12 nhóm hàng dệt may Việt Nam đứng trước nguy cơ vượt ngưỡng quy định vào EAEU
12 nhóm hàng dệt may Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Liên minh kinh tế Á - Âu có nguy cơ vượt mức ngưỡng (trigger level) áp dụng biện pháp phòng vệ năm 2020 theo quy định.
Bộ Công Thương cảnh báo những mã hàng dệt may có nguy cơ vượt ngưỡng tại thị trường EAEU
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) vừa gửi thông tin khẩn đến các doanh nghiệp xuất khẩu hàng dệt may sang thị trường Liên minh Kinh tế Á - Âu (EAEU) liên quan đến hàng dệt may Việt Nam sang EAEU có nguy cơ vượt mức ngưỡng trigger.
Trước đó, Bộ Công Thương nhận được Công hàm số 14-572 của Ủy ban Kinh tế Á - Âu (EEC) cảnh báo về việc các mặt hàng dệt may của Việt Nam hưởng ưu đãi thuế quan xuất khẩu vào Liên minh Kinh tế Á - Âu (EAEU) theo Hiệp định thương mại Tự do Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á - Âu (VN-EAEU FTA) có nguy cơ vượt mức ngưỡng (trigger level) áp dụng biện pháp phòng vệ năm 2020 theo quy định VN-EAEU FTA.
Cụ thể, các mặt hàng váy, đầm, quần áo phụ nữ (mã HS 6104.41, 6104.42, 6104.43, 6104.44, 6104.49, 6204.42, 6204.44, 6204.49) của Việt Nam xuất khẩu vào EAEU trong thời gian từ tháng 1/2020 đến tháng 7/2020 đã đạt 79,4% mức ngưỡng quy định cho năm 2020.
Theo Điều 2.10 của VN-EAEU FTA quy định về biện pháp phòng vệ ngưỡng đối với 12 nhóm mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam, mặt hàng dệt may đang có nguy cơ bị áp dụng biện pháp phòng vệ ngưỡng khi nhập khẩu vào EAEU. Theo đó, tùy thuộc lượng xuất khẩu vượt ngưỡng, các mặt hàng dệt may của Việt Nam sẽ bị áp mức thuế nhập khẩu tối huệ quốc (MFN) trong thời gian 6 tháng hoặc 9 tháng.
Việt Nam và EAEU đã ký hiệp định thương mại tự do vào năm 2015 và Hiệp định có hiệu lực từ tháng 10/2016. Sau 4 năm triển khai Hiệp định, tốc độ tăng trưởng thương mại giữa Việt Nam và EAEU đã tăng đáng kể, đặc biệt với thị trường Liên bang Nga. Với hàng dệt may, năm 2019, xuất khẩu sang Liên bang Nga hơn 255 triệu USD.
Với cảnh báo từ Ủy ban Kinh tế Á - Âu, các doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu hàng dệt may sang thị trường này cần lưu ý đặc biệt với các mã hàng nằm trong diện nguy cơ vượt ngưỡng, nhằm tránh việc EAEU điều chỉnh tăng thuế nhập khẩu từ 0% lên mức thuế nhập khẩu MFN trong khoảng thời gian 6 tháng (nếu khối lượng nhập khẩu trong năm trong khoảng từ trên 100% - 150% ngưỡng quy định) hoặc 9 tháng (nếu khối lượng nhập khẩu trong năm trên 150% ngưỡng quy định).
Kể cả khi có FTA, các doanh nghiệp xuất khẩu vẫn phải để ý tốc độ tăng xuất khẩu vào từng thị trường theo cam kết để tránh các biện pháp phòng vệ từ nhà nhập khẩu.