12 đứa trẻ tự kỷ sinh ra từ tinh trùng của một người hiến tặng
Một người phụ nữ tại Mỹ có con bị tự kỷ phát hiện ra rằng có ít nhất 10 đứa trẻ khác gặp tình trạng giống con cô. Đặc biệt hơn, chúng đều được sinh ra từ cùng một mã tinh trùng hiến tặng.
Cô Danielle Rizzo, sinh sống tại Mỹ mới đây đã chia sẻ tình trạng của của con trai mình lên mạng xã hội. Cô có 2 người con trai và 2 cậu bé thường xuyên la hét, hành động kì lạ và không chịu đi gặp bác sĩ dù bị bệnh tự kỷ nặng. Không chỉ vậy, con trai cô cũng là nguyên nhân của một vụ kiện kéo dài từ năm 2017 đến nay, đằng sau đó là một câu chuyện về mặt đạo đức trong ngành công nghiệp sinh sản hiện đại.
Chia sẻ với mọi người cô Rizzo cho biết, khoảng 8 năm trước, khi còn là một nhân viên tại ngân hàng, cô từng có một người tình đồng giới và quyết định xin tinh trùng để có con chung. Sau khi bàn bạc, Rizzo được lựa chọn là người mang bầu, năm đó cô 27 tuổi.
Sau khi tìm hiểu, họ chọn người hiến tinh trùng có mã H898, theo hồ sơ người đàn ông hiến tặng này có tóc vàng và mắt xanh, cao 1m86, nặng 108 kg, là người thông minh, thành đạt.
Cô Rizzo rất buồn vì hai con trai của mình mắc chứng tự kỷ
Trong thông tin được cung cấp, H898 có bằng thạc sĩ và đang làm việc như một nhiếp ảnh gia y tế. Sở thích là chạy đường dài, đọc sách và nghệ thuật. Quan trọng nhất, anh hoàn toàn khỏe mạnh.
Rizzo đã mua khá nhiều tinh trùng từ người hiến này, hóa đơn lên tới 500 đôla, sau đó con trai đầu lòng của Rizzo chào đời tháng 9/2011. Năm đầu tiên là thời gian hạnh phúc nhất, cậu bé đạt được tất cả các mốc phát triển - ngồi, bò, lẫy, nói chào và tạm biệt. Các bác sĩ đã chuyển một phôi thai khác và cậu bé thứ hai của cô chào đời sau anh trai mình 14 tháng.
Đó là khoảng thời gian mà Rizzo bắt đầu nhận thấy những hành vi bất thường ở con trai cả. Cậu bé không nhìn vào mắt mẹ, không còn trả lời khi được gọi tên, cũng không tương tác với những đứa trẻ khác. Tưởng chừng đây là những triệu chứng đặc biệt, nhưng người mẹ trẻ hoàn toàn suy sụp khi đứa trẻ thứ hai khi đến những năm sau tiếp tục gặp các tình trạng tương tự. Sau khi đưa những đứa trẻ đến gặp chuyên gia, lúc này cô được biết cả 2 con mình đều mắc bệnh tự kỷ và tăng động giảm chú ý.
Kể từ lúc đó, cô và bạn đời của mình thay phiên nhau đưa hai con đến các trung tâm trị liệu nhưng hai đứa trẻ càng lớn càng phá phách, nghịch ngợm, cô và bạn đời phải thay phiên nhau xin nghỉ làm để chăm sóc chúng.
"Hai đứa trẻ la hét, đánh đấm, không ngừng khi tôi đang lái ôtô", Rizzo nói. Cô buộc phải thôi việc tại ngân hàng và cuộc hôn nhân cũng trên bờ vực tan vỡ.
Trong quá trình tìm cách trị bệnh cho con, cô Rizzo đã phát hiện ra một sự thật kinh hoàng rằng có ít nhất 10 đứa trẻ khác gặp tình trạng giống con cô, rải rác khắp Mỹ, Canada và châu Âu. Và chúng đều được thụ thai từ tinh trùng của một người hiến. Đa số chúng đều mắc phải chứng tăng động giảm chú ý, chứng khó đọc, rối loạn cảm xúc, động kinh và các khuyết tật phát triển...
Hai con của Rizzo đều mắc chứng tự kỷ từ một nguồn hiến tặng tinh trùng
Thực chất, tinh trùng mà cô Rizzo phải mua thậm chí còn được tặng miễn phí khắp nơi và cung cấp từ nhiều nguồn khác nhau. Sau khi được thụ tinh, đã có ít nhất 10 đứa trẻ khác phát bệnh tự kỷ. Cảm nhận được điều bất thường, Rizzo đã đệ đơn kiện vào tháng 7/2017. Trong đơn, cô cáo buộc hồ sơ của trung tâm bán loại tinh trùng vì thực tế H898 không có bằng đại học và bị rối loạn tăng động giảm chú ý.
Hiện tượng này được cho là chưa từng có trong lịch sử y khoa, khiến dấy lên câu hỏi liệu tự kỷ có di truyền?
Theo Viện Sức khỏe Quốc gia Mỹ (NIH), có hàng trăm biến đổi về gene liên quan đến rối loạn phổ tự kỷ. Trong hầu hết các trường hợp bị tự kỷ, những đột biến sinh học này làm tăng nguy cơ mắc bệnh, nhưng những đột biến này không quy định ai sẽ là người mắc. Nói cách khác, gene về cơ bản chỉ đóng một vai trò nhỏ trong rủi ro mắc chứng bệnh này, bên cạnh những yếu tố môi trường sống của người đó, chẳng hạn tuổi của cha mẹ khi sinh con, các biến chứng sản khoa.
Nhưng trong những trường hợp hiếm hoi, đột biến gene được cho là nguyên nhân chính gây ra bệnh tự kỷ. Chỉ khoảng 2- 4% số người mắc tự kỷ có những đột biến này, theo NIH.
Ngày 14/3 vừa qua, Rizzo đã đồng ý chấm dứt vụ kiện bằng cách nhận 250.000 USD bồi thường từ đơn vị cung cấp tinh trùng (5,8 tỷ đồng). Dù 2 người con bị bệnh nhưng cô vẫn luôn yêu chúng và sẽ chịu trách nhiệm với 2 cậu bé đến cùng.
An An(Dịch theo Livesience)