12 thông tin sai lệch bị vạch trần trong 12 tháng của năm 2023

Thông tin sai lệch thậm chí tin giả ngày càng gia tăng trong năm 2023. Bên cạnh tìm hiểu và xác minh sự thật, báo chí thế giới còn đang phải đối mặt với một nhiệm vụ mới là vạch trần những thông tin độc hại này.

Dưới đây là 12 ví dụ tiêu biểu về thông tin sai lệch diễn ra trên toàn thế giới do hãng tin France24 xác minh và lựa chọn theo từng tháng của năm 2023. Những nỗ lực này diễn ra trong bối cảnh vấn nạn thông tin sai lệch ngày càng gia tăng trên mạng xã hội.

Tháng 1: Tin giả về một nền văn minh đã mất ở Nam Cực

Đôi khi tin giả hoặc sai lệch không gắn liền với một sự kiện hiện tại mà là một sự kiện lịch sử. Vào tháng 1 năm 2023, những hình ảnh bắt đầu lan truyền trên mạng cho rằng một nền văn minh cổ đại đã phát triển mạnh ở Nam Cực. Song những hình ảnh về “nền văn minh” này thực ra được tạo ra bởi AI.

Tháng 2: Một năm tràn ngập thông tin sai lệch về cuộc chiến ở Ukraine

Tháng 2 năm nay đánh dấu tròn một năm cuộc xung đột Nga - Ukraine. Nó cũng đánh dấu sự bùng nổ của thông tin sai lệch trên các nền tảng trực tuyến, đặc biệt mạng xã hội và nền tảng chia sẻ. France24 đã vạch trần 115 thông tin sai lệch từ ngày 24 tháng 2 năm 2022 đến ngày 24 tháng 2 năm 2023 liên quan đến cả hai phía.

Tháng 3: Thật giả lẫn lộn về cuộc bạo loạn ở Paris

Bức ảnh chụp một người biểu tình trẻ tuổi người Pháp bị cảnh sát chống bạo động bắt giữ đã lan truyền trên mạng xã hội X (Twitter trước đây), với nhiều nghi ngờ rằng đó là do AI tạo ra. Nhưng qua xác minh, France24 đã khẳng định nó thực sự là một bức ảnh thật. Điều đó cho thấy rằng việc có quá nhiều thông tin sai lệch khiến chúng ta đang nghi ngờ về mọi thứ, kể cả sự thật.

Tháng 4: Các hình ảnh và video giả về cuộc đụng độ ở Sudan

Giao tranh giữa quân đội và lực lượng bán quân sự đã tàn phá Sudan kể từ ngày 15 tháng 4 năm 2023, dẫn đến thương vong cho dân thường. Giữa cuộc khủng hoảng này, nhiều bài đăng trên mạng xã hội tuyên bố ghi lại các sự kiện ở Sudan bằng cách sử dụng video làm bằng chứng. Nhưng rất nhiều video và hình ảnh đã bị làm giả hoặc bị đặt sai bối cảnh.

Tháng 5: Bầu cử Thổ Nhĩ Kỳ bị tấn công bởi vô số thông tin sai lệch

Cuộc bầu cử Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 14 tháng 5 cũng đã trở thành là mục tiêu của một loạt thông tin sai lệch. Trong chiến dịch tranh cử, những hình ảnh bị chỉnh sửa hoặc bị đưa ra khỏi bối cảnh vì những ý đồ khác nhau đã được đưa lên mạng.

Tháng 6: Không có cảnh 500.000 người di cư 'sẵn sàng xâm chiếm Ý'

Vào cuối tháng 5 và tháng 6, một tài khoản cực hữu của Ý đã chia sẻ những hình ảnh về cái gọi là "đội quân" gồm những người di cư bất hợp pháp, được cho là đang trên đường đến Ý từ Libya. Hóa ra thông tin này là hoàn toàn bịa đặt, khi lấy các bức ảnh từ các sự kiện khác.

Tháng 7: Thông tin sai lệch gây bất ổn hơn cho xã hội Pháp

Những hình ảnh về cuộc bạo loạn ở Paris sau vụ thiếu niên 17 tuổi Nahel bị cảnh sát bắn chết vào ngày 27/6 đã lan truyền khắp thế giới. Trên mạng xã hội, một số tài khoản chống người nhập cư hoặc cực hữu đăng thông tin sai sự thật về các cuộc bạo loạn nhằm làm mất uy tín chính sách nhập cư của Pháp, gây thêm nhiều căng thẳng cho xã hội Pháp.

Tháng 8: Những video xuyên tạc về cuộc đảo chính ở Niger

Sau cuộc đảo chính quân sự ngày 26/7 ở Niger, Cộng đồng Kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) đã đưa ra tối hậu thư yêu cầu quay trở lại trật tự hiến pháp. Giữa lo ngại về chiến dịch can thiệp quân sự sắp xảy ra, nhiều kẻ xấu đã đăng video lên mạng nói rằng quân đội ECOWAS đã áp sát biên giới Niger. Nhưng tất cả đều là giả tạo.

Tháng 9: Hàng loạt thông tin sai lệch về người di cư ở Ý

Sự xuất hiện của hàng nghìn người, phần lớn trong số họ đến từ châu Phi cận Sahara, tới đảo Lampedusa của Ý vào tháng 9 đã gây ra làn sóng thông tin sai lệch. Các tài khoản đã đăng tải những video lên MXH nhằm nói xấu chính sách di cư của Ý và các quốc gia châu Âu khác.

Cụ thể, những hình ảnh có mục đích cho thấy những người di cư bạo lực hoặc “nhảy nhót” với các thành viên cứu trợ... Rất nhiều trong số đó không đúng sự thật, có mục đích xấu.

Tháng 10: Thông tin sai lệch về chiến sự ở Mali

Sau khi lực lượng vũ trang Mali (FAMA) phát động cuộc tấn công nhằm chiếm lại các vùng lãnh thổ do các nhóm chiến binh thuộc Khung chiến lược thường trực (PSF) chiếm đóng, đã xuất hiện các thông tin sai lệch nhắm vào cả hai bên, gây ra sự hoang mang trong dư luận.

Tháng 11: Vũ khí của Israel trên tàu hàng bị Houthi bắt giữ?

Vào ngày 19 tháng 11, phiến quân Houthi ở Yemen đã cướp một tàu chở hàng liên kết với Israel ở Biển Đỏ, bắt 25 thủy thủ đoàn làm con tin. Một số người dùng mạng xã hội sau đó chia sẻ một bức ảnh ngụ ý rằng tàu này chở vũ khí. Nhưng bức ảnh này đã có từ trước và hoàn toàn không liên quan gì đến sự việc này.

Tháng 12: Tổng thống Zelenskyy mua biệt thự ở Florida?

Nhiều thông tin sai lệch về Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy mua nhà ở Florida và nhập quốc tịch Mỹ đã lan truyền trên MXH trong những tuần gần đây. Mặc dù vấn đề tham nhũng đã được thừa nhận trong quân đội Ukraine, song những thông tin trên hoàn toàn sai sự thật.

Hoàng Hải (theo France24, Yahoo)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/12-thong-tin-sai-lech-bi-vach-tran-trong-12-thang-cua-nam-2023-post278864.html