14.000 tỷ đồng đầu tư cho y tế cơ sở, y tế dự phòng

Trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, y tế cơ sở và y tế dự phòng sẽ được đầu tư nguồn lực là 14.000 tỷ để tăng cường năng lực. Bộ Y tế đang phối hợp với các bộ, ngành và địa phương liên quan giải ngân nguồn vốn này để giải quyết khó khăn ngay trong ngắn hạn

Thông tin trên đượcThủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chínhđưa ra tại cuộc gặp gỡ, đối thoại trực tiếp với công nhân diễn ra sáng nay 12/6 tại Bắc Giang. Cuộc đối thoại được kết nối trực tuyến đến 63 điểm cầu trên toàn quốc.

Thủ tướng cùng lãnh đạo các bộ, ngành chia sẻ với công nhân, người lao động tại buổi đối thoại - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng cùng lãnh đạo các bộ, ngành chia sẻ với công nhân, người lao động tại buổi đối thoại - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Cuộc gặp gỡ, đối thoại cùng công nhân có chủ đề "Công nhân Việt Nam: Tiên phong, sáng tạo, trách nhiệm, thích ứng, an toàn" là sự kiện hết sức ý nghĩa để Thủ tướng Chính phủ lắng nghe, chia sẻ, trao đổi nhằm tìm ra những nhiệm vụ, giải pháp đối với các vướng mắc, tâm tư, nguyện vọng các anh chị em công nhân, người lao động.

Trước khi đối thoại với công nhân, Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thăm nơi ở và tặng quà công nhân khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.

Đã có 10.000 câu hỏi gửi đến Thủ tướng trước ngày đối thoại trực tiếp.

Liên quan đến lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, tại buổi đối thoại, từ điểm cầu Vĩnh Phúc, công nhân Vũ Thị Kim Anh chia sẻ câu chuyện "công nhân chúng cháu thường xuyên phải tăng ca ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng rất khó khăn trong việc khám chữa bệnh do bệnh viện ở xa nơi làm việc".

"Đề nghị Thủ tướng chỉ đạo cơ quan chức năng quy hoạch phát triển bệnh viện tại các khu công nghiệp, trước mắt tổ chức cơ sở khám chữa bệnh trong các khu công nghiệp để thuận tiện cho chúng cháu đến khám chữa bệnh và cấp cứu kịp thời khi có sự cố, tai nạn tại các nhà máy. Đồng thời cho phép các cơ sở khám, chữa bệnh vào chủ nhật và được thanh toán bảo hiểm y tế vì hầu hết công nhân chúng cháu đều đi làm từ thứ 2 đến thứ 7 hằng tuần"- công nhân Vũ Thị Kim Anh nêu

Thủ tướng cho biết, vừa qua trong đại dịch COVID-19 toàn hệ thống chính trị, được ủng hộ của nhân dân, được ủng hộ của bạn bè quốc tế, chúng ta đã thực hiện chống dịch COVID-19, đến nay cơ bản đã kiểm soát được tình hình, đang trở về trạng thái bình thường là thành công lớn của Đảng, Nhà nước, của nhân dân ta.

Tuy nhiên trong thành tựu chung, Thủ tướng chỉ ra bên cạnh điểm mạnh còn bộc lộ điểm yếu về hệ thống y tế.

Với mục tiêu, chủ trương đặt sức khỏe của người dân, tính mạng của người dân lên trên hết, trước hết, nhất là đại dịch, Thủ tướng cho biết qua rà soát lại những được cơ bản được, còn những cái chưa được như hệ thống y tế dự phòng, hệ thống y tế cơ sở còn thiếu, còn yếu cả về mặt pháp lý, cơ sở vật chất, tổ chức thực hiện và đầu tư cho nguồn nhân lực.

Với ý kiến của công nhân, Thủ tướng cho rằng đã phản ảnh chân thực thực tiễn ở cơ sở. Thủ tướng cho biết: Quốc hội đang yêu cầu sửa Luật Khám chữa bệnh. Chính phủ đang rà soát lại hệ thống quy định pháp luật có liên quan để tăng cường hệ thống y tế cơ sở và y tế dự phòng. Các khu công nghiệp tập trung đông công nhân, mà chủ trương cũng như "công thức" chống dịch của chúng ta là làm sao để người bệnh tiếp xúc nhanh nhất, sớm nhất với dịch vụ y tế ngay tại cơ sở.

"Trước điểm yếu trên của hệ thống y tế, chúng tôi đang tập trung bổ sung về pháp lý và thể chế"- Thủ tướng nói.

Về giải pháp trước mắt, trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, y tế cơ sở và y tế dự phòng sẽ được đầu tư nguồn lực là 14.000 tỷ để tăng cường năng lực. Bộ Y tế đang phối hợp với các bộ, ngành và địa phương liên quan giải ngân nguồn vốn này để giải quyết khó khăn ngay trong ngắn hạn.

Về lâu dài, chúng ta nên nghiên cứu tổ chức y tế, trạm xá hay cơ sở khám chữa bệnh sao cho phù hợp cho các khu công nghiệp. Đề nghị Bộ Y tế khẩn trương nghiên cứu. Những gì thuộc về cơ chế, chính sách, thể chế thì phải bổ sung ngay vào Luật Khám chữa bệnh theo hướng làm sao để bố trí nguồn lực, nhân lực, tổ chức thực hiện hiệu quả nhất để công nhân được tiếp cận y tế từ xa, từ cơ sở, sớm nhất, nhanh nhất có thể.

Báo cáo thêm với Thủ tướng, ông Nguyễn Đình Khang, chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, hiện nay việc khám, chữa bệnh cho công nhân lao động đã được tổng hợp nhiều năm nay, nhưng đang vướng 2 việc là cơ sở khám, chữa bệnh ở khu công nghiệp chưa được quy định trong mạng lưới y tế và khám, chữa bệnh ngoài giờ cho công nhân lao động thì bảo hiểm y tế có thanh toàn hay không?

Đồng thời, tiền lương cho cán bộ y tế khám chữa bệnh ở đây cũng rất cần bàn đến. Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam tới đây sẽ có tổng hợp, kiến nghị, báo cáo Thủ tướng.

Thái Bình

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn//14000-ty-dong-dau-tu-cho-y-te-co-so-y-te-du-phong-169220612140621885.htm