14 ngày cách ly xã hội phòng dịch, tâm lý người dân vẫn còn chủ quan

Chuyên gia dịch tễ cho rằng, để phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả, ý thức của người dân vẫn là quan trọng hàng đầu.

Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19 đánh giá Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ về “cách ly xã hội”, hay còn gọi là “giãn cách xã hội” từ 1-15/4 là giải pháp quan trọng để ngăn ngừa dịch bệnh lây lan.

“Cách ly xã hội” yêu cầu người dân hạn chế ra đường nếu không cần thiết, nhưng thực tế, những ngày qua đã xuất hiện tình trạng người dân chủ quan, không thực hiện nghiêm biện pháp này.

Đường phố Hà Nội đông đúc trong thời gian cách ly xã hội. (Ảnh chụp ngày 8/4/2020)

Đường phố Hà Nội đông đúc trong thời gian cách ly xã hội. (Ảnh chụp ngày 8/4/2020)

Theo đánh giá của Ban chỉ đạo, tâm lý người dân là đa phần ủng hộ cách ly xã hội. Song tâm lý này thay đổi theo ngày. Ngày công bố số ca bệnh nhiều hơn thì tâm lý ủng hộ cách ly xã hội cao hơn so với ngày công bố ít ca.

Trao đổi với phóng viên VOV, chuyên gia dịch tễ cho rằng, để phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả, ý thức của người dân vẫn là quan trọng hàng đầu. Cách ly xã hội cũng thực tế là việc kêu gọi ý thức tự giác của người dân, đặc biệt là những người có triệu chứng, hoặc là người mắc có biểu hiện rất mờ nhạt, không nghĩ là mình mắc bệnh, thì việc giãn cách xã hội quy mô lớn sẽ giữ những đối tượng nguy cơ ở nhà, không lây nhiễm cho người khác.

TS. BS Phạm Quang Thái, Phó trưởng Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương nhấn mạnh cơ chế miễn dịch của cơ thể trước sự xâm nhập của virus, theo đó, giãn cách xã hội là giải pháp quan trọng trong phòng chống dịch Covid-19.

“Chúng ta biết rằng, virus chỉ tồn tại trong cơ thể người và tồn tại rất kém ở ngoài môi trường. Do đó chỉ cần giữ đủ thời gian cho đến khi những người lành mang virus, hoặc người mang virus mà triệu chứng không rõ ràng, đã có thể tự sinh miễn dịch và tiêu diệt virus trong cơ thể thì sẽ không còn nguồn lây bệnh nữa và dịch sẽ hoàn toàn chấm dứt. Nếu có những người bị nặng thì họ sẽ sớm được phát hiện, chúng ta sẽ khoanh vùng và chấm dứt vụ dịch”, TS. BS Thái nói.

TS. BS Phạm Quang Thái, Phó trưởng Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương.

TS. BS Phạm Quang Thái, Phó trưởng Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương.

Với trường hợp như BN 251 tại Hà Nam, đây được xác định là ca bệnh phức tạp. Có khả năng xuất hiện nguồn bệnh tại địa bàn tỉnh và lây bệnh cho trường hợp này vì BN 251 không di chuyển ra khỏi tỉnh. Trước tình hình này, lực lượng y tế Hà Nam đã tiến hành khoanh vùng truy tìm nguồn lây bệnh (F0) để ngăn chặn. Do vậy, giãn cách xã hội là giải pháp quan trọng trong ứng phó với trường hợp BN 251 này.

Việc nhiều người chủ quan, vẫn tập trung đông người và không đeo khẩu trang nơi công cộng sẽ tiềm ẩn nguy cơ mà dịch vẫn tiếp tục tồn tại trong cộng đồng.

“Đến một lúc nào đấy, chúng ta sẽ phát hiện những trường hợp bệnh mà không hề có nguồn gốc lây rõ ràng”, TS. BS Phạm Quang Thái cảnh báo.

Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19 khẳng định, phải sẵn sàng cho tình huống dịch bệnh còn dài nên “cách ly xã hội” sau ngày 15/4 cần tính đến yếu tố địa bàn, nhóm đối tượng, nhóm ngành nghề với tinh thần không được chủ quan, lơi lỏng đồng thời vừa kiểm soát được dịch bệnh vừa phát triển sản xuất, kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội.

Để tránh việc người dân có tâm lý chủ quan, chính quyền địa phương cần tăng cường giám sát, hệ thống tuyên truyền cần tiếp tục vào cuộc để người dân hiểu.

TS. BS Phạm Quang Thái cũng cho rằng: “Một điều hết sức quan trọng là tạo sự yên tâm cho người dân, nhất là những người lao động phải đi làm hàng ngày để duy trì cuộc sống. Vậy thì không chỉ đơn thuần là tạo điều kiện để người dân làm việc từ xa hay là tại nhà mà cần đảm bảo cuộc sống tối thiểu cho những người yếu thế trong xã hội”./.

Thiên Bình/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/14-ngay-cach-ly-xa-hoi-phong-dich-tam-ly-nguoi-dan-van-con-chu-quan-1037069.vov