14 đội tham dự Vòng thi toàn quốc Hội thi Hòa giải viên giỏi lần thứ IV
Sáng 8-11, tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt Xô, Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương đã tổ chức Vòng thi toàn quốc, Hội thi Hòa giải viên giỏi toàn quốc lần thứ IV.
Tham dự Hội thi, về phía Trung ương, có ông Nguyễn Thanh Tịnh, Thứ trưởng Bộ Tư pháp, Phó chủ tịch Hội đồng Phối hợp Phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương, Trưởng ban tổ chức Hội thi; bà Trương Thị Ngọc Ánh, Phó chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó chủ tịch Hội đồng phối hợp Phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương, Phó trưởng ban Tổ chức hội thi; bà Nguyễn Thị Minh Hương, Phó chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Ủy viên Hội đồng Phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương; bà Đoàn Thị Tuyết Nhung, Phó tổng giám đốc Thông tấn xã Việt Nam, Ủy viên Hội đồng Phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương.
Về phía địa phương, có ông Lê Hồng Sơn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội; ông Lê Khắc Nam, Phó chủ tịch UBND TP Hải Phòng; ông Vũ Chí Giang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc.
Hội thi nhằm góp phần thực hiện hiệu quả Luật Hòa giải cơ sở và các văn bản hướng dẫn thi hành, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, ý nghĩa của công tác hòa giải ở cơ sở, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng hòa giải cho hòa giải viên và tôn vinh những điển hình xuất sắc.
Hội thi được tổ chức với 2 vòng thi: Vòng thi khu vực và Vòng thi toàn quốc. Vòng thi toàn quốc, Lễ tổng kết, trao giải hội thi và phát động Cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng tiêu cực” là điểm nhấn hưởng ứng Ngày Pháp luật nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2023.
Hòa giải ở cơ sở là phương thức giải quyết tranh chấp, mâu thuẫn đã hình thành từ rất sớm trong lịch sử Việt Nam, xuất phát từ truyền thống giàu lòng nhân ái, tinh thần đoàn kết, hòa hiếu của con người Việt Nam. Cùng với sự phát triển của đời sống xã hội, công tác hòa giải ngày càng được phát huy và trở thành phương thức giải quyết tranh chấp chiếm ưu thế trong hệ thống các phương thức giải quyết tranh chấp, xung đột xã hội ngoài tòa án.
Trong quá trình hòa giải, với uy tín, lòng nhiệt huyết, tinh thần trách nhiệm, các hòa giải viên luôn là cầu nối kết nối tình đoàn kết, yêu thương, hướng dẫn các bên giải quyết tranh chấp, mâu thuẫn một cách “thấu tình đạt lý”.
Theo số liệu thống kê của Bộ Tư pháp, tính đến ngày 31-12-2022 cả nước có 86.414 tổ hòa giải với 540.740 hòa giải viên. Trung bình mỗi năm, các tổ hòa giải trên cả nước tiến hành hòa giải trên 100.000 vụ, việc tranh chấp, mâu thuẫn trong cộng đồng dân cư, đạt tỷ lệ hòa giải thành trên 80%.
Hội thi được tổ chức thành 2 vòng thi, gồm: Vòng thi khu vực và Vòng thi toàn quốc. Từ kết quả của Vòng thi khu vực, Ban tổ chức Hội thi đã lựa chọn 14 đội thi xuất sắc tham dự Vòng thi toàn quốc được tổ chức tại thủ đô Hà Nội, gồm các tỉnh: Bà Rịa - Vũng Tàu, Đắk Lắk, Đồng Nai, Đồng Tháp, Hà Nội, Hà Tĩnh, Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh, Nghệ An, Ninh Bình, Tây Ninh, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Vĩnh Phúc. Đây là sự kiện nổi bật hưởng ứng Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Hội thi bắt đầu từ 7 giờ 45 phút đến 17 giờ. Lễ tổng kết, trao giải Hội thi và Phát động Cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực” bắt đầu lúc 19 giờ 45 phút cùng ngày và được truyền hình trực tiếp trên Đài Truyền hình Việt Nam (kênh VTV1, bắt đầu từ 20 giờ 10 phút) và được phát thanh trực tiếp trên Đài Tiếng nói Việt Nam.
Tin, ảnh: KIM DUNG
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Xã hội xem các tin, bài liên quan.