12 triệu người ở Mỹ, Canada phải hứng chịu nắng nóng kỷ lục
Hơn 12 triệu người ở Tây Bắc Mỹ ven biển Thái Bình Dương đã nhận khuyến cáo về nhiệt hôm 14/5, sau khi nhiệt độ một ngày trước tại Oregon và Washington vượt mức trung bình năm.
“Sức nóng kỷ lục sẽ ảnh hưởng đến khu vực Tây Bắc Mỹ ven biển Thái Bình Dương trong vài ngày tới”, New York Times dẫn lời từ Trung tâm Dự báo Thời tiết Mỹ hôm 14/5. Cơ quan này cho biết thêm nhiệt độ cao “có thể tiến sát hoặc phá vỡ các kỷ lục hiện có”, cao hơn mức trung bình cùng thời điểm trong năm.
Trước đó, hôm 13/5, khu vực Seattle đã lập kỷ lục nhiệt độ ở bốn địa điểm: Quillayute đạt 32,2 độ C, phá kỷ lục 26,6 độ vào năm 1975; SeaTac là 30 độ, cao hơn một độ so với kỷ lục 5 năm trước; Hoquiam và Olympia đều đạt 31,6 độ, cao hơn một độ so với kỷ lục thiết lập vào năm 1973.
Thành phố Portland (bang Oregon) ghi nhận mức nhiệt kỷ lục 33,8 độ C. 4 địa điểm khác ở 2 bang Washington và Oregon cũng đạt hoặc phá mốc kỷ lục hôm 13/5.
Theo Cơ quan quản lý người vô gia cư khu vực hạt King của bang Washington, nhà chức trách đã mở một số trung tâm làm mát khắp khu vực Seattle nhằm chuẩn bị cho đợt nắng nóng.
Các quan chức Portland kêu gọi người dân tìm kiếm khoảng thời gian nghỉ ngơi hợp lý trong các thư viện địa phương, hồ bơi cộng đồng hoặc đài phun nước. Họ cũng đã phân phát hơn 43.000 chai nước và 4.400 gói kem chống nắng cho những người vô gia cư trong tuần qua.
Thời tiết nắng nóng cũng ảnh hưởng tới Canada, nơi Alberta đang vật lộn với 90 đám cháy rừng, trong đó có 20 vụ vượt ngoài tầm kiểm soát. Alberta đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp cấp tỉnh và tính đến tối 13/5, giới chức đã sơ tán 16.611 người.
Mặc dù cần phân tích thêm mối liên hệ giữa đợt nắng nóng đơn lẻ với biến đổi khí hậu, các nhà khoa học khẳng định nhiều đợt nắng nóng đang có mức nhiệt cao hơn, kéo dài hơn và diễn ra thường xuyên hơn.
Năm 2018, báo cáo khoa học của 13 cơ quan liên bang Mỹ lưu ý số ngày nắng nóng đang tăng lên, và tần suất các đợt tăng từ mức trung bình 2 đợt/năm lên 6 đợt vào những năm 2010. Mùa nắng nóng trung bình cũng kéo dài hơn 45 ngày so với những năm 1960.