13 tỉnh, thành chung sức xây dựng nền nông nghiệp hiện đại
Ngày 30/3, tại tỉnh Hà Nam, Khối thi đua Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 13 tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Hồng và Trung du Bắc Bộ gồm Hà Nam, Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh, Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Bắc Giang và Thái Nguyên đã tổ chức hội nghị ký Giao ước thi đua năm 2022.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam Nguyễn Đức Vượng chia sẻ, những năm qua, sản xuất nông nghiệp của Hà Nam chuyển dịch cơ cấu theo hướng tăng tỷ trọng chăn nuôi, thủy sản và dịch vụ nông nghiệp. Cơ cấu cây trồng chuyển dịch theo hướng hiệu quả, diện tích trồng hoa, cây an quả đặc sản tiếp tục được mở rộng.
Sản xuất trồng trọt bước đầu đã hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung chuyên canh có quy mô lớn với sự đầu tư hỗ trợ hạ tầng sản xuất đồng bộ (giao thông nội đồng, điện, hệ thống tưới tiểu, hỗ trợ nhà lưới, hỗ trợ kỹ thuật). Tổng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản năm 2021 đạt 8.288,6 tỷ đồng, tăng 1,9% so với năm 2020... Hà Nam được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Theo ông Lê Hoàng Thuyên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Nam, Trưởng khối thi đua, năm 2022 Khối thi đua phát động và thực hiện phong trào thi đua theo chủ đề: “Toàn ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn chung sức xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, nông dân giàu cỏ, nông thôn văn minh”.
Các đơn vị trong Khối tích cực thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại ngành, nâng cao năng suất, chất lượng hàng nông sản và hiệu quả sản xuất, kinh doanh; phát triển mạnh thị trường tiêu thụ nông lâm thủy sản cả trong nước và xuất khẩu, phấn đấu vượt mục tiêu tăng trưởng của năm ở mức cao nhất; thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 gắn với phát triển kinh tế nông thôn.
Cùng đó, các địa phương trong khối sẽ chú trọng phát triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn và quản lý hiệu quả vốn đầu tư xây dựng cơ bản, bảo vệ và sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên; nâng cao chất lượng, hiệu quả thủy lợi và phòng chống thiên tai; tiếp tục tăng cường quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và vệ sinh an toàn thực phẩm; đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp; đa dạng hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị, kết nối hệ thống tiêu thụ toàn cầu; thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao, công nghệ sạch vào sản xuất...
Bên cạnh đó, các tỉnh, thành phố tiếp tục hưởng ứng và thực hiện tốt các phong trào thi đua như Chương trình trồng mới 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021 2025 do Thủ tướng Chính phủ phát động, Phong trào thi đua yêu nước của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát động...
Cùng với việc chú trọng nâng cao chất lượng các phong trào thi đua, hoạt động của khối thi đua, các địa phương còn thực hiện tốt việc sơ, tổng kết phong trào thi đua; chống mọi biểu hiện phô trương, bệnh thành tích trong thi đua, khen thưởng, đảm bảo khen thưởng kịp thời, đúng người, đúng việc, đúng thành tích; kịp thời phát hiện các nhân tố mới, điển hình tiên tiến trong Khối để học tập kinh nghiệm, nhân rộng và động viên, khen thưởng; trong đó, quan tâm khen thưởng đối tượng là người lao động trực tiếp, nông dân, công nhân…