13 năm mang án oan giết vợ con của viên cảnh sát Mỹ

Bất chấp việc nhiều chứng cứ bị bỏ sót, David Camm vẫn bị kết án với cáo buộc sát hại vợ và 2 con. Sau 13 năm, viên cảnh sát này mới được minh oan.

Tối 28/9/2000, David Camm, cựu cảnh sát ở Tiểu bang Indiana (Mỹ), trở về nhà sau một trận bóng rổ. Vừa mở cửa, anh giật mình phát hiện vợ là Kimberly đang nằm trên vũng máu trên sàn nhà để xe với vết bắn vào đầu.

Sau đó, Camm phát hiện 2 con là Bradley (7 tuổi) và Jill (5 tuổi) cũng bị bắn chết ở ghế sau xe. Vì nghĩ rằng Bradley có thể còn sống, viên cảnh sát đã kéo cậu ra và hô hấp nhân tạo nhưng không thể cứu được con trai. Sau đó, Camm gọi cho cảnh sát.

Stan Faith, một công tố viên được phân công điều tra, đã gọi cho một người tự xưng là chuyên gia phân tích máu. Vị chuyên gia này cử trợ lý là Robert Stites đến hiện trường. Quá trình kiểm tra, Stites khẳng định vết máu trên áo của Camm là vết chất lỏng bắn ra từ va chạm tốc độ cao và nhận định Camm chính là hung thủ gây án.

Căn cứ nhận định này, cơ quan cảnh sát đã bắt giữ Camm, bất chấp còn nhiều yếu tố khác liên quan tới vụ án chưa được làm sáng tỏ.

Những mâu thuẫn

Một điều tra viên dạn dày kinh nghiệm sớm nhận ra Stites kết luận vô căn cứ và khẳng định người này không đủ trình độ. Lần cuối vợ và hai con Camm được nhìn thấy là khi họ rời buổi tập bơi và về nhà vào khoảng 19h. Đó là thời điểm Camm rời nhà đi chơi bóng rổ tại Nhà thờ Georgetown.

Ngoài ra, các điều tra viên đã tìm thấy một chiếc áo tù trong garage có tên Backbone trên cổ áo. Một dấu lòng bàn tay lạ cũng được tìm thấy trên cửa kính ôtô của Kim. Ngoài ra, Camm cũng cho biết vết máu trên áo là của con gái và bị quệt vào áo khi anh cố gắng đưa Bradley ra khỏi xe để cấp cứu.

Tuy nhiên, những dấu vết này đã bị bỏ qua và Faith khẳng định Stites đóng vai trò trong việc điều tra vụ án.

 David Camm bị kết án với cáo buộc giết vợ con. Ảnh: WLKY.

David Camm bị kết án với cáo buộc giết vợ con. Ảnh: WLKY.

Đầu năm 2002, vụ án được đưa ra xét xử sơ thẩm. Tại phiên tòa, Stites khai mình là một nhà tái tạo hiện trường vụ án, có bằng tiến sĩ về động lực học chất lỏng và đã điều tra các vụ giết người cho quân đội, tình báo hải quân và FBI.

Tuy nhiên, những điều này đều là bịa tạo và Faith biết điều đó. Tuy nhiên, các công tố viên vẫn bảo vệ luận điểm khi cho rằng vết máu trên áo Camm là kết quả của sự va chạm ở tốc độ cao. Họ cáo buộc Camm là người nổ súng.

Ngược lại, luật sư bào chữa khẳng định rằng khi Camm cố gắng kéo cậu con trai ra khỏi xe thì áo anh ta bị dính máu từ tóc con gái. Bất kể những phân tích về vết máu tại phiên tòa, Camm vẫn bị kết án.

Phiên tòa thứ hai

Đầu năm 2005, luật sư bào chữa cho rằng DNA của hai người không rõ danh tính được tìm thấy trên chiếc áo tại hiện trường vụ án phải được kiểm tra thông qua CODIS (cơ sở dữ liệu DNA quốc gia của Mỹ). Kết quả cho thấy đó là DNA của một người đàn ông tên Charles Boney và mẫu DNA này chưa bao giờ được kiểm tra trước phiên xét xử đầu tiên, mặc dù phía công tố khẳng định rằng họ đã kiểm tra và không có kết quả trùng khớp nào trả về.

Charles Boney, một tội phạm vừa ra tù trước đó, người từng bị kết án vì thực hiện một loạt vụ tấn công bằng súng với phụ nữ, được xác định là chủ nhân của chiếc áo trên.

Trong lần chất vấn, anh ta phủ nhận sự liên quan và khẳng định rằng đã đưa chiếc áo cho người khác trước khi xảy ra vụ án. Các sĩ quan nhà tù xác nhận biệt danh của Boney thực sự là Backbone (tên trên cổ áo của chiếc áo). Dấu vân tay của Boney khớp với dấu vân tay được tìm thấy trên chiếc xe, nơi nạn nhân bị sát hại.

Charles Boney được xác định là kẻ sát hại vợ con của Camm. Ảnh: Wave3.

Charles Boney được xác định là kẻ sát hại vợ con của Camm. Ảnh: Wave3.

Sau nhiều lần thay đổi lời khai, Boney khai rằng vào hôm xảy ra án mạng, anh ta đã đến nhà để bán vũ khí cho Camm. Boney đưa cho Camm vũ khí được bọc trong chiếc áo len.

Lúc đó, Kim về đến nhà. Boney đi theo xe của Kim vào trong garage thì nghe thấy 3 tiếng súng nổ. Anh ta đuổi theo Camm vào trong gara. Khi đó, Camm chạy vào nhà còn anh ta thì vấp phải đôi giày của Kim và đôi giày bị tuột khỏi chân người phụ nữ.

Boney nói rằng anh ta đã nhặt đôi giày lên và đặt lên trên nóc chiếc ôtô. Sau đó, anh ta dựa vào xe để nhìn Brad và Jill đã chết trong xe. Đây là cách anh ta giải thích về việc tại sao dấu vân tay của anh ta lại được tìm thấy trên xe.

Sau đó, Camm và Boney bị buộc tội là đồng phạm trong vụ sát hại Kim và các con của cô. Tuy nhiên, Boney bị xét xử riêng và bị kết án tội giết người.

Năm 2006, bên công tố đã đưa ra bằng chứng về máu, và lời khai 3 tù nhân khác thể hiện rằng Camm đã thừa nhận hành vi giết người. Phía công tố thậm chí còn lập luận rằng Camm đã quấy rối tình dục con gái và giết cả gia đình để che đậy tội ác. Cuối cùng, Camm vẫn bị kết án chung thân mà không được ân xá.

Minh oan sau 13 năm

Năm 2009, Tòa án Tối cao Indiana lật lại cáo buộc và đưa vụ án ra xét xử. Tòa án cho rằng những bằng chứng cho thấy Camm đã lợi dụng tình dục con gái mình đều mang tính suy đoán.

Mùa thu năm 2013, Camm ra tòa lần thứ ba. Trước phiên tòa, thẩm phán đã cấm mọi lời khai liên quan đến lạm dụng tình dục. Boney đã chứng tỏ rằng anh ta mang một khẩu súng đến nhà Camm vào đêm xảy ra vụ án mạng và anh ta đã ở bên ngoài nhà để xe khi Camm giết vợ và con mình.

Người bào chữa của Camm khi ấy đã đưa đến một chuyên gia pháp y Hà Lan. Chuyên gia cho biết ông đã tìm thấy DNA tương thích với Boney ở một số vị trí trên quần áo của cả Kim và Jill. DNA của Boney được tìm thấy trên quần lót, cánh tay áo, móng tay của Kim và trên bụng áo của Jill Camm. Dấu tay của Boney được tìm trên cửa chiếc xe ôtô, nơi anh ta bám bàn tay trái của mình vào, còn tay phải thì cầm súng bắn chết hai đứa trẻ.

Vào ngày 24/10/2013, bồi thẩm đoàn tuyên trắng án cho Camm và anh ta được trả tự do sau 13 năm bị giam giữ. Năm 2014, Camm đệ đơn kiện dân quyền liên bang đòi bồi thường. Năm 2016, quận Floyd đã bồi thường số tiền 450.000 USD cho anh.

Hoàng Linh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/13-nam-mang-an-oan-giet-vo-con-cua-vien-canh-sat-my-post1315308.html