'14 ngày ở khu cách ly là quãng thời gian an toàn nhất'
Đó là chia sẻ của bà Phạm Thị Lệ Hương (70 tuổi) ngụ ở thành phố Nantes - Pháp sau 14 ngày cách ly ở trường Quân sự Quân khu 7.
Chỉ 14 ngày ngắn ngủi nhưng tình cảm giữa quân và dân trong khu cách ly của Quân khu 7 thắt chặt hơn. Những người rời khu cách ly, họ gửi gắm những lời cảm ơn đến những người chiến sỹ, những bác sĩ không quản ngày đêm vất vả, đã quan tâm đến từng bữa cơm, giấc ngủ, đến sức khỏe của nhân dân trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh Covid-19.
Gần 200 người cuối cùng vừa rời khỏi khu cách ly tập trung tại trường Quân sự Quân khu 7 (quận 12, TPHCM) đã được về với gia đình. Sau khi nhận giấy chứng nhận hết thời gian cách ly, mọi người kéo va ly chứa đồ dùng cá nhân đi qua khu vực phun khử khuẩn, trước khi được các chiến sỹ hỗ trợ đưa lên xe ô tô đang chờ sẵn để đưa họ về với gia đình, hoặc đến sân ga.
Cầm “Giấy chứng nhận hoàn thành việc cách ly phòng bệnh Covid-19”, đôi mắt của cô gái 20 tuổi, Phạm Thị Yến Nhi, ánh lên niềm vui. Yến Nhi về Việt Nam ngày 18/3/2020 và được đưa vào khu cách ly tập trung của trường Quân sự Quân khu 7.
Ban đầu, khi nói đến khu cách ly, Nhi rất lo, vì ban đầu cô nghĩ rằng, ở đây sẽ cực khổ lắm, phải lao động chân tay và ăn uống không được thoải mái. Sự e ngại ban đầu rồi cũng nhanh chóng biến mất khi cô được chăm sóc đầy đủ, không ai can thiệp vào thời gian riêng tư của mình. 2 tuần cách ly, Nhi cũng có thêm nhiều người bạn. Do phải đến tận ngày 7/4 mới đặt được vé về Đà Nẵng nên cô sẽ tiếp tục ở lại trường.
Bà Phạm Thị Lệ Hương (70 tuổi) ngụ ở thành phố Nantes của Pháp kể, khi Covid-19 bùng phát, 4 người trong gia đình con gái của bà bị cảm cúm. Đứa cháu nhỏ tuổi nhất của bà không thể nhập viện vì bệnh viện ở Pháp quá tải, bác sỹ gia đình đến nhà khám cũng chỉ cho thuốc thông thường. Lo cho con cháu nhưng con gái ngăn bà không được đến nhà vì sợ bị dịch Covid-19. Thời điểm dịch bệnh căng thẳng, cả nước Pháp bao trùm nỗi sợ hãi, các con của bà Hương ở Việt Nam sốt ruột thúc giục mẹ về nước.
Ngày ra sân bay, lên chuyến cuối cùng rời Paris thì cũng là lúc Tổng thống Pháp ra lệnh phong tỏa đất nước. Khi máy bay đến sân bay Tân Sơn Nhất, bà Hương được đưa đến khu cách ly tập trung ở trường Quân sự Quân khu 7. Ở khu cách ly, bà Hương cũng như mọi người được thăm khám mỗi ngày 2 lần; mỗi người được phát một bộ đồ dùng sinh hoạt cá nhân, món ăn thay đổi thường xuyên và đều được các chiến sỹ đưa đến tận phòng....
Với bà Hương, 14 ngày ở khu cách ly là quãng thời gian an toàn nhất và nếu phải cách ly thêm 10 ngày nữa thì bà Hương vẫn vui vẻ ở lại.
Trường Quân sự Quân khu 7 (tại quận 12) và Sư đoàn 317 (tại huyện Hóc Môn) là hai trong năm điểm cách ly tập trung của Bộ Tư lệnh Quân khu 7 ở TPHCM, với gần 1.100 công dân. Hai đơn vị này đã dành những nơi tốt nhất để những người cách ly yên tâm sinh hoạt trong thời gian 14 ngày. Cũng từ khi có người cách ly đến, cuộc sống của những học viên, chiến sỹ có nhiều thay đổi.
Nếu trước đây, các chiến sỹ có thể thư thả vừa tắm giặt vừa hát thì nay tất cả phải làm nhanh, gói gọn trong 15 phút. Còn ở đội bếp của Sư đoàn 317, ngoài phục vụ suất ăn cho chiến sỹ thì còn phải làm thêm suất ăn cho các công dân cách ly. Bởi vậy, anh em quân bếp phải dậy từ 3 rưỡi sáng để chuẩn bị. Khi suất ăn trưa vừa xong thì đội bếp lại chuẩn bị cho kịp bữa tối.
Nguyễn Minh Đăng - quân bếp Tiểu đoàn 10, Sư đoàn 317 chia sẻ, lâu nay suất ăn của các chiến sỹ khá đơn giản, giờ phục vụ thêm công dân cách ly nên cũng lo lắng, nhất là chọn thực phẩm thế nào để làm sao mỗi suất ăn đủ dinh dưỡng, đảm bảo sức khỏe cho mọi người.
“Phần ăn đa dạng hơn so với thường ngày, phong phú và đầy đủ chất dinh dưỡng cho cả chiến sỹ và người bị cách ly. Trực tiếp trao tận tay phần cơm cho người bị cách ly, thấy nụ cười nở trên môi và lời cảm ơn của họ khiến tôi có thêm động lực để hoàn thành tốt nhiệm vụ” - Minh Đăng chia sẻ.
Trường Quân sự Quân khu 7 là nơi cách ly của đa số công dân Việt Nam về từ châu Âu, trong đó có 50 người nước ngoài đến từ 15 quốc gia khác nhau. Đại tá Đặng Văn Cảnh – Phó Hiệu trưởng trường Quân sự Quân khu 7 cho biết, do có 875 người bị cách ly nên trường phải huy động 90 học viên để phục vụ.
Đa số người cách ly thực hiện đúng nội quy, quy định, nhưng do số người đông nên trường gặp khó khăn, như: sự bất đồng về ngôn ngữ và tìm món ăn phù hợp với công dân người nước ngoài, và nhất là cách ứng xử với những yêu cầu thái quá của một số người cách ly. Với tinh thần vì nhân dân phục vụ, các chiến sỹ trường Quân sự Quân khu 7 đã cùng các lực lượng chống dịch Covid-19 bước đầu hoàn thành nhiệm vụ.
“Thời gian suốt 20 ngày qua thì, toàn bộ anh em chiến sỹ không có đồng chí nào được về nhà. Họ tạm biệt gia đình để cùng tập trung lo chống dịch, với tinh thần vì nhân dân mà phục vụ. Trên tinh thần chỉ đạo của lãnh đạo Quân khu 7, đó là làm sao trong đợt dịch này phải trọn vẹn tuyệt đối an toàn”.
Và, sau 14 ngày, khi những người cách ly được trở về với gia đình, người thân thì nhưng những cán bộ, chiến sỹ lực lượng Quân khu 7 vẫn chưa được nghỉ ngơi. Họ lại tiếp tục chuẩn bị cho nhiệm vụ mới trong cuộc chiến chống giặc Covid-19./.
Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/14-ngay-o-khu-cach-ly-la-quang-thoi-gian-an-toan-nhat-1032975.vov