14 thi thể bị chôn vùi 4.000 năm dưới chân công trình, chuyên gia xót xa: Tình mẫu tử thiêng liêng quá!
Các nhà khảo cổ đã tìm thấy tổng cộng 14 bộ xương người, hài cốt nhỏ nhất chỉ mới 2 tuổi khi qua đời.
Năm 1999, người dân tỉnh Thanh Hải, Trung Quốc tình cờ phát hiện ra một số lượng hài cốt khá lớn bên dưới một công trường đang thi công. Ngay khi phát hiện ra, người dân đã báo ngay cho Viện khảo cổ học ở địa phương nhằm có phương án di chuyển số hài cốt này.
Một đội khảo cổ nhanh chóng được thành lập bởi Viện Khoa học xã hội Trung Quốc và Viện Di tích Văn hóa. Qua quá trình điều tra và nghiên cứu sử liệu, số hài cốt này được kết luận là hậu quả của một vụ động đất xảy ra vào khoảng 4.000 năm trước.
Theo số liệu, toàn bộ di chỉ Lạt Gia có tổng diện tích khoảng 400.000 mét vuông, khu vực trọng điểm là 200.000 mét vuông, tọa lạc tại thôn Lạt Gia, thị trấn Quan Đình, huyện Minh Hòa, tỉnh Thanh Hải, nằm ở thượng nguồn của sông Hoàng Hà.
Đây là một khu định cư thuộc thời kỳ đồ đá mới, cũng là địa điểm có thảm họa thiên nhiên quy mô lớn duy nhất ở Trung Quốc được phát hiện cho đến nay.
Tại địa điểm số 4 của di chỉ Lạt Gia, các nhà khảo cổ đã tìm thấy tổng cộng 14 bộ xương người, hầu hết là bộ xương nhỏ, bộ xương nhỏ nhất được xác định chỉ mới 2 tuổi.
Vì trận động đất ập đến quá nhanh, gia đình không kịp phản ứng nên những bộ hài cốt này đều ở trạng thái vô cùng thảm thương, có người ngồi, có người bò dưới đất, có người nằm nghiêng, nhưng ấn tượng nhất trong số đó, là một người mẹ với đứa con trong vòng tay.
Người mẹ ôm chặt đứa con của mình, ngẩng đầu lên, như cầu xin một điều kỳ diệu, các nhà khảo cổ đứng trước cảnh tượng này đều xúc động không nói nên lời.
Tiến hành xét nghiệm ADN, chuyên gia phát hiện 14 bộ hài cốt có quan hệ huyết thống với nhau. Đồng thời, các chuyên gia cũng phân tích rằng những người này có quan hệ mật thiết với dân tộc Hán hiện đại và những người nói tiếng Miến.
Các nhà khảo cổ hiện trường còn tìm thấy một khám phá quan trọng - tô mì nghìn năm tuổi. Phát hiện cho thấy con người hơn 4.000 năm trước đã sử dụng hạt kê để làm mì. Khám phá này đã biến di chỉ Lạt Gia trở thành trong số 10 phát hiện khảo cổ hàng đầu Trung Quốc vào thời điểm đó.