14 năm tù vì... tin người!
Sáng 15/12/2024, Mary Jane Veloso, 40 tuổi, người Philippines bước chân ra khỏi trại giam dành cho nữ giới ở tỉnh Yogyakarta, Indonesia với tờ lệnh tha trên tay. Tính đến ngày hôm đó, cô đã ở tù gần 14 năm chỉ vì tin vào những lời hứa hẹn đường mật!
Chiếc vali định mệnh
Đó là một ngày giữa tháng 4/2010, Mary Jane Veloso khi ấy 26 tuổi khoác túi hành lý ra sân bay đi Malaysia sau khi từ biệt 2 đứa con cùng cha mẹ. Hồi tưởng lại chuyện này, Veloso kể: “Gần 2 tháng trước, lúc tôi đang là phục vụ bàn tại một nhà hàng ở Manila thì tôi quen một người khách là bà Maria Kristina Sergio. Sau vài lần trò chuyện, bà ấy hỏi tôi về cuộc sống, về công việc và về mức thu nhập. Đến khi biết mỗi tháng tiền lương của tôi chỉ khoảng 300USD thì bà trợn mắt: “Sao mà thấp thế?”.
Vẫn theo Veloso, trong lần gặp gỡ sau đó, bà Maria hỏi cô “có muốn sang Malaysia làm người giúp việc nhà với mức lương 1.200USD/tháng?”. Và bởi vì Philippines lâu nay vẫn là quốc gia có lượng người xuất khẩu lao động lớn nhất Đông Nam Á, mỗi năm gửi về hàng chục tỉ USD nên sau khi hỏi ý kiến gia đình, Veloso đồng ý. Cô kể tiếp: “Biết tôi đã ly dị chồng nên để tôi có thể yên tâm ra đi mà không phải lo gì đến 2 đứa con, bà Maria cho tôi 20.000 peso (đơn vị tiền tệ Philippines) đồng thời bà còn tặng tôi một chiếc xe gắn máy và một điện thoại di động”.
Sau gần 2 giờ bay, Veloso đến Kuala Lumpur, Malaysia. Lúc gặp bà Maria, bà cho Veloso biết chủ gia đình nơi cô giúp việc đã thuê người khác. Tuy nhiên bà sẽ sắp xếp cho cô một công việc tương tự ở Indonesia. Khi thấy hành lý Veloso mang theo chỉ có 2 chiếc quần jean và vài cái áo phông, Maria dẫn cô ra siêu thị Sunway Pyramid gần đó mua thêm vài bộ quần áo mới cùng một số vật dụng sinh hoạt.
Veloso kể tiếp: “Vài tiếng trước lúc ra sân bay đi Indonesia, bà Maria đưa tôi một chiếc vali bằng nhôm mới tinh, bảo tôi cho tất cả đồ đạc vào vì “xách cái túi nhìn nhếch nhác quá!”. Cùng đi với bà là một người đàn ông da đen mà bà giới thiệu là Ike. Ông ấy đưa tôi vé máy bay của Hãng Hàng không Air Asia và một số điện thoại di động, dặn tôi là khi đến Indonesia và khi ra khỏi sân bay, tôi gọi số máy này thì sẽ có người đến đón”.
Ngày 25/4/2010, Veloso xuống sân bay quốc tế Adisucipto, tỉnh Yogyakarta, Indonesia. Khi chiếc vali đi qua máy soi chiếu, cô bị nhân viên an ninh sân bay giữ lại vì họ nhận thấy nó có dấu hiệu bất thường. Sĩ quan đội trưởng Đội kiểm tra an ninh nói: “Mở vali ra, bên trong chỉ có quần áo và đồ dùng cá nhân còn ở đáy vali là tấm nhôm liền lạc phẳng lì nhưng quan sát kỹ, chúng tôi nhận thấy tại 4 góc trên mặt tấm nhôm, có 4 lá nhôm cùng màu, mỏng dính, nhỏ hơn đầu ngón tay út dán chồng lên. Khi bóc 4 lá nhôm ấy ra thì bên dưới là 4 cái lỗ nhỏ, mỗi lỗ có 1 ốc vít. Điều đó chứng tỏ đáy vali gồm 2 lớp. được ngụy trang rất tài tình”.
Kết quả của việc tháo tấm nhôm cho thấy giữa nó và tấm nhôm đáy vali có chất bột màu trắng được trải đều, ép chặt bằng 2 màng nylon màu đen. Việc xét nghiệm thực hiện ngay sau đó đã chứng tỏ nó là heroin, trọng lượng 2.6kg, trị giá 500.000 USD!
Lệnh tạm giữ Veloso lập tức được công bố trong lúc cô vừa khóc, vừa thề sống thề chết rằng chiếc vali là của bà Maria Kristina Sergio tặng cô để cô sang Indonesia làm người giúp việc cho một gia đình theo lời giới thiệu của bà. Tuy nhiên vì nhân vật được cho là Maria Kristina Sergio lại không có mặt ở hiện trường và khi cơ quan an ninh Indonesia yêu cầu Veloso gọi vào số di động do người đàn ông châu Phi đưa thì chẳng ai bắt máy nên cô bị giải về trại giam để điều tra.
Chuỗi ngày tù tội
Trong suốt nửa năm sau đó, Veloso trải qua hàng trăm cuộc hỏi cung. Các điều tra viên Indonesia xoáy vào từng chi tiết dù nhỏ nhặt nhất để tìm ra kẽ hở trong lời khai của cô bởi lẽ quá trình thẩm tra cho thấy số đi động Ike cho Veloso là simcard trả tiền trước, chưa hề thực hiện một cuộc gọi đi hay nhận cuộc gọi đến nào, người mua lại sử dụng tên giả nên không thể biết được họ là ai. Bên cạnh đó, Cảnh sát Indonesia cũng cử đặc vụ sang Philippines, phối hợp với cảnh sát Philippines nhằm xác minh nhân vật Maria Kristina Sergio nhưng chẳng tìm ra một dấu hiệu gì chứng tỏ bà này đã từng tồn tại.
Ông Banjia, cha của Veloso cho biết cảnh sát Philippines và đặc vụ Indonesia nhiều lần đến gặp ông, hỏi ông về Maria nhưng ông khẳng định chưa hề gặp bà này, chỉ biết qua lời kể của con gái. Ông Minangsak, sĩ quan đặc vụ Indonesia nói: “Chúng tôi giả định 2 tình huống: Một là Maria Kristina Sergio cầm đầu một đường dây vận chuyển heroin vào Indonesia, và Veloso chỉ là một trong số những người bị Maria dựng lên một màn kịch để dụ dỗ và hai là cô ta bịa ra nhằm chạy tội cho mình...”.
Ngày 4/10/2010, hồ sơ Veloso khép lại do không tìm ra chứng cứ chứng minh Veloso vô tội. Ngày 11/10, Veloso ra tòa rồi lĩnh án tử hình vì vận chuyển 2,6kg ma túy trái phép vào Indonesia. Nhớ lại chuyện này, cô nói: “Khi nghe tóa tuyên án, tôi có cảm giác như mặt đất sụt xuống, tôi rơi vào một lỗ sâu tối đen. Tôi hét lên nhiều lần “tôi vô tội” nhưng hai cảnh sát đã áp sát rồi xốc nách tôi, đẩy tôi ra ngoài, vào xe bít bùng”.
Bị giam chung phòng với 8 nữ tù nhân khác tại nhà tù Yogyakarta dành riêng cho phái nữ, tất cả đều cùng can tội mua bán, vận chuyển ma túy, Veloso rơi vào trạng thái trầm cảm vì tuyệt vọng bởi lẽ 8 người này là công dân Australia, Brazil, Pháp, Ghana và Nigeria. Họ không biết nói tiếng Tagalog - là ngôn ngữ bản xứ Philippines còn Veloso lại không nói được tiếng nước họ. Cô kể: “Tôi đã viết hàng chục lá đơn xin cứu xét nhưng tất cả đều rơi vào hư vô. Tôi mất hẳn khái niệm về ngày tháng, chỉ biết 1 năm đã trôi qua khi nhà tù phát quà Tết cho tù nhân…”.
Từ đó đến năm 2013, cả 8 người trong phòng giam với Veloso lần lượt bị xử bắn, bất chấp những đề nghị khoan hồng của Bộ Ngoại giao Australia, Brazil, Pháp, Ghana và Nigeria gửi Bộ Ngoại giao Indonesia. Bà Evi Loliancy, giám thị trưởng nhà tù Yogyakarta cho biết do sợ Veloso tự tử vì phòng giam chỉ còn lại mình cô, bà đã chuyển cô sang một phòng khác có 20 tù nhân với nhiều tội danh khác nhau. Cùng lúc đó tại Philippines, bên cạnh hàng loạt những cuộc biểu tình của người dân trước Sứ quán Indonesia ở Manila, yêu cầu Chính phủ Indonesia trả tự do cho Veloso thì Bộ Ngoại giao Philippines cũng gửi công hàm cho Bộ Ngoại giao Indonesia, đề nghị tạm hoãn thi hành án với Veloso để phía Philippines tìm thêm chứng cứ, chứng minh Veloso chỉ là nạn nhân của một âm mưu dàn dựng.
Lời đề nghị ấy được Tổng thống Indonesia là ông Susilo Bambang Yudhoyono chấp thuận nhưng sau cuộc bầu cử năm 2014, ông Joko Widodo trở thành tổng thống thì án tử hình Veloso lại được khôi phục. Theo đó,Veloso sẽ bị hành quyết tại nhà tù Nusa Kambangan vào lúc 1 giờ sáng ngày 29/4/2015.
Khi thông tin về việc Veloso sẽ bị hành quyết, nhờ sự giúp đỡ về tài chính của những nhà hảo tâm, cha mẹ cô cùng 2 con trai đã bay đến Indonesia. Tại phòng thăm tử tù của nhà tù Nusa Kambangan, Veloso nói với 2 con: “Đừng nghĩ rằng mẹ chết vì mẹ đã làm điều sai trái mà có người muốn mẹ phải chết để gánh hết tội lỗi của họ…”. Khi giám thị nhà tù thông báo thời gian thăm viếng đã kết thúc, Veloso chỉ còn vài phút để nói lời vĩnh biệt người thân thì cô bật khóc: “Tôi không được ở bên con tôi lâu hơn nữa sao? Chúng sẽ không bao giờ gặp lại tôi và tôi cũng không bao giờ gặp lại chúng nữa”. Câu nói ấy đã khiến các giám thị có mặt trong phòng đều chảy nước mắt.
Ánh sáng cuối đường hầm
Một ngày trước khi Veloso ra trường bắn, sáng 28/4/2015, cảnh sát thành phố Nueva Ecija, Philippines bất ngờ nhận được một cuộc điện thoại, người gọi xưng là Maria Kristina Sergio, xin ra đầu thú. Theo Maria, khi thông tin về việc Veloso sẽ bị tử hình, bà ta nhận được hàng trăm lời đe dọa qua điện thoại và mạng xã hội, rằng ngay sau khi những viên đạn bắn vào Veloso thì bà ta cũng sẽ có những viên đạn tương xứng. Bên cạnh đó, Maria cũng khai Ike - người đã đưa vé máy bay và số điện thoại di động cho Veloso trước lúc lên đường sang Indonesia là Julius Lacanilao, trợ lý của bà ta. Một sĩ quan cảnh sát ở Nueva Ecija cho biết nhằm đề phòng những người quá khích, manh động, cảnh sát phải cử 1 xe bọc thép cùng 1 tiểu đội đến đón Maria tại một địa điểm bí mật.
Ngay khi nhận được tin Maria đầu thú, ông Aquino, Tổng thống Philippines đã lập tức điện thoại cho Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia là ông Retno Marsudi, đề nghị phía Indonesia hoãn thi hành án tử hình, đồng thời ông Aquino còn viện dẫn Hiệp ước tương trợ tư pháp giữa các quốc gia ASEAN, yêu cầu Indonesia đưa Veloso vào diện nhân chứng trong vụ án “tuyển dụng người vận chuyển ma túy trái phép”.
Veloso kể: “Lúc ấy khoảng 10 giờ tối - nghĩa là chỉ 3 tiếng nữa thì tôi sẽ bị tử hình, khi các tù nhân cùng các chức sắc tôn giáo vừa kết thúc buổi cầu nguyện cho tôi để tôi có thể ra đi thanh thản thì cảnh sát trại giam, thông báo rằng lệnh xử bắn tôi đã được hủy bỏ. Lúc ấy, tôi không tin vào tai mình, đầu óc tôi choáng váng, tôi vừa muốn ngã xuống thì một cảnh sát đã đỡ lấy tôi…”. Tuy nhiên việc hủy bỏ án tử hình không có nghĩa là cô được tha, Veloso lại tiếp tục ở tù nhưng lần này trong cô đã le lói niềm hy vọng vì cô được chuyển từ nhà tù Nusa Kambangan về nhà tù Yogyakarta, nơi cô đã ở những ngày đầu tiên sau khi bị bắt.
Cuộc sống tù tội của Veloso kéo dài đến ngày 15/12/2024. Cô kể: “Sáng 16/12/ 2024, một viên chức Bộ Di trú và cải huấn Indonesia là ông Sohibur Rachman cho tôi biết tôi sẽ được chuyển đến nhà tù Pondok Bambu ở quận Duren Sawit, Jakarta để chuẩn bị cho việc di lý về Philippines”. Ngày 18/12/2024, hai sĩ quan cảnh sát Philippines đưa cô ra sân bay quốc tế Soekarno-Hatta, Indonesia. Từ đó, cô đáp chuyến bay của Hãng Cebu Pacific nhưng khi vừa đặt chân xuống đất, Veloso lại bị đưa vào trung tâm cải huấn dành cho phụ nữ ở ngoại ô Mandaluyong, Manila.
Theo thỏa thuận giữa Philippines và Indonesia, án tử hình của Veloso sẽ được phía Philippimes giảm xuống còn tù chung thân nhưng Bộ Tư pháp Philippines cho biết chính phủ sẽ cân nhắc về việc giảm án chung thân thành tù có thời hạn hoặc ân xá cho Veloso bởi lẽ đến nay, mặc dù đã ra đầu thú và đã thừa nhận một số vụ vận chuyển ma túy trái phép vào Indonesia nhưng cả Maria lẫn Ike vẫn luôn phản bác lời khai của Veloso, rằng không phải cô bị lợi dụng hay lừa gạt mà việc Veloso mang chiếc vali chứa heroin đến Indonesia là tự nguyện vì tiền!
Theo luật sư Eduardo Jose, người nhận trách nhiệm bảo vệ quyền lợi miễn phí cho Veloso thì vụ án của cô sẽ khó giải quyết trong một sớm một chiều vì nếu ân xá cho cô, phía Philippines sẽ vi phạm thỏa thuận giữa họ với Indonesia ngoại trừ trường hợp cả Maria lẫn Ike đều thay đổi lời khai theo hướng nhận tội lừa gạt, dụ dỗ Veloso mang ma túy…
Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/ho-so-interpol/14-nam-tu-vi-tin-nguoi--i755586/