12 điểm dừng chân sáng giá dẫn đầu xu hướng 'du lịch có trách nhiệm' năm 2025
Bước sang năm 2025, 'du lịch có trách nhiệm' đã trở thành tiêu chuẩn chung cho nhiều điểm đến nổi tiếng trên thế giới, là minh chứng cho thấy ngành du lịch toàn cầu đang chính thức bước vào thời kỳ nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.
Các địa điểm du lịch hàng đầu hiện nay không chỉ đầu tư vào cảnh quan hay dịch vụ mà còn tích cực triển khai các chính sách phát triển bền vững, hợp tác với cộng đồng địa phương và mang đến những trải nghiệm thân thiện với môi trường. Điều này không chỉ tạo nên giá trị thẩm mỹ, mà còn góp phần lan tỏa tác động tích cực đến hành tinh.
Từ những chuyến du thuyền sinh thái giữa vịnh hẹp thơ mộng ở Na Uy cho tới các dự án phục hồi rạn san hô đầy tâm huyết tại quốc đảo Fiji, 12 điểm đến dưới đây là minh chứng cho việc “du lịch” và “trách nhiệm” hoàn toàn có thể song hành.
Miền Bắc Costa Rica - Dấu ấn xanh giữa rừng nhiệt đới
Từ lâu, Costa Rica đã được xem là hình mẫu lý tưởng cho du lịch sinh thái.
Khu vực phía Bắc của quốc gia này, nơi có vườn quốc gia nổi tiếng Rincón de la Vieja, đã và đang thiết lập những tiêu chuẩn mới cho du lịch sinh thái.

Costa Rica từ lâu được xem là hình mẫu lý tưởng cho du lịch sinh thái
Tại đây, du khách có thể đi bộ xuyên rừng để chiêm ngưỡng những thác nước xanh ngọc tuyệt đẹp, quan sát các loài động vật hoang dã như lợn vòi hay chim toucan trong chuyến tham quan do chính cộng đồng địa phương tổ chức. Ngoài ra, du khách cũng có thể dừng chân tại những khu nghỉ dưỡng sinh thái như Origins Lodge - nơi ứng dụng năng lượng thủy điện và phát triển nông nghiệp hữu cơ một cách bền vững.
Hiện nay, Costa Rica đang vận hành 99% hệ thống điện bằng nguồn năng lượng tái tạo và đặt mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Có thể nói, chuyến phiêu lưu vào rừng xanh ở miền Bắc Costa Rica không chỉ mang lại những trải nghiệm kỳ thú mà còn là một trong những hành trình thân thiện với môi trường nhất mà bạn có thể tìm thấy trên thế giới.
Quần đảo Azores (Bồ Đào Nha) - Viên ngọc xanh giữa Đại Tây Dương
Tọa lạc ở vùng lãnh thổ xa xôi của Bồ Đào Nha, Azores đã được Hội đồng du lịch bền vững toàn cầu đánh giá cao nhờ cách tiếp cận bảo tồn tích hợp, hài hòa giữa thiên nhiên và con người.
Tại đây, du khách có thể thả mình giữa những kỳ quan thiên nhiên nguyên sơ như suối nước nóng địa nhiệt ở đảo São Miguel, hệ thống hang động dung nham kỳ vĩ tại Terceira, hay khu bảo tồn cá voi yên bình ở đảo Faial. Có thể nói, tất cả cảnh quan nơi đây đều giữ được vẻ tĩnh lặng rất riêng.
Azores hiện đang khai thác khoảng 40% điện năng từ các nguồn năng lượng tái tạo và đặt mục tiêu đạt trung hòa carbon vào năm 2030.
Nhiều cơ sở lưu trú tại đây cũng đạt chứng nhận sinh thái, trong đó nổi bật là Lava Homes - khu nghỉ dưỡng lấy cảm hứng từ lối sống không rác thải, thân thiện với môi trường. Đáng chú ý, từ năm 2023, chính quyền địa phương đã bắt đầu nghiên cứu “sức chứa du lịch” nhằm kiểm soát lượng khách và ngăn chặn tình trạng du lịch quá tải, góp phần bảo vệ vẻ đẹp xanh - sạch - nguyên bản của quần đảo.
Du lịch có trách nhiệm là một cách tiếp cận quản lý du lịch nhằm tối đa hóa lợi ích kinh tế, xã hội, môi trường và giảm thiểu chi phí tới các điểm đến. Bản chất của loại hình du lịch này chứa đựng những đặc trưng của phát triển du lịch bền vững, tuy nhiên mang tính phổ quát, định hướng cao hơn, thậm chí điều chỉnh tất cả các loại hình du lịch khác nhằm hướng đến mục tiêu phát triển hài hòa ngành du lịch, đem lại bình đẳng cho tất cả chủ thể tham gia vào quá trình phát triển du lịch; đồng thời góp phần đáng kể trong việc hỗ trợ tạo dựng một môi trường lành mạnh.
Du lịch có trách nhiệm giúp tăng trưởng kinh tế, đảm bảo tính toàn vẹn môi trường, tạo sự công bằng xã hội, tăng cường lao động, phát huy các giá trị và tôn trọng văn hóa địa phương, tạo ra những sản phẩm du lịch có chất lượng, hàm lượng văn hóa và giá trị đạo đức cùng giá trị trải nghiệm cao hơn.
Rwanda - Hành trình du lịch gắn với sự hồi sinh
Tại Rwanda, du lịch không chỉ là một ngành kinh tế mũi nhọn mà còn là phương tiện để hàn gắn, chữa lành và phát triển bền vững.
Những chuyến trekking đến vườn quốc gia Volcanoes để quan sát khỉ đột không chỉ giúp nâng cao ý thức bảo tồn loài linh trưởng quý hiếm này mà còn mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng nơi đây bởi 10% phí giấy phép tham quan được chuyển trực tiếp về cho người dân địa phương.
Để hạn chế tối đa tác động đến hệ sinh thái, Rwanda cũng giới hạn lượng khách được tiếp cận khỉ đột mỗi ngày ở mức 96 người.
Các khu nghỉ dưỡng như Bisate hay Singita Kwitonda tại đây đều được thiết kế hài hòa với tự nhiên, sử dụng đá núi lửa, vận hành bằng năng lượng mặt trời và ưu tiên tuyển dụng lao động địa phương.
Đặc biệt, Rwanda đã đi đầu trong bảo vệ môi trường khi cấm hoàn toàn túi nilon từ năm 2008 và duy trì đều đặn “Umuganda” - ngày tổng vệ sinh cộng đồng mỗi tháng để cả người dân và du khách cùng nhau góp sức giữ gìn cảnh quan sạch đẹp.
Na Uy - Tiên phong trong du lịch không phát thải
Là quốc gia đi đầu thế giới về sử dụng xe điện, Na Uy đang từng bước “điện hóa” toàn bộ ngành du lịch nhằm hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
Từ năm 2026, nước này sẽ cấm hoàn toàn các tàu du lịch chạy bằng nhiên liệu hóa thạch tại những vịnh hẹp được UNESCO công nhận. Để đáp ứng quy định mới, các hãng du lịch lớn như Hurtigruten và Havila cũng tiên phong triển khai tàu điện thân thiện với môi trường.
Tại quần đảo Lofoten, chính quyền đã áp dụng thuế sinh thái và giới hạn thời gian lưu trú ngắn hạn nhằm bảo tồn văn hóa bản địa. Du khách đến đây có thể nghỉ tại những cabin tiết kiệm năng lượng, tham gia các hoạt động leo núi trong công viên bảo tồn như Rondane và thưởng thức các món ăn theo mùa đặc trưng như thịt tuần lộc, cá tuyết hay các loại quả mọc tự nhiên.
Riêng thủ đô Oslo cũng đang đặt mục tiêu trở thành thành phố không phát thải đầu tiên trên thế giới vào năm 2030. Đây là một cột mốc đầy tham vọng, thể hiện cam kết mạnh mẽ của Na Uy đối với môi trường.
Singapore - Đảo quốc xanh giữa lòng châu Á

Ngành du lịch của đảo quốc sư tử cũng phát triển theo định hướng bền vững.
Singapore đang từng bước hiện thực hóa “Kế hoạch xanh 2030” thông qua hàng loạt sáng kiến thiết thực như tái trồng rừng, mở rộng các khu vực hạn chế xe hơi và tăng gấp ba chiều dài các tuyến đường dành riêng cho xe đạp.
Ngành du lịch của đảo quốc sư tử cũng phát triển theo định hướng bền vững, hòa nhịp với tầm nhìn chiến lược này. Đơn cử như khu vườn biểu tượng Gardens by the Bay, nơi áp dụng hệ thống làm mát tiên tiến vận hành bằng nhiên liệu sinh khối, hay khu bảo tồn động vật hoang dã Mandai - được xây dựng hoàn toàn bằng vật liệu thân thiện với môi trường và có những cây cầu sinh thái giúp động vật di chuyển an toàn qua khu vực sống của con người.
Ngoài ra, nếu lưu trú tại khách sạn PARKROYAL Collection Marina Bay, du khách sẽ cảm nhận rõ hơn bao giờ hết tinh thần “sống xanh”, bởi nơi đây được vận hành bằng năng lượng mặt trời và phủ kín bởi hơn 2.400 cây xanh.
Du khách cũng có thể trải nghiệm những hoạt động gần gũi thiên nhiên như chèo kayak xuyên qua rừng ngập mặn ở Pulau Ubin hoặc mua sắm tại các cửa hàng không rác thải - một xu hướng ngày càng phổ biến tại đất nước hiện đại nhưng vẫn giữ được nét xanh này.
Greenland - Hành trình chậm rãi để lắng nghe và kết nối

Miền Đông Greenland (Đan Mạch) vẫn chưa bị du lịch hóa nên vẫn giữ nguyên vẹn vẻ hoang sơ của tự nhiên.
Miền Đông Greenland (Đan Mạch) là một trong số ít những vùng đất ở Bắc Cực chưa bị du lịch hóa mạnh mẽ. Đây cũng chính là định hướng phát triển du lịch của Greenland.
Những địa danh như Tasiilaq hay Kulusuk ưu tiên phát triển các trải nghiệm quy mô nhỏ, gần gũi, do chính chính người dân bản địa hướng dẫn.
Tại đây, du khách có thể tham gia các hoạt động đặc trưng như trượt tuyết bằng chó kéo, trekking giữa những vịnh băng hùng vĩ, hay lắng nghe các câu chuyện văn hóa giàu bản sắc của cộng đồng người Inuit. Không ồn ào hay đông đúc, nơi đây vẫn giữ nguyên nét hoang sơ, yên bình vốn có.
Các tổ chức phi lợi nhuận như Visit Greenland cũng đã phát triển bộ hướng dẫn du lịch bền vững, khuyến khích hạn chế tác động đến môi trường và lồng ghép yếu tố giáo dục về biến đổi khí hậu vào từng chuyến đi.
Trong bối cảnh băng vĩnh cửu ngày càng tan chảy và mực nước biển tiếp tục dâng cao đe dọa đời sống nơi đây, du lịch tại Greenland không chỉ là hành trình khám phá mà còn là cơ hội để lắng nghe, cảm nhận và thực sự kết nối với thiên nhiên cũng như con người nơi vùng cực.
Fiji - Thiên đường đảo nhỏ sống xanh tại Thái Bình Dương
Fiji đang thể hiện cam kết mạnh mẽ trong việc nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu.
Quốc đảo này hiện sở hữu hơn 80 khu bảo tồn biển, tất cả các công viên quốc gia đều do cộng đồng địa phương trực tiếp quản lý. Fiji cũng đi đầu trong công cuộc bảo vệ môi trường khi chính thức cấm sử dụng túi nylon, hộp xốp và các loại vi nhựa.
Tại các khu nghỉ dưỡng sinh thái như Six Senses hay Jean-Michel Cousteau, du khách không chỉ được đắm mình trong vẻ đẹp tự nhiên, hoang sơ của các hòn đảo mà còn có cơ hội tham gia nhiều hoạt động đầy ý nghĩa như trồng san hô và tìm hiểu về sinh học biển qua các chương trình được tổ chức dành riêng cho khách lưu trú.
Vào năm 2023, chính phủ Fiji đã phát hành trái phiếu xanh - một sáng kiến tài chính nhằm huy động nguồn vốn cho các dự án phục hồi rạn san hô và phát triển du lịch sinh thái bền vững. Nếu bạn mong muốn khám phá một Fiji hoang sơ và gần gũi với thiên nhiên, hãy thử lặn biển "có trách nhiệm" tại khu bảo tồn biển Namena hoặc trekking đến thác Nabalesere, nằm sâu trong cánh rừng mưa nhiệt đới.
Dominica - Phục hồi sau bão bằng một tương lai xanh
Sau khi bị tàn phá bởi siêu bão Maria vào năm 2017, Dominica quyết định tái thiết đất nước bằng cách tập trung vào khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu.
Quốc đảo nhỏ này đang hướng đến mục tiêu trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới có khả năng chống chịu khí hậu toàn diện. Một trong những điểm đến hấp dẫn tại Dominica là cung đường Waitukubuli - tuyến hiking dài nhất vùng Caribe, đưa du khách xuyên qua những cánh rừng rậm rạp, suối nước nóng và những ngôi làng truyền thống của người Kalinago.
Các khu nghỉ dưỡng sinh thái như Jungle Bay và Rosalie Bay đều vận hành bằng năng lượng tái tạo và ưu tiên tuyển dụng lao động địa phương.
Các công viên biển và điểm lặn nổi tiếng như Champagne Reef cũng được pháp luật quốc gia bảo vệ nghiêm ngặt nhằm ngăn chặn việc khai thác quá mức và duy trì vẻ đẹp tự nhiên, nguyên sơ của khu vực.
Bhutan - Vùng đất hạnh phúc và có lượng carbon âm duy nhất thế giới

Bhutan không chỉ nổi tiếng với chỉ số hạnh phúc quốc gia mà còn đi đầu trong việc phát triển du lịch bền vững.
Bhutan không chỉ nổi tiếng với chỉ số hạnh phúc quốc gia mà còn đi đầu trong việc phát triển du lịch bền vững. Đất nước Nam Á này thu phí phát triển bền vững (Sustainable Development Fee) 100 USD mỗi ngày từ khách du lịch nhằm đầu tư trực tiếp vào các lĩnh vực y tế, giáo dục và bảo tồn môi trường.
Với hơn 70% diện tích được bao phủ bởi rừng và khả năng hấp thụ carbon vượt xa lượng thải ra, Bhutan hiện là quốc gia duy nhất trên thế giới có mức phát thải carbon âm. Du khách có thể khám phá những vùng đất ít dấu chân người như thung lũng Haa hay Lhuntse.
Luật du lịch của Bhutan yêu cầu tất cả các khách sạn phải đạt chứng nhận thân thiện với môi trường, trong khi chính phủ cũng thúc đẩy nhiều chính sách hỗ trợ xe điện và du lịch “không rác thải”.
Đến Bhutan, bạn không nên kỳ vọng vào sự xa hoa lộng lẫy, mà hãy chuẩn bị cho một hành trình đầy sâu lắng, gắn kết tinh thần và tạo tác động tích cực lên cộng đồng.
Botswana - “Ít mà chất” với thiên nhiên hoang dã châu Phi
Botswana là một ví dụ điển hình cho mô hình du lịch “chất lượng hơn số lượng”.
Tại đồng bằng Okavango - di sản thế giới được UNESCO công nhận, du khách có thể lưu trú tại những khu lều nghỉ dưỡng chạy bằng năng lượng mặt trời như Gomoti Plains hay Xigera Safari Lodge.
Khoảng 40% diện tích của Botswana được bảo vệ trong các khu bảo tồn thiên nhiên, nơi cộng đồng địa phương trực tiếp quản lý những hành lang sinh học và hưởng lợi từ nguồn thu du lịch.
Đặc biệt, nhờ các đội chống săn trộm, hoạt động dựa trên một phần kinh phí từ safari, quần thể voi ở Botswana cũng đang phát triển bền vững.
Ở sa mạc Kalahari, du khách còn có cơ hội tham gia các buổi trải nghiệm kỹ năng sinh tồn do người San hướng dẫn. Những hoạt động này đã được kiểm duyệt kỹ càng để đảm bảo yếu tố văn hóa và nhân văn.
Barbados - Quốc đảo nhỏ với tham vọng xanh lớn
Dù là một quốc đảo nhỏ nhưng Barbados đang chứng tỏ sự quyết tâm mạnh mẽ trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
Quốc gia này đã cam kết loại bỏ hoàn toàn nhiên liệu hóa thạch vào năm 2030 và đặt mục tiêu hơn 50% điện năng sẽ được cung cấp từ năng lượng mặt trời vào năm 2025.
Bộ trưởng Du lịch Barbados Ian Gooding-Edghill khẳng định, tất cả các dự án du lịch mới sẽ phải đạt tiêu chuẩn chứng nhận xanh. Một số mô hình tiêu biểu như ECO Lifestyle + Lodge đang áp dụng các hệ thống thu nước mưa và sử dụng phân hữu cơ. Ngoài ra, các doanh nghiệp địa phương cũng đang tổ chức nhiều hội thảo về phục hồi cồn cát.
Về ẩm thực, các đầu bếp tại đây tiên phong trong việc sử dụng nguyên liệu địa phương, từ đó thúc đẩy xu hướng “ẩm thực chậm” (slow food) tại Barbados ngày càng phát triển.
Kyoto (Nhật Bản) - Bản giao hưởng giữa di sản và bền vững

Kyoto là địa điểm du lịch mang đậm dấu ấn văn hóa của con người Nhật Bản.
Kyoto đang triển khai nhiều biện pháp nhằm kiểm soát tình trạng "du lịch quá tải".
Các điểm tham quan nổi tiếng như rừng tre Arashiyama hay đền Fushimi Inari giờ đây chỉ đón du khách đã đặt chỗ trước. Xe buýt du lịch cũng bị giới hạn hoạt động tại các khu vực di sản và việc lưu trú ngắn ngày trong các khu dân cư hoàn toàn bị cấm.
Bên cạnh đó, chiến dịch “Kyotogram” khuyến khích du khách tham gia "du lịch chậm" thông qua kéo dài thời gian lưu trú, sử dụng phương tiện giao thông công cộng và hỗ trợ các ngành nghề thủ công truyền thống. Những trải nghiệm đặc sắc như làm trà đạo ở Uji, nghỉ qua đêm tại chùa (shukubo), hay tham gia tour thưởng thức đậu phụ do người dân địa phương tổ chức đang giúp hồi sinh các nghệ nhân Nhật Bản - những người từng bị ảnh hưởng bởi biến động của ngành du lịch.