14 ngày làm khách mời lãnh đạo quốc tế tại Hoa Kỳ
Trong chương trình Khách mời lãnh đạo quốc tế tại Hoa Kỳ năm 2024 với chủ đề 'Phát triển kinh tế và môi trường dành cho lãnh đạo khối ASEAN', ông NGUYỄN ĐỨC THIỆN, Phó Trưởng ban Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh vinh dự được lựa chọn là đại diện duy nhất của Việt Nam tham dự. Phóng viên Báo Quảng Trị vừa có cuộc trò chuyện với ông để nghe chia sẻ về chuyến đi ý nghĩa này.
*Kết nối các nhà lãnh đạo toàn cầu
-Thưa ông! Khách mời lãnh đạo quốc tế (IVLP) là chương trình có nội dung và chất lượng hàng đầu trong các chương trình của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ. Là khách mời của chương trình, đề nghị ông chia sẻ với độc giả một số nội dung liên quan?
- IVLP đúng là một trong những chương trình chất lượng hàng đầu trong các chương trình của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ. Chương trình này có lịch sử 184 năm và tính đến nay đã đưa khoảng 5.000 nhà lãnh đạo khắp nơi trên thế giới đến Hoa Kỳ mỗi năm để tham gia các chương trình kéo dài trong thời gian từ 2 - 3 tuần. Tính ưu việt của chương trình này là giúp kết nối các nhà lãnh đạo toàn cầu nhằm giải quyết những vấn đề chung của thế giới, đồng thời chia sẻ những khó khăn, thử thách và giải pháp tại các quốc gia với tinh thần học hỏi, trao đổi lẫn nhau.
Sứ mệnh của IVLP là mang đến cho khách mời cơ hội trải nghiệm sự phong phú, đa dạng của đời sống chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa của Hoa Kỳ.
-Tiêu chuẩn để được lựa chọn tham gia chương trình này là gì, thưa ông?
-Người tham gia chương trình chỉ được lựa chọn khi có sự giới thiệu của các cá nhân, tổ chức liên kết với ủy ban khách mời, trong nhiều trường hợp đó là các nhân viên Đại sứ quán các nước sở tại. Sau đó, hồ sơ được chọn lọc kỹ càng bằng các quy trình nội bộ để tạo lập danh sách khách mời phù hợp với từng mục đích của các chuyến đi.
Chương trình năm nay có sự tham gia của 8 nước ASEAN như Việt Nam, Maylasia, Indonesia, Phillipines, Thái Lan, Lào, Campuchia và Singapore. Mục đích chung của chương trình là góp phần xây dựng mạng lưới các mối quan hệ giữa chuyên gia, nhà lãnh đạo với các đối tác tại Hoa Kỳ; tăng cường sự hiểu biết của khách mời về các mặt xã hội, văn hóa và chính trị của đất nước họ.
Đối với chủ đề năm nay thì mục đích chính của chương trình là: Khách mời thiết lập mối quan hệ mới với các đối tác ở Hoa Kỳ nhằm đóng góp vào quá trình xây dựng hiệu quả quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ. Nghiên cứu, tìm hiểu và thảo luận về các vấn đề phát triển xanh; tăng cường vai trò của phụ nữ trong phát triển kinh tế và các công cụ nhằm nâng cao sự hiểu biết, đánh giá, dự báo và phản ứng đối với các thảm họa tự nhiên hoặc do con người gây ra...
*Ưu tiên phát triển xanh, bền vững
- Như ông đã chia sẻ ở trên, một trong những mục đích của chương trình năm nay là nghiên cứu, trao đổi thông tin về các dự án, kế hoạch thực hiện phát triển xanh, bền vững. Đây cũng là vấn đề quan tâm chung của thế giới. Vậy ông có thể cho biết từ góc độ của doanh nghiệp Hoa Kỳ, vấn đề này được thể hiện như thế nào?
-Trong chuyến làm khách mời này, chúng tôi đã có các buổi tiếp xúc và làm việc với 18 cá nhân, tổ chức tại: TP. Seattle, bang Washington D.C; các TP. Boise và Nampa, bang Idaho của nước Mỹ với nhiều nội dung khác nhau, trong đó có các nội dung liên quan đến phát triển du lịch và môi trường.
Tại bang Idaho, chúng tôi đã tìm hiểu những nỗ lực ở cấp địa phương và cấp tiểu bang nhằm tăng cường phát triển kinh tế, thúc đẩy du lịch tại đây. Thật ngạc nhiên khi ngành du lịch tại Idaho mang lại doanh thu 3,7 tỉ USD hàng năm, có tác động lớn và ngày càng tăng lên đối với kinh tế địa phương cũng như toàn tiểu bang. Thành phố thủ đô của bang này là Boise, có dân số khoảng 470 ngàn người (đông dân nhất ở Idaho).
Một trong những điểm khiến tôi rất ấn tượng đó là chính quyền thành phố và cộng đồng dân cư hết sức quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi sinh, môi trường sống xung quanh. Tại đây, chúng tôi đã có cơ hội làm việc với Hội đồng hành động vì khí hậu của thanh niên Boise. Hội đồng này bao gồm 12 thanh niên tình nguyện dành thời gian và sức lực xây dựng diễn đàn nhằm thiết kế các sáng kiến đối với khủng hoảng biến đổi khí hậu. Ngoài ra, chúng tôi còn gặp gỡ Giám đốc Trung tâm giáo dục Jim Hall Foothills để hiểu thêm về cách mà thành phố này đã huy động ngân sách nhằm mua lại khoảng 2.500 ha đất nông nghiệp từ người dân và xây dựng các tuyến đường đi bộ kết hợp với khu bảo tồn thiên nhiên, trong đó bao gồm cả việc gìn giữ các loại động thực vật bản địa khỏi sự xâm lấn của các chủng loại ngoại lai khác.
Tại thành phố Seattle, đoàn chúng tôi có buổi làm việc với ông Vincent Valentino - cố vấn kinh tế xanh thuộc Văn phòng Phát triển Kinh tế (OED). OED là cơ quan quản lý thành phố được giao nhiệm vụ xây dựng một nền kinh tế toàn diện ở Seattle. Văn phòng này đóng vai trò trung tâm trong nỗ lực giải quyết biến đổi khí hậu tại địa phương và toàn cầu cũng như thực hiện Thỏa thuận Xanh Mới của Seattle. Những nỗ lực xây dựng nền kinh tế xanh hiện đang đóng vai rất trò quan trọng đối với sự phát triển bền vững của thành phố Seattle.
-Trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang trở thành vấn đề cấp bách của toàn cầu, việc đóng góp thực chất vào nỗ lực ứng phó với tình trạng chung này đòi hỏi sự tham gia tích cực của người dân. Vấn đề này ở Mỹ được thực hiện như thế nào, thưa ông?
-Thông qua các buổi làm việc với chính quyền, tổ chức, cá nhân ở một số bang của nước Mỹ, tôi thấy vấn đề chống biến đổi khí hậu luôn đạt được sự đồng thuận về nhận thức và hành động rất cao từ cấp chính quyền đến cộng đồng dân cư. Ở đây có các mô hình chống biến đổi khí hậu từ cấp cộng đồng, xuất phát từ các nhóm tình nguyện cho đến các chương trình lớn được tài trợ bởi chính phủ.
Ví dụ tại Seattle có Trung tâm Khẩn cấp Cộng đồng, bao gồm một nhóm tình nguyện với sứ mệnh chung là thiết lập năng lực sẵn sàng ứng phó với các thảm họa thiên nhiên tại một số cộng đồng. Trung tâm này được điều hành hoàn toàn bởi các tình nguyện viên. Nhiệm vụ của họ là giáo dục và tổ chức cho người dân trong khu vực sinh sống cụ thể chuẩn bị ứng phó với thảm họa do thiên nhiên gây ra. Thông qua việc lập kế hoạch, chuẩn bị và thực hành, các công dân tình nguyện sẽ có khả năng kích hoạt càng sớm càng tốt sau thảm họa, nhất là trong khoảng từ 0-14 ngày sau thảm họa, khi mà lực lượng phản ứng của chính phủ (trong một số trường hợp) có thể hạn chế tiếp cận.
*Giới thiệu mảnh đất Quảng Trị với bạn bè thế giới
-Nội dung gì tại chương trình này được ông chia sẻ thu hút sự quan tâm của bạn bè quốc tế?
-Trong chương trình công tác, tôi đã giới thiệu với các đối tác tại Hoa Kỳ về Việt Nam nói chung và Quảng Trị nói riêng. Tôi đã giới thiệu về tiềm năng phát triển năng lượng sạch tại Quảng Trị cũng như tính chất địa chính trị quan trọng của Quảng Trị đối với khu vực Tiểu vùng sông Mê Kông và khu vực miền Trung của Việt Nam. Bên cạnh đó, tôi còn mang theo một số sản phẩm cà phê Khe Sanh để làm quà tặng. Kết thúc chuyến đi, nhiều bạn bè quốc tế rất ngạc nhiên và đánh giá cao sản phẩm cà phê của Quảng Trị.
Trong khuôn khổ chương trình, tôi đã tham gia một số cuộc thảo luận về cách thức quản trị xã hội và tìm hiểu cách mà phía Hoa Kỳ giải quyết các vấn đề tồn tại trong quá trình quản lý nhà nước tại địa phương. Mặc dù tính áp dụng trực tiếp còn chưa cao do sự khác biệt về hệ thống, tuy nhiên những hiểu biết này giúp tôi định hình được cách thức tiếp cận với các vấn đề thực tiễn trong tương lai.
- Việc được lựa chọn tham gia chương trình Khách mời lãnh đạo quốc tế tại Hoa Kỳ hẳn đã mang lại cho ông rất nhiều điều bổ ích?
- Trước hết, thông qua nhiều hoạt động của chương trình, tôi nhận thấy chính sách đối ngoại của Việt Nam thực sự rất thành công tại Mỹ khi hầu hết các đối tác, tổ chức, cá nhân đều có sự hiểu biết nhất định về Việt Nam và sự thay đổi của đất nước ta (trong sự so sánh với hiểu biết của họ đối với những quốc gia khác). Trong đó, tôi nhận thấy các đối tác trên trường quốc tế đang đánh giá rất cao Việt Nam trong vấn đề phát triển kinh tế và chống biến đổi khí hậu.
Qua các cuộc trao đổi với chính quyền tiểu bang, tôi nhận thấy tính quan trọng của công tác tham vấn cộng đồng. Chính quyền thông qua nhiều kênh khác nhau để thu thập ý kiến cộng đồng như các cuộc họp dân cư tại tòa nhà thị chính hay tiếng nói của các tổ chức tình nguyện, các cơ quan quản lý phân tích. Từ đó, chính quyền tùy theo thẩm quyền đã đưa các yếu tố được kiến nghị vào công cụ quản lý một cách linh hoạt và có tính dự trù cao nhằm tránh các trường hợp phân biệt, đối xử trong quản lý xã hội.
-Sau chuyến đi này, ông có những đề xuất gì để góp phần thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế của tỉnh theo hướng hợp tác và bền vững?
-Thông qua chuyến đi, tôi nhận thức rõ ràng hơn về tầm quan trọng của việc xây dựng chiến lược phát triển kinh tế xanh và bền vững. Quảng Trị là một địa phương có nhiều lợi thế để thực hiện phương thức phát triển bền vững này. Chính vì vậy, tôi nghĩ rằng, chúng ta cần ban hành một chiến lược phát triển bền vững cho địa phương với mục tiêu cụ thể được thực hiện đến các mốc 2030, 2050. Trên thực tế, việc địa phương có một chiến lược phát triển như vậy sẽ giúp hình ảnh của Quảng Trị được biết đến nhiều hơn và tạo điều kiện thuận lợi để các đối tác đầu tư tích hợp vào kế hoạch phát triển kinh doanh của họ tại địa phương.
Trong một chiến lược như vậy, ngoài vấn đề phát triển kinh tế, cần tập trung phát triển “con người xanh” thông qua các hình thức giáo dục nhận thức khác nhau để khơi dậy tình yêu thiên nhiên, từ đó dẫn đến các hành động bảo vệ thiên nhiên trên cơ sở tình nguyện cộng đồng.
Bên cạnh vấn đề phát triển xanh, tôi nhận thấy chương trình thảo luận với Tổ chức Khu vực kinh tế Tây Bắc Thái Bình Dương (PNWER) đã cho thấy tầm quan trọng của kinh tế xuyên biên giới, đặc biệt khi nền kinh tế này được xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của các địa phương có đường biên giới chung.Đối với Quảng Trị, khu vực kinh tế phía Tây luôn được đánh giá cao về tiềm năng phát triển kinh tế xuyên biên giới. Tuy vậy kết nối hạ tầng vẫn còn là điểm nghẽn khiến việc khai thác tiềm năng này còn tương đối hạn chế. Vì vậy, tôi đề xuất lãnh đạo tỉnh chỉ đạo nghiên cứu việc tích hợp các cơ sở hạ tầng quan trọng trong Quy hoạch tỉnh và Quy hoạch huyện Hướng Hóa, huyện Đakrông theo hướng gắn tầm nhìn đưa khu vực phía Tây Quảng Trị trở thành đầu mối liên thông quốc tế, khu vực. Cụ thể, bên cạnh việc thúc đẩy hiện thực hóa các dự án cơ sở hạ tầng đã được đề xuất, cần nghiên cứu vào quy hoạch huyện Hướng Hóa (tầm nhìn năm 2050) một sân bay thương mại với năng lực vận chuyển tương đương với sân bay Liên Khương của tỉnh Lâm Đồng.
Và tất nhiên, trong xây dựng quy hoạch khu vực các huyện phía Tây tỉnh Quảng Trị cần tính toán tiềm năng xúc tiến đầu tư và phát triển không chỉ trong tỉnh, trong nước mà còn tại các tỉnh liền kề biên giới như Savannakhet, Salavan với phạm vi dự tính khoảng từ 20-30 năm. Từ các phân tích trên, chúng ta có thể hỗ trợ phía Lào kêu gọi một số doanh nghiệp nghiên cứu đầu tư các dự án du lịch, dịch vụ như sân golf, sòng bài hoặc dự án năng lượng gần khu vực biên giới với Quảng Trị để vừa vun đắp mối quan hệ hữu nghị, vừa tạo điều kiện thúc đẩy các dự án đầu tư tại huyện Hướng Hóa, Đakrông trong tương lai.
Trong quá trình tiếp xúc, tôi nhận thấy các đối tác Hoa Kỳ đã có sự nhận thức và cam kết rất rõ ràng về vai trò của năng lượng sạch với phát triển kinh tế. Vì vậy, Quảng Trị cần tiếp tục tuyên truyền lợi thế về phát triển năng lượng sạch. Tín chỉ carbon cũng là vấn đề cần quan tâm để thúc đẩy thực hiện, mặc dù thị trường tín chỉ carbon là thị trường chung nhưng các dự án đầu tư sẽ quan tâm hơn nếu chúng ta có năng lực cung cấp tín chỉ tại địa phương.
-Xin cảm ơn ông!
Phan Hoài Hương (thực hiện)