14 ngày cách ly của công dân viện máu
45 nhân viên y tế tại Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương (Hà Nội) vẫn làm việc, tập thể thao và động viên nhau đi qua 14 ngày cách ly.
Hà Nội, 6h ngày 16/4. Ông Hiếu trở mình thức dậy, tuổi già làm ông không thể ngủ lâu hơn. Ông ra ban công, vươn vai, làm vài động tác thể dục. Dưới sân, mấy bóng người đang đi bộ, chỉ hai tuần trước thôi, ông cũng đang rảo bước như họ.
“Nay đã là ngày thứ 13 rồi”, ông lẩm nhẩm tính trong đầu rồi quay vào bếp chuẩn bị bữa sáng cho vợ và hai cháu nhỏ.
Ở tuổi 71, một lần nữa, ông đảm đương vị trí trụ cột gia đình, vợ ốm nặng, con trai và con dâu ông làm việc tại Viện Huyết học Truyền máu Trung ương, tiếp xúc với bệnh nhân 237 mắc Covid-19, phải ở lại bệnh viện cách ly.
Cách đó khoảng 2 km, mặc bộ đồ bảo hộ kín mít, bác sĩ Trương Vũ Trung (Trưởng khoa Chẩn đoán Hình ảnh) đang thăm khám cho bệnh nhân trong ca trực. Ở dãy nhà bên cạnh, chị Nguyễn Bình Minh (vợ anh Trung, nhân viên phòng đối ngoại của viện) nhận cơm sáng từ Khoa Dinh dưỡng. Thay vì làm những công việc thường ngày, chị có 14 ngày để tìm hiểu thêm về yoga và thiền.
Trước đó, ngày 1/4, sau khi tiếp xúc gần với bệnh nhân người Thụy Điển nghi mắc Covid-19, anh Trung, chị Minh đã hạn chế tiếp xúc với bố mẹ và hai con. Hai ngày sau, khi bệnh nhân 237 có kết quả dương tính với SAR-CoV-2, nhà chỉ còn người già và trẻ con. Chị Minh F1 cách ly tập trung tại hội trường. Anh Trung F2 cách ly tại khoa.
Tương tự như chị Minh, 44 nhân viên y tế khác là F1 đang phải cách ly tại hội trường Viện huyết học Truyền máu Trung ương và cùng nhau sống 2 tuần thật khác.
Khu cách ly hóa phòng gym
Anh có sợ khi biết mình tiếp xúc với người dương tính không?
Sợ gì chứ, mình là bác sĩ, đã cảnh giác cao độ, đã được tập huấn về việc tiếp nhận bệnh nhân có nguy cơ mắc Covid-19 thì nguy cơ cũng thấp thôi. Và việc cách ly tập trung cũng là việc đã được dự tính trước. Bảo Anh vừa nói vừa thở nhè nhẹ sau khi hoàn thành 15 lần chống đẩy.
Ngay bên cạnh, những bác sĩ, y tá, điều dưỡng đang tận dụng thùng nước để squat, dùng thùng sữa để tập cơ tay, bục trên sân khấu làm bậc nhảy. Khi sự huyên náo vừa dứt, lớp học yoga của chị Hảo cũng bắt đầu. Mọi người đưa tay, vươn vai trong tiếng nhạc dịu êm phát ra từ chiếc điện thoại.
Trước đây, chị Hảo tổ chức lớp học cho các bệnh nhân để họ rèn luyện sức khỏe, thì nay, lớp học được tổ chức cho chính những thầy thuốc để xóa bớt đi thời gian buồn tẻ của 2 tuần rời xa công việc.
Đêm đầu tiên không ngủ
Lý Thị Hảo, Trưởng phòng Công tác Xã hội, bồi hồi nhớ lại ngày 3/4 khi nhận cuộc gọi từ đồng nghiệp Võ Thị Thanh Bình, Trưởng Khoa Ghép tế bào gốc, về một bệnh nhân người Thụy Điển cần giúp đỡ. Trong những ngày làm công tác xã hội tại bệnh viện, người phụ nữ này đã nhận nhiều cuộc điện thoại của các bác sĩ như thế.
Nam bệnh nhân châu Âu một mình ở đất nước xa lạ, không người thân thích. Sau đó, chị lên kế hoạch trợ giúp người bệnh.
14h30, bệnh nhân có kết quả dương tính với SAR-CoV-2. 15h30, chị phải cách ly tập trung tại hội trường bệnh viện. Người phụ nữ thoáng gợn lo khi mình đã tiếp xúc gần và có thể bị lây bệnh. Nhưng nỗi lo lớn hơn là chồng và 2 con chị sẽ sống thế nào, công việc ở khoa Công tác xã hội sẽ làm sao để tiếp tục?
Phạm Ngọc Ký, điều dưỡng tại Khoa Ghép tế bào gốc lại mang nỗi lo khác. Biết mình tiếp xúc với bệnh nhân nghi nhiễm anh đã cảnh giác không về nhà mà ở lại tại viện từ 1-3/4. Anh thở phào vì đã không gặp vợ con, không tạo ra hàng loạt F2. Nhớ lại phút giây đó, anh cười: “Mình không về nhà nên cả xã đều được nhờ”.
Khi tiếp xúc F0, anh đã đeo khẩu trang và sát khuẩn tay theo đúng quy trình nên không lo nhiều việc mình nhiễm bệnh. Nhưng đêm đó, anh trằn trọc không ngủ được vì xa gia đình.
Ngay khi vào khu cách ly tập trung, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương Hà Nội đã đến lấy mẫu xét nghiệm đối với các y bác sĩ. Sau một đêm mất ngủ, phấp phỏng mong chờ, tại đợt xét nghiệm lần đầu, 45 kết quả âm tính.
Những chiếc giường mới, tivi được chuyển vào. Nước, sữa, hoa quả hay những thứ nhỏ nhặt như dầu gội đầu, sữa rửa mặt liên tục được tiếp tế cho các y bác sĩ.
Tình yêu và nỗi nhớ
Sau một ngày, cuộc sống cách ly dần đi vào quỹ đạo khi chị Hảo vẫn có thể ký giấy tờ, bác sĩ Bảo Anh hội chẩn qua điện thoại và giảng bài online.
Mỗi ngày, anh Đại lại ra cửa sổ hội trường nhìn lên tầng 3, nơi vợ anh đang làm việc. Hàng ngày, chị gọi điện thoại cho anh để hỏi han tình hình của chồng và chia sẻ chuyện của con trai đang ở quê với ông bà.
Điều dưỡng Tạ Thị Thuận, khoa Khám bệnh Điều trị ngoại trú khi phải cách ly, lần đầu tiên, người phụ nữ này có sinh nhật xa con gái. "Bánh gato, nến và hoa, chờ dịch tạm lắng, tôi sẽ về tổ chức cho con", người mẹ ngậm ngùi.
Vừa kết nối, bé Khánh Linh (con gái bệnh nhân Thuận) đã hỏi dồn dập: "Mẹ khỏe không? Bố khỏe không? Bố mẹ có ôtô để về với con chưa? Sao bố mẹ đi diệt cô na cô vít lâu thế?"
Chị Thuận đành cưng nựng dỗ dành: “Bây giờ cách ly xã hội, người ta cấm hết xe rồi. Con chịu khó ở nhà, đợi bắt xong cô na cô vít, mẹ sẽ về với con”.
Tờ A4 đáng nhớ nhất cuộc đời
Âm tính!
Âm tính hết rồi!
Được về nhà rồi!
Tiếng một người hét lên trong điện thoại! Cả hội trường vang lên những tiếng hò reo. Những điều dưỡng ôm chặt lấy nhau. Những tiếng cười ngập tràn, vang vọng.
Chị Thuận cười khi nghĩ về gia đình chồng cũng sẽ được mở cách ly theo mình. Anh Ngọc Ký lấy tay xoa lên mái đầu đã được cắt trụi cho đỡ tốn công gội. Chị Minh nhắn tin cho con sau khi chúng gọi liên hồi từ sáng sớm.
Và chỉ vài phút sau, những đôi tay thoăn thoắt thu dọn chăn màn, giường chiếu.
15h30 ngày 17/4, TS Bạch Quốc Khánh, Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương xuất hiện cùng những tờ kết quả xét nghiệm và quyết định hết thời gian cách ly.
“Bệnh nhân 237 đã được công bố khỏi bệnh và trở về Thụy Điển cách đây vài ngày, tôi thực sự biết ơn tất cả những công dân của viện, nhất là các bạn F1 đã sẵn sàng tiếp xúc với người bệnh, đã làm việc trách nhiệm nhất.
Từ các đồng chí lãnh đạo, bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên đối ngoại, công tác xã hội, dinh dưỡng, nhân viên vệ sinh, hay bảo vệ… tất cả đều không hề lo ngại, luôn cố gắng, không kêu ca gì trong công việc cũng như trong thời gian cách ly. Họ đã trở thành đồng đội theo một cách mà không ai mong muốn. Tôi chỉ muốn nói lời cảm ơn đến tất cả các bạn”, vị viện trưởng chia sẻ.
Vẫy tay chào nhau, những y bác sĩ rời khỏi khu cách ly trong niềm hạnh phúc đặc biệt.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/14-ngay-cach-ly-cua-cong-dan-vien-mau-post1074382.html