12 tỉnh tiếp tục cách ly và quyết tâm bảo vệ thành quả chống dịch
'Tùy tình hình từng địa phương, 12 tỉnh, thành thuộc nhóm có nguy cơ cao cần tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 đến ngày 22/4, có thể là 30/4', Thủ tướng yêu cầu.
Hơn 15 ngày trước, khi dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp và có nguy cơ lây lan, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ban hành Chỉ thị 16, yêu cầu cách ly xã hội trên toàn quốc, không tập trung quá 2 người nơi công cộng, từ 0h ngày 1/4 và kéo dài trong 15 ngày.
Trong nửa tháng qua, các tỉnh, thành đã đồng loạt thực hiện nghiêm chỉ thị của Thủ tướng. Ở TP.HCM, doanh nghiệp với hàng nghìn công nhân như PouYuen cũng bị buộc tạm dừng hoạt động để chấn chỉnh lại khâu an toàn sức khỏe cho công nhân trong mùa dịch.
Không phủ nhận những kết quả khả quan trong việc ngăn chặn dịch Covid-19 từ việc hạn chế người dân ra khỏi nhà. Tuy nhiên, càng gần đến ngày hết hạn cách ly xã hội, tâm lý chủ quan, lơ là bắt đầu xuất hiện ở một bộ phận người dân.
Chiều 15/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã quyết định tiếp tục cách ly xã hội đối với 12 tỉnh, thành có nguy cơ cao, trong đó có Hà Nội và TP.HCM.
Tính đến sáng 16/4, tổng số ca nhiễm Covid-19 của Việt Nam là 268, trong đó có 171 người đã khỏi bệnh, chỉ còn 97 người đang điều trị. Đến thời điểm này, Việt Nam chưa có trường hợp tử vong do dịch.
Tất cả là thành quả nỗ lực của Chính phủ, các ban ngành và người dân cả nước.
Nhìn lại 2 tuần qua, tổng số ca bệnh mới phát sinh của cả nước là 58 người. Và cũng chính trong 15 ngày "cách ly xã hội", có thêm 111 bệnh nhân được chữa khỏi Covid-19 và ra viện.
So sánh với 2 tuần liền kề trước, số người nhiễm bệnh mới mỗi ngày phần lớn đều trên con số 10. Tuy nhiên, trong hai tuần giãn cách xã hội thì có ngày, cả nước chỉ ghi nhận 1-2 người nhiễm dịch.
Trong 2 tuần cách ly, nhiều tỉnh, thành đã khống chế được tình hình dịch bệnh. Từ địa phương được đánh giá tiềm ẩn nguy cơ lây lan sau ca bệnh số 34, đội ngũ y, bác sĩ tại Bình Thuận đã nỗ lực chữa khỏi cho tất cả 9 bệnh nhân. Ở Đà Nẵng, 6 người nhiễm virus SARS-CoV-2 tại đây cũng đã được xuất viện.
Một số tỉnh như Quảng Nam, Đồng Tháp, Bắc Giang, Ninh Thuận đều tạm thời không còn người nhiễm Covid-19. Riêng tỉnh Ninh Thuận đã dỡ phong tỏa thôn Văn Lâm 3, huyện Hàm Thuận Nam sau 28 ngày không phát sinh người nhiễm mới.
Liên tiếp 12 ngày vừa qua, TP.HCM không ghi nhận thêm ca nào mới từ bar Buddha (quận 2) sau khi có 18 người mắc. Sở Y tế TP nhận định "có thể yên tâm" về ổ dịch này.
Đặc biệt, từ ngày bắt đầu cách ly xã hội đến nay, thành phố đã có 10 ngày không có ca nhiễm mới. Bên cạnh đó, 11.760/12.000 người cách ly tập trung cũng đã hết thời gian cách ly. Chỉ còn 240 trường hợp đang cách ly là những người tiếp xúc gần với các ca bệnh phát hiện gần đây nhất.
Trong khi đó, ở Hà Nội, Bệnh viện Bạch Mai cũng được gỡ phong tỏa sau 14 ngày "nội bất xuất, ngoại bất nhập", trước đó được đánh giá là ổ dịch nguy hiểm và lớn nhất cả nước. 46 ca nhiễm Covid-19 là con số ghi nhận tại bệnh viện tính đến thời điểm này.
Trong khi diễn biến dịch ở cả nước đang có dấu hiệu khả quan thì bất ngờ xuất hiện ca nhiễm 243 ở thôn Hạ Lôi (xã Mê Linh, huyện Mê Linh, Hà Nội).
Với lịch trình di chuyển phức tạp của người bệnh này, ngay sau đó, Chủ tịch UBND Hà Nội đã ủy quyền Chủ tịch huyện Mê Linh ra quyết định cách ly toàn bộ thôn Hạ Lôi với hơn 11.000 dân. Các tuyến đường, ngõ ngách và nhà dân thôn này đều được phun khử khuẩn.
Theo báo cáo của Bí thư Đảng ủy xã Mê Linh Quách Sỹ Dũng, khi phát hiện ca bệnh này, ban đầu đã xác định được 67 trường hợp F1 để lập danh sách, lấy mẫu xét nghiệm và chuyển đi cách ly. Ngoài ra, có hơn 100 trường hợp F2 và cũng đã ra quyết định cách ly.
Chỉ trong vòng một tuần, có tổng cộng 13 người dương tính với Covid-19 cùng sống ở thôn Hạ Lôi. Chuyên gia đánh giá nơi đây là ổ dịch phức tạp vì có những ca bệnh không truy được nguồn, khả năng lây từ cộng đồng.
Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương Trần Như Dương khẳng định đây là ổ dịch rất phức tạp. Nhưng Hà Nội đã phát hiện nhanh và khoanh vùng ổ dịch kịp thời.
Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết hiện đã xuất hiện các ca nhiễm mới ở địa phương lân cận Hà Nội như Hà Nam, điển hình là ca 251 không xác định được nguồn lây nhiễm.
“Đó là điều cần cảnh báo để thấy mức độ nguy hiểm, đã lây nhiễm ra cộng đồng”, ông Chung nói.
Ông Chung khẳng định Hà Nội là địa phương tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm cao nhất trong cộng đồng bởi sau ổ dịch Bệnh viện Bạch Mai thì mới đây lại xuất hiện các ca bệnh mới đã đi lại nhiều nơi như 237, 243, 262. Riêng bệnh nhân số 262 là công nhân làm việc tại Công ty Samsung Việt Nam đã xác định được hơn 750 người tiếp xúc liên quan.
Bên cạnh đó, sau 10 ngày TP.HCM không thêm ca nhiễm mới thì sự phát sinh của bệnh nhân số 22 (du khách Anh) vừa khỏi bệnh ở Đà Nẵng 14 ngày trước lại cho kết quả dương tính trở lại khi đến TP.HCM, khiến thành phố phải tiến hành khoanh vùng cách ly.
Hiện TP.HCM đã cho cách ly 14 người tiếp xúc gần với người đàn ông trên cùng 33 nhân viên và khách tại khách sạn ông ta ở. Ngoài ra, nhà chức trách cũng đang tìm kiếm hành khách ngồi gần hàng ghế trên máy bay của người này để kiểm soát, cách ly.
Việc cách ly xã hội trong 14 ngày qua đã đạt được những thành quả bước đầu. Tuy nhiên, gần trước ngày hết hạn cách ly toàn xã hội theo Chỉ thị 16, một số nơi xuất hiện tình trạng người dân ra đường nhiều. Giao thông ở TP.HCM, Hà Nội có ngày ghi nhận cảnh phương tiện đông đúc. Lực lượng chức năng đã xử phạt nhiều trường hợp tụ tập đông người.
Các công viên tập trung nhiều người thể dục, quán xá bắt đầu rục rịch mở cửa trở lại. Công ty PouYuen ở TP.HCM với hàng nghìn công nhân vẫn đi làm mỗi ngày tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm dịch Covid-19.
Trước tình hình này, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống Covid-19 cùng các địa phương đã kiến nghị Thủ tướng tiếp tục cách ly xã hội ở các khu vực có nguy cơ cao.
Tại cuộc họp chiều 13/4, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho rằng dù có những kết quả khả quan bước đầu, tình hình dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp. "Những kết quả ban đầu chưa thể khẳng định một chiến thắng cuối cùng. TP.HCM sẽ tập trung kiểm soát chặt chẽ các yếu tố nguy cơ", ông Phong khẳng định.
Nói về nguy cơ lây nhiễm tại thành phố, người đứng đầu chính quyền TP.HCM cho biết về cơ bản, thành phố không phát hiện trường hợp mới nhưng nguy cơ phát sinh dịch bệnh vẫn rất cao do một bộ phận người dân vẫn lơ là trong việc thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng.
"Chỉ thị 16 vẫn có hiệu lực trên đất nước ta, nếu chúng ta nơi lỏng, sẽ xóa đi thành quả của Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị và nhân dân Việt Nam đã dày công trong suốt thời gian qua”, Thủ tướng nhấn mạnh tại cuộc họp chiều 14/4.
Theo người đứng đầu Chính phủ, việc giữ khoảng cách, đeo khẩu trang, không tụ tập đám đông và một số quy định khác cần tiếp tục được thực hiện tại các cấp, ngành, địa phương, đặc biệt là các đô thị lớn và những tỉnh có dịch.
Trên cơ sở đề xuất của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19, Thủ tướng đã quyết định tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 đến ngày 22/4, có thể là 30/4, tùy tình hình cụ thể, thậm chí có thể kéo dài hơn nữa nếu vẫn có tình trạng lây nhiễm đối với Hà Nội, Lào Cai, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Ninh Bình, Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Thuận, Khánh Hòa, TP Hồ Chí Minh, Tây Ninh, Hà Tĩnh.
Với nhóm có nguy cơ gồm 15 địa phương cũng cần có lộ trình thực hiện Chỉ thị 16 và thực hiện nghiêm Chỉ thị 15, quyết định nhóm này thực hiện theo tình hình thực tiễn đến ngày 22/4.
Nhóm nguy cơ thấp gồm 36 địa phương còn lại, tuy lây lan thấp nhưng vẫn có nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng, yêu cầu thực hiện nghiêm Chỉ thị 15 của Chính phủ. Các địa phương đều phải thực hiện biện pháp phòng, chống dịch như trong Chỉ thị 16.
Thủ tướng cũng khẳng định danh sách phân loại 3 nhóm nguy cơ này không phải là bất biến; một số tỉnh, thành phố nguy cơ thấp cũng có thể lên nhóm trên. Các nhóm tỉnh, thành phố nguy cơ cao vẫn phải quan tâm đến việc di chuyển, giao thông.
Cuộc họp tới, Chính phủ sẽ xem xét đánh giá và điều chỉnh phù hợp tùy theo diễn biến dịch bệnh. Thủ tướng cũng chỉ đạo tất cả địa phương cần tiếp tục tạm dừng các hoạt động dịch vụ không cần thiết.
Với những thành công sau 15 ngày cách ly xã hội, Thủ tướng nhận định biện pháp hiện nay là xét nghiệm nhanh, kiềm chế tốc độ lây nhiễm ở mức thấp nhất, giảm thiểu tối đa tử vong, giảm thiểu ảnh hưởng của dịch bệnh đến nền kinh tế, chuẩn bị các phương án dịch bệnh.
Song song đó, từng bước giảm mức giãn cách xã hội phù hợp với hoàn cảnh mỗi tỉnh, thành phố, mỗi địa phương; linh hoạt nhưng kiểm soát chặt chẽ mục tiêu kép trong phát triển để vừa phòng chống dịch hiệu quả, vừa phát triển kinh tế xã hội.
Như lời Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân nói trong bài phỏng vấn với Zing: "Mỗi cơ quan, mỗi doanh nghiệp, mỗi ngành nghề, mỗi gia đình, cộng đồng dân cư phải tự hỏi: Để ngăn chặn sự lây nhiễm Covid-19, việc gì lâu nay ta vẫn làm thì giờ không được làm, việc gì chúng ta phải thay đổi cách làm, việc gì xưa nay không làm nhưng giờ phải làm vì sự an toàn cho mình, cho cơ quan, doanh nghiệp, cho ngành nghề mình, cho gia đình mình và cộng đồng dân cư nơi mình sống".
Ai cũng mong muốn sớm trở lại cuộc sống thường ngày, được lao động, sinh hoạt và học tập. Muốn như vậy thì không còn cách nào khác là mỗi người phải tự ý thức, quyết tâm đẩy lùi dịch Covid-19 như thời gian qua đã cùng cả nước nỗ lực.