị - ngoại giao, kinh tế - thương mại, khoa học công nghệ, lao động, du lịch, giáo dục đào tạo, giao lưu nhân dân cũng như ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn khu vực và quốc tế.
Lãnh đạo nhiều nước ủng hộ tầm quan trọng của việc giải quyết hòa bình tranh chấp ở Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982, bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông.
Trong dịp này, chúng ta thiết lập quan hệ ngoại giao thêm với Tonga, đưa tổng số nước có quan hệ ngoại giao với Việt Nam lên 193 nước.
Việt Nam cũng là một trong số những nước đầu tiên ký Hiệp định về Biển cả (BBNJ), là điều ước quốc tế điều chỉnh việc khai thác, chia sẻ lợi ích và bảo tồn nguồn gen biển tại các vùng biển quốc tế.
Với Mỹ, đây là chuyến công tác đầu tiên của lãnh đạo chủ chốt ta sau khi hai nước thiết lập khuôn khổ quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện, góp phần triển khai các thỏa thuận đã đạt được trong chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Biden.
Thủ tướng đã có hàng chục cuộc gặp và tham dự sự kiện tại San Francisco, Washington DC và New York, với sự hiện diện của các quan chức cao cấp của chính quyền, Quốc hội liên bang, các tiểu bang, giới doanh nghiệp, trí thức, bạn bè lâu năm và cộng đồng người Việt Nam tại Hoa Kỳ.
Các đối tác Mỹ đều khẳng định coi trọng Việt Nam và phát triển quan hệ hai nước có được sự ủng hộ mạnh mẽ của lưỡng đảng, thống nhất cao về việc cần khẩn trương triển khai thực hiện khuôn khổ quan hệ mới để sớm đạt kết quả cụ thể; đặc biệt là trên các lĩnh vực trọng tâm như kinh tế-thương mại-đầu tư, khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo, giáo dục-đào tạo, khắc phục hậu quả chiến tranh, y tế-môi trường, giao lưu nhân dân...
Phía Mỹ phản hồi tích cực đối với các ưu tiên cao của ta về việc công nhận quy chế kinh tế thị trường, hạn chế các biện pháp phòng vệ thương mại, mở cửa hơn nữa thị trường cho một số mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam, hỗ trợ Việt Nam xây dựng hệ sinh thái bán dẫn và tham gia sâu hơn vào chuỗi cung toàn cầu, hỗ trợ Việt Nam khắc phục hậu quả chiến tranh...
Cộng đồng doanh nghiệp Mỹ khẳng định tiếp tục mở rộng đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam. Nhiều thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực hạ tầng cơ sở, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, công nghệ cao đã được ký kết và trao đổi.
Hành trình theo dấu chân Bác
Vậy chuyến thăm chính thức Cộng hòa liên bang Brazil của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đạt được những kết quả như thế nào, thưa Bộ trưởng?
Chuyến thăm chính thức Brazil của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ Việt Nam là bước triển khai thiết thực chủ trương đối ngoại của Đại hội Đảng XIII, trong đó có việc tăng cường quan hệ với các nước bạn bè truyền thống mà Brazil là đối tác quan trọng hàng đầu.
Chuyến thăm diễn ra vào thời điểm hết sức có ý nghĩa, khi hai nước hướng tới kỷ niệm 35 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 16 năm xác lập quan hệ đối tác toàn diện trong năm 2024. Đồng thời, đây cũng là hành trình theo dấu chân Bác, khi năm 1912, Bác Hồ đã từng lưu lại Brazil khi đi tìm đường cứu nước.
Brazil đón tiếp Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao ta trọng thị, chu đáo, thân tình.
Chuyến thăm đã đạt kết quả thực chất, toàn diện trên tất cả các kênh Đảng, chính phủ, nghị viện, giao lưu nhân dân và nhiều lĩnh vực hợp tác chính trị ngoại giao, kinh tế, thương mại, đầu tư, quốc phòng, an ninh, nông nghiệp, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, giao lưu nhân dân, văn hóa, du lịch, thể thao… và cùng đó mở ra cơ hội hợp tác trong một số lĩnh vực mới như kinh tế xanh, kinh tế số.
Nhân chuyến thăm, hai bên đã ra Thông cáo chung, văn kiện quan trọng, thể hiện tầm vóc của quan hệ hợp tác giữa hai nước, đồng thời định hướng cho hợp tác ngày càng thực chất, hiệu quả, hướng tới khuôn khổ quan hệ mới phù hợp trong thời gian tới.
Brazil đánh giá cao vị thế và vai trò ngày càng tăng của Việt Nam ở khu vực và trên thế giới, cũng như triển vọng hợp tác không chỉ song phương, mà còn ở phạm vi khu vực và quốc tế giữa Việt Nam với Mercosur, hợp tác Nam – Nam, phối hợp trong khuôn khổ FEALAC, WTO, ASEAN...
Bộ trưởng có thể nói rõ hơn những ưu tiên của Việt Nam trong tham gia Liên Hợp Quốc cũng như trong quan hệ với Mỹ và Brazil trong thời gian tới là gì?
Phát huy những kết quả nói trên, thời gian tới, chúng ta sẽ tập trung vào một số ưu tiên sau:
Với Liên Hợp Quốc, chúng ta tiếp tục thúc đẩy quan hệ đi vào chiều sâu nhằm tranh thủ tối đa sự ủng hộ, hỗ trợ của quốc tế về nguồn lực, công nghệ, nâng cao năng lực cho phát triển đất nước, cũng như về bảo đảm bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định, tuân thủ luật pháp quốc tế ở khu vực. Bên cạnh đó, chúng ta cần tiếp tục tăng cường tham gia chủ động, tích cực, có trách nhiệm, với những sáng kiến và đóng góp tương xứng với vai trò, vị thế của ta và trông đợi của cộng đồng quốc tế, đăng cai nhiều sự kiện, tham gia vào nhiều cơ quan quan trọng của Liên Hợp Quốc.
Với Mỹ, hai bên cần phối hợp chặt chẽ, tích cực triển khai thực hiện các thỏa thuận, cam kết của Lãnh đạo cấp cao hai nước theo khuôn khổ quan hệ mới, sớm đạt kết quả cụ thể, góp phần đưa quan hệ phát triển ngày càng thực chất, sâu rộng.
Theo đó, hai bên sẽ ưu tiên các lĩnh vực kinh tế - thương mại – đầu tư hiệu quả, hài hòa, bền vững, coi khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo là các lĩnh vực hợp tác mang tính đột phá, tiếp tục hợp tác giáo dục - đào tạo, trong đó chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, hợp tác ứng phó với biến đổi khí hậu.
Với Brazil, hai nước sẽ phối hợp triển khai nhiều hoạt động phong phú nhân kỷ niệm 35 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, 16 năm xác lập quan hệ đối tác toàn diện; tăng cường trao đổi đoàn cấp cao và các cấp.
Về kinh tế - thương mại, chúng ta đứng trước cơ hội lớn gia tăng kim ngạch song phương lên 10 tỷ đô la năm 2025 và 15 tỷ đô la năm 2030; đẩy hợp tác lao động, đầu tư. Chúng ta trông đợi Brazil, thành viên sáng lập và hiện là chủ tịch luân phiên của khối thị trường chung Nam Mỹ Mercosur, tiếp tục ủng hộ và thúc đẩy sớm khởi động đàm phán FTA giữa Việt Nam và Mercosur.
Hai bên sẽ tiếp tục đàm phán để ký kết một số thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực hợp tác kỹ thuật, ngoại giao, đầu tư, an ninh, giao lưu nhân dân, hợp tác địa phương.