13 thành phần tinh xảo trong chiếc đồng hồ cao cấp
Không chỉ bao gồm mặt số và dây đeo, đồng hồ đeo tay sang trọng còn sở hữu nhiều bộ phận tinh xảo đòi hỏi kỹ năng chế tác tỉ mỉ như bezel, vấu hay nắp lưng.
Đồng hồ xa xỉ thường là thành phẩm của nhiều giờ lao động với các bộ phận phức tạp được chế tác thủ công. Quan trọng hơn cả, chúng phải đáp ứng được yếu tố chất lượng và trường tồn theo năm tháng.
Thêm vào đó, nếu muốn hiểu sâu hơn về những kiệt tác thời gian này, mọi người cần biết được cấu tạo và bộ máy của chúng. Dưới đây, BURO. giới thiệu những thành phần thiết yếu trong đồng hồ xa xỉ.
Mặt số chính
Thành phần chính của đồng hồ là mặt số (dial). Bộ phận này hiển thị thời gian cùng những chức năng, chi tiết khác nhau. Chẳng hạn, mặt số có thể xuất hiện aperture (cửa sổ) ở vị trí bất kỳ để cho biết thứ, ngày, tháng hoặc bất kỳ thông tin thích hợp nào khác.
Đồng hồ cũng không thể nào thiếu đi vạch chỉ giờ (hour marker). Chúng thường là chữ số Ả Rập (1-12) và được biến tấu dưới nhiều hình thức.
Ví dụ: Reverso Classic Monoface của thương hiệu Thụy Sĩ Jaeger-LeCoultre, vạch chỉ giờ đều được đánh số. Trong khi đó, mẫu Vacheron Constantin Fiftysix chỉ hiển thị số chẵn.
Thêm vào đó, trước chữ số Ả Rập, đồng hồ sử dụng chữ số La Mã. Tiêu biểu trong đó có thể kể đến mẫu Cartier Tank Must và Longines Record. Ngoài ra, chúng ta còn có bắt gặp vạch chỉ giờ dài và mảnh ở Zenith Elite hay loại hình tròn kết hợp giữa dấu mũi tên và gậy baton trên Tudor Black Bay.
Ngoài ra, kim thời gian (hand) là thứ di chuyển trên mặt số và cho biết thời gian bằng cách chỉ vào các vạch dấu giờ. Hầu hết đồng hồ đều có kim giờ và kim phút, nhưng một số vượt trội hơn sẽ có thêm kim giây.
Vỏ và bezel
Case (vỏ) là bộ phận chứa mặt số và bộ chuyển động (movement) bên trong. Thành phần này có công dụng bảo vệ đồng hồ khỏi các tác động bên ngoài.
Một điều cần lưu ý là chúng có thể sở hữu nhiều hình dạng cũng như được làm từ nhiều kim loại khác nhau. Tất thảy là yếu tố quan trọng làm nên bản sắc độc đáo cho đồng hồ.
Bên cạnh đó, vòng bao quanh mặt số và giữ cố định mặt kính đồng hồ được gọi là bezel (vành đồng hồ).
Một trong những loại phổ biến nhất là timing bezel (vành đồng hồ chỉ thời gian) vốn có thể tìm thấy trên những chiếc đồng hồ lặn như Omega Seamaster Diver.
Các thang đo xuất hiện trên loại bezel này được sử dụng để theo dõi thời gian lặn và thường được đánh dấu từ 0-60 (biểu thị số phút trong một giờ). GMT bezel cũng nổi bật trong giới đồng hồ. Chúng sở hữu 24 vạch chỉ giờ nhằm giúp người dùng xem được múi giờ ở địa điểm bất kỳ.
Chẳng hạn, bezel xoay hai chiều ở mẫu Bell & Ross BR V2-93 GMT cho phép chúng ta đọc múi giờ thứ hai bằng mũi tên màu đỏ nổi bật. Thiết kế bezel này khá thông minh khi dùng màu sắc để phân biệt giờ ban đêm và ban ngày (màu xám - ngày và màu xanh lam - đêm).
Chi tiết đính trên vỏ
Đồng hồ còn chứa crystal, dùng để chỉ loại kính che chắn nội thất đồng hồ khỏi bụi bẩn, nước và các yếu tố khác. Thông thường, đồng hồ xa xỉ sử dụng mặt kính làm từ sapphire vì chúng trong suốt và có khả năng chống trầy xước.
Hơn nữa, chúng được phủ một lớp chống lóa giúp hạn chế phản xạ ánh sáng và cải thiện khả năng hiển thị của đồng hồ.
Vẻ ngoài của đồng hồ khó có thể thiếu đi crown (núm vặn). Chiếc núm nhỏ này được xem là trung tâm chỉ huy giúp người dùng tinh chỉnh đồng hồ theo ý muốn.
Chẳng hạn, chúng ta có thể lên dây cót và cấp thêm năng lượng cho cỗ máy thời gian của mình bằng cách xoay núm vặn theo chiều kim đồng hồ.
Lug (vấu) thường là các mảnh kim loại nhỏ mở rộng từ bốn vị trí để nối vỏ đồng hồ với dây đeo (strap). Strap không phải bộ phận quá phức tạp. Chúng giúp cố định đồng hồ trên cổ tay. Trong đó, thép đánh bóng, cao su và da là những nguyên liệu chế tác dây đeo phổ biến nhất.
Nội thất đồng hồ
Ở mặt sau của đồng hồ, mọi người thường sẽ thấy được bộ chuyển động (movement) hay còn được gọi là calibre.
Đây là động cơ cung cấp năng lượng để kim thời gian cũng như các chức năng phức tạp khác như bấm giờ, chỉ báo ngày hay múi giờ kép hoạt động. Nói một cách đơn giản, thiếu đi bộ chuyển động, đồng hồ sẽ không chạy được.
Danh sách thành phần thiết yếu của cỗ máy thời gian cơ học khó có thể thiếu đi rotor. Chúng là miếng kim loại hình bán nguyệt có thể xoay tự do khi người dùng di chuyển cổ tay.
Bất kỳ chuyển động tay nào cũng sẽ tác động lên dây cót chính giúp đồng hồ chạy mà không cần lên dây thủ công.
Cuối cùng, caseback (nắp lưng ở mặt sau đồng hồ) dùng để che chắn các bộ phận bên trong. Bên cạnh thiết kế phổ biến là tấm ốp kín với ốc vít chắc chắn, một số thương hiệu đình đám lựa chọn nắp lưng mở trong suốt cho phép người dùng quan sát được bộ chuyển động bên trong.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/13-thanh-phan-tinh-xao-trong-chiec-dong-ho-cao-cap-post1433726.html