12 tiêm kích tàng hình F-22 tới Trung Đông, Mỹ cảnh báo Iran

12 tiêm kích tàng hình F-22 Raptor đã có mặt ở Trung Đông để sẵn sàng 'đối phó các mối đe dọa từ Iran và các lực lượng do Iran hậu thuẫn' nhằm vào Israel và quân đội Mỹ trong khu vực, Bộ Tư lệnh Trung Tâm Mỹ (CENTCOM) thông báo hôm 8/8.

Tiêm kích tàng hình F-22 của Mỹ hạ cánh tại căn cứ RAF Lakenheath (Anh) trong hành trình tới Trung Đông. Ảnh: The Aviationist.

12 chiếc F-22 là khí tài tối tân mới nhất mà Mỹ đưa tới khu vực nhằm gửi thông điệp cứng rắn của Washington tới Tehran. Iran đã tuyên chắc chắn sẽ giáng đòn tấn công Israel để đáp trả vụ ám sát thủ lĩnh Hamas Ismail Haniyeh. Tuy nhiên, không rõ khi nào cuộc tấn công diễn ra.

Vài ngày trước, 12 chiếc F-22 cất cánh từ căn cứ không quân Elmendorf-Richardson, bang Alaska. Các chiến đấu cơ này đã trải qua hành trình dài khoảng 10.300km.

Một quan chức Mỹ tiết lộ với tạp chí Air & Space Forces, cho biết 12 chiếc F-22 bay qua Bắc Mỹ, Đại Tây Dương sau đó hạ cánh ở căn cứ không quân RAF Lakenheath (Anh) trong một khoảng thời gian ngắn. Những chiếc F-22 sau đó tiếp tục hành trình, bay qua Địa Trung Hải, được tiếp dầu trên không và tới Trung Đông.

Không quân Mỹ từ chối tiết lộ nơi các máy bay hạ cánh ở Trung Đông vì lý do an ninh. Lý giải nguyên nhân Mỹ đưa tiêm kích F-22 tới Trung Đông, phó thư ký báo chí Lầu Năm Góc Sabrina Singh nói: "F-22 là phương tiện phòng thủ rất giá trị. Mẫu máy bay này có khả năng vận hành linh hoạt, cung cấp thêm lựa chọn cho quân đội Mỹ ở khu vực. Tôi nghĩ chúng tôi đã gửi thông điệp rất rõ ràng sự răn đe mạnh mẽ. Nhưng chúng tôi cũng muốn căng thẳng trong khu vực có thể hạ nhiệt".

Nhóm tác chiến tàu sân bay USS Abraham Lincoln của hải quân Mỹ. Ảnh: UPI.

Cũng trong ngày 8/8, nhóm tác chiến tàu sân bay USS Abraham Lincoln của Mỹ đã rời căn cứ trên đảo Guam và Saipan để khởi hành tới Trung Đông. Tàu sân bay hạt nhân USS Abraham Lincoln di chuyển tới Trung Đông mang theo một phi đội tiêm kích tàng hình F-35C Lightning II, 3 phi đội tiêm kích hạm F/A-18E/F Super Hornet, một phi đội máy bay tác chiến điện tử kiêm cảnh báo sớm và 2 phi đội trực thăng.

Trong diễn biến liên quan, một quan chức chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden nói Iran "không có quyền" tấn công Israel để trả đũa vụ thủ lĩnh Hamas bị ám sát, theo tờ Times of Israel.

“Hoàn toàn không có bất kỳ cơ sở pháp lý nào để Iran tiến hành một cuộc tấn công quân sự nhằm vào Israel, điều mà Tehran vẫn đang tiếp tục cảnh báo sẽ tiến hành", quan chức Mỹ nói trong cuộc họp báo.

“Có một cảm giác rằng bằng cách nào đó, Iran tự cho rằng họ có quyền tấn công Israel. Chúng tôi hoàn toàn bác bỏ logic này”, quan chức Mỹ nói thêm.

Chính quyền Tổng thống Biden khẳng định Mỹ đã chuẩn bị cho mọi tình huống có thể xảy ra. "Chúng tôi đã điều động thêm rất nhiều lực lượng quân sự, bao gồm những chiếc F-22 đã tới Trung Đông hôm nay. Chúng tôi đang làm mọi cách có thể nhằm ngăn chặn một cuộc tấn công từ Iran, ngăn chặn cuộc tấn công nếu nó xảy ra và cũng để chứng minh với Iran rằng có giải pháp tốt hơn là sử dụng vũ lực", quan chức Mỹ nói.

Theo tiết lộ của quan chức Mỹ, ông Biden hôm 8/8 đã gặp Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin tại Phòng Bầu dục để đánh giá các hoạt động triển khai quân sự của Mỹ nhằm bảo vệ Israel. "Hậu quả của một cuộc tấn công trực tiếp sẽ rất đáng kể với Iran và nền kinh tế Iran. Đó là điều chính phủ mới của Iran nên lo ngại", quan chức Mỹ giấu tên nói, theo tờ Times of Israel.

Hôm 7/8, Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian có cuộc điện đàm với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron liên quan đến các diễn biến gây leo thang căng thẳng ở Trung Đông. "Iran coi việc tránh chiến tranh và nỗ lực thiết lập hòa bình, an ninh toàn cầu là các nguyên tắc cơ bản của đất nước. Tuy nhiên, trong khuôn khổ các hiệp ước và luật pháp quốc tế, Iran sẽ không bao giờ lặng im khi bị vi phạm lợi ích và an ninh", ông Pezeshkian nói trong cuộc điện đàm.

Iran cũng được cho là đang cân nhắc lại việc thực hiện một cuộc tấn công từ nhiều hướng vào Israel. Tờ Iran International ngày 7-8 dẫn lời các nguồn thạo tin rằng Tổng thống Iran - ông Masoud Pezeshkian đã kêu gọi lãnh đạo tối cao Iran ngăn chặn bất kỳ cuộc tấn công trực tiếp nào của Tehran vào Israel để tránh leo thang căng thẳng thành một cuộc chiến tranh không mong muốn.

Theo một số nguồn tin, Tehran dường như đã chấp nhận giả thuyết căn phòng thủ lĩnh Hamas ở tại thủ đô Iran bị gài bom và kích nổ từ xa. Mỹ truyền tải thông điệp rằng đây là kết quả của hoạt động tình báo của Israel. Vụ việc lại không gây thương vong cho bất cứ công dân nào của Iran.

Đăng Nguyễn - Tổng hợp

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/12-tiem-kich-tang-hinh-f-22-toi-trung-dongmycanh-bao-iran-204240908134503677.htm