145 thí sinh tham gia Kỳ thi đánh giá năng lực tiếng Hàn SKA
Viện King Sejong Đà Lạt là cơ sở đào tạo cung ứng nguồn nhân lực tiếng Hàn chất lượng cao góp phần quan trọng phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Lâm Đồng.

Các thí sinh tự tin và sẵn sàng bước vào kỳ thi
Chiều ngày 29/3, tại Trường Đại học Đà Lạt, Viện King Sejong Đà Lạt tổ chức kỳ thi Đánh giá năng lực tiếng Hàn Sejong (SKA) lần thứ 8 năm 2025 cho 145 thí sinh là sinh viên năm 3, năm 4 của Trường Đại học Đà Lạt, Đại học Yersin, ngành Đông Phương Học và học viên của Viện King Sejong Đà Lạt. Kỳ thi thứ 8 năm 2025 của Học viện King Sejong diễn ra tại 22 chi nhánh trên toàn thế giới. Kỳ thi diễn ra gồm 4 phần: Nghe (50 phút), Đọc (50 phút), Viết (50 phút) và Nói (mỗi thí sinh thi 20 phút).

Giám thị thu bài làm của thí sinh sau khi kết thúc một nội dung thi
SKA là công cụ đánh giá năng lực giao tiếp tiếng Hàn của người học theo hình thức đánh giá theo giai đoạn. Đây là hình thức đánh giá ngôn ngữ năng lực tiếng Hàn, cung cấp các câu hỏi phù hợp với trình độ của thí sinh đầu tiên của Hàn Quốc áp dụng theo phương pháp đánh giá này. SKA đánh giá một cách tổng hợp toàn bộ các kỹ năng của thí sinh với 4 kỹ năng Nghe, Đọc, Viết, Nói. Theo đó, ứng dụng công nghệ chấm điểm tự động sử dụng trí tuệ nhân tạo hướng đến mục tiêu đánh giá hiệu quả và độ chính xác cao. SKA được tổ chức ba lần trong năm 2025 vào tháng 3, 6, 9, thí sinh có thể đăng ký dự thi bằng hình thức online hoặc trực tiếp. Chứng nhận của SKA có thể được công nhận để làm điểm tốt nghiệp, tiêu chí nhập học ở các trường đại học của Hàn Quốc như Yonsei, Korea, hoặc nộp đơn xin việc và xin học bổng.

Nghiêm túc làm bài thi thứ hai đảm bảo đúng quy chế
Viện King Sejong Đà Lạt được thành lập từ năm 2021, là đơn vị chuyên đào tạo ngôn ngữ và văn hóa Hàn Quốc theo chuẩn chương trình đào tạo của Quỹ Học viện King Sejong trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hàn Quốc. Cơ sở đào tạo này đóng tại Trường Đại học Đà Lạt, một trung tâm lớn về đào tạo, nghiên cứu khoa học với hơn 65 năm hình thành, phát triển. Viện hướng tới tiêu chuẩn quốc tế trong lĩnh vực đào tạo tiếng Hàn và văn hóa Hàn Quốc. Trong đó đặt ra mục tiêu chính: cung cấp nguồn nhân lực có trình độ tiếng Hàn, am hiểu văn hóa Hàn Quốc phục vụ nhu cầu phát triển nguồn nhân lực có trình độ ngoại ngữ trong khu vực và cả nước; phối hợp với các cơ quan, tổ chức của Hàn Quốc đang hoạt động tại Việt Nam và các cơ quan, tổ chức chính trị - xã hội ở địa phương tổ chức các hoạt động giao lưu, trao đổi văn hóa; lan tỏa niềm đam mê tìm hiểu và nghiên cứu về văn hóa và ngôn ngữ Hàn Quốc; tạo điều kiện cho các giảng viên, học giả nghiên cứu chuyên ngành Hàn Quốc học được tiếp cận phương pháp giảng dạy và nghiên cứu hiện đại, hiệu quả. Cùng với đó, tạo môi trường thuận lợi để sinh viên trong Trường Đại học Đà Lạt tìm hiểu, thực hành ngôn ngữ và văn hóa Hàn Quốc, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo của Trường Đại học Đà Lạt. Đây là điều kiện rất thuận để tỉnh Lâm Đồng phát triển kinh tế-xã hội trong quá trình hội nhập quốc tế, đặc biệt là phát triển ở những mũi nhọn kinh tế của địa phương như du lịch, văn hóa và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao...

Lưu lại kỷ niệm của một kỳ thi đánh giá năng lực tiếng Hàn SKA
Sự kết nghĩa giữa thành phố Đà Lạt và thành phố Chuncheon, tỉnh Gangwon của Hàn Quốc đến nay bước sang năm thứ 6 đã thúc đẩy hợp tác trên nhiều lĩnh vực có hiệu quả. Đặc biệt từ khi thành phố Đà Lạt trở thành Thành phố Sáng tạo lĩnh vực Âm nhạc của UNESCO, nhiều chương trình giao lưu giữa hai nền văn hóa-nghệ thuật Việt Nam và Hàn Quốc được phát huy. Cùng với những lợi thế về địa du lịch, thành phố Đà Lạt là một trong những điểm đến quan trọng của du khách Hàn Quốc. Thông tin từ lãnh đạo Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng cho biết, năm 2024, lượng khách Hàn Quốc đến tỉnh Lâm Đồng-Đà Lạt là 380.000 lượt, chiếm khoảng 63% khách quốc tế.