15 loài vật làm nên lịch sử trong các cuộc chiến tranh
Ngựa là con vật đóng vai trò vô cùng quan trọng trong lịch sử chiến tranh. Các nhà khảo cổ học đã tìm thấy bằng chứng về việc sử dụng ngựa trong các trận chiến của dân du mục từ 5.000 nãm trước trên các thảo nguyên ở Trung Á và Ðông Âu, nơi đầu tiên thuần hóa được ngựa.
6. Ngựa
Một số gò mộ "kurgan" (mộ tiền sử, có khoảng năm 3000 TCN) chứa hài cốt những con ngựa bị hiến tế cùng với dây cương, yên ngựa và vũ khí. Những ngôi mộ cùng khu vực, có niên đại khoảng năm 2000 TCN, chứa những chiếc xe ngựa kéo sớm nhất.
Việc sử dụng ngựa trong chiến tranh cũng được ghi lại trong các tài liệu lịch sử cổ đại vào khoảng năm 2500 TCN, cho thấy những con ngựa hoặc lừa kéo một toa xe kéo bốn bánh. Từ khoảng năm 1600 TCN, nền văn minh Hittite hùng mạnh ở Anatolia nổi tiếng vì sử dụng những xe ngựa, cung và giáo trong chiến tranh như một nền tảng ổn định để chiến đấu. Và trong những thế kỷ tiếp sau, xe ngựa cũng đã được sử dụng từ Ai Cập cổ đại đến Trung Quốc cổ đại.
Một trong những câu chuyện chiến tranh đầu tiên của thế giới, "Iliad" của Homer từ khoảng 800 năm TCN, đã mô tả các anh hùng của Chiến tranh Trojan đã lái xe ngựa vào chiến trường, trước khi xuống đất chiến đấu trên 2 chân. Theo lời Homer, xứ Troy nổi tiếng với những con ngựa tuyệt vời của Vua Priam, và thủ đoạn Con ngựa Trojan đã quyết định số phận của thành phố.
Việc phát minh ra chiếc yên ngựa và bàn đạp thích hợp, cùng với những con ngựa lớn hơn có thể giúp mang những kỵ sĩ trang bị giáp nặng, giúp các chiến binh một lợi thế quyết định. Những chiếc bàn đạp đơn giản đã được sử dụng ở Ấn Độ và Trung Quốc từ khoảng năm 500 TCN, và việc sử dụng kỵ binh hạng nặng phổ biến ở các vương quốc Median và Ba Tư của Iran cổ đại cùng thời điểm.
Ngựa và kỵ binh đã đóng một vai trò quan trọng trong hầu hết các cuộc chiến lớn kể từ đó - từ những cuộc chiến tranh gần như không hồi kết của thế giới hậu La Mã, đến các cuộc xâm lăng của người Hung nô và Mông Cổ, cuộc chinh phạt của Hồi giáo và các cuộc Thập tự chinh…
7. Cá heo
Hải quân Mỹ đã huấn luyện cá heo cổ chai thực hiện tuần tra biển từ những năm 1960, sau khi chúng được xác nhận về trí thông minh và khả năng quân sự trong một chương trình kiểm tra 19 loài động vật khác nhau, trong đó có các loài chim và cá mập.
Tài sản quân sự của một con cá heo là khả năng định vị bằng âm thanh rất chính xác, nó cho phép xác định các vật thể dưới nước mà thợ lặn không nhìn thấy được. Cá heo cũng sử dụng mắt khi ở trong nước, nhưng bằng cách phát ra một loạt tiếng rít cao và lắng nghe những tiếng dội lại, chúng có thể xác định được hình ảnh của vật thể dù không nhìn thấy.
Cá heo Hải quân Mỹ được triển khai với đội ngũ nhân viên tuần tra của hải cảng và các khu vực vận chuyển khác để tìm kiếm các mối đe dọa như mìn biển hoặc "bom limpet" gắn trên thân tàu chiến. Cá heo được huấn luyện để phát hiện những đồ vật kỳ lạ và báo cáo lại cho người điều khiển bằng một kiểu trả lời "có" và "không". Người điều khiển có thể theo dõi câu trả lời "có" bằng cách gửi cá heo đi đánh dấu vị trí của vật thể bằng đường phao.
Những khả năng đánh dấu mìn này rất có ích trong Chiến tranh vùng Vịnh Ba Tư và trong Chiến tranh Iraq, khi cá heo hải quân giúp làm sạch mìn từ cảng Umm Qasr ở miền Nam Iraq. Cá heo Hải quân Mỹ cũng được huấn luyện để giúp những người gặp nạn dưới nước, và tìm những thợ lặn hoặc đội bơi của đối phương. Tuy nhiên, Hải quân Mỹ phủ nhận tin đồn họ đã huấn luyện cá heo tấn công hoặc sử dụng vũ khí dưới nước.
8. Ong
Những người Hy Lạp cổ và người Rôma cổ được cho là những người đầu tiên biết đến sử dụng ong làm vũ khí chiến tranh. Những kẻ tấn công đôi khi ném những tổ ong qua bức tường của các thành phố bị bao vây. Những người bảo vệ thành Themiscyra, một thị trấn Hy Lạp nổi tiếng với nghề nuôi ong, đã đánh bại cuộc tấn công của người La Mã vào năm 72 TCN bằng cách xua bầy ong qua các đường hầm được đào dưới những bức tường thành.
Người La Mã dường như có một lịch sử xấu với lũ ong. Năm 69 TCN, các Heptakometes của vùng Trebizond ở Thổ Nhĩ Kỳ đã lừa đoàn quân xâm lược của vị tướng Pompey La Mã bằng cách đặt những tổ ong đầy mật độc dọc theo tuyến đường hành quân của họ. Các nhà hóa học ngày nay cho rằng chất độc là grayanotoxin có thể hình thành trong mật ong. Chất này hiếm khi gây tử vong cho con người, nhưng làm cho họ ốm yếu, và các Heptakometes đã có thể dễ dàng đánh bại những người La Mã đang bị ói mửa, loạng choạng.
Tại trận Tanga, ở Đông Phi của Đức (nay là Kenya) trong Thế chiến I, cả quân đội Anh xâm lược và người Đức phòng thủ đều bị những bầy ong giận dữ tấn công, khiến quân Anh thất bại khi một bầy ong đã chặn một trong những trung đoàn bộ binh của họ. Người Anh lúc đó đã miêu tả cuộc tấn công bằng ong như là một âm mưu đen tối của người Đức, nói họ sử dụng những sợi dây để làm trầy xước các tổ ong.
Trong cuộc chiến tranh Việt Nam những năm 60, 70, quân du kích đã đặt những tổ ong mật khổng lồ châu Á, ong khoái, dọc theo những con đường mòn mà quân địch hay đi tuần tra. Một du kích đợi gần đó, khi quân địch “lọt vào ổ phục kích”, sẽ tìm cách đánh động một tổ ong để chúng ùa ra tấn công quân địch.
9. Trâu bò
Trâu bò là một trong những sức mạnh không thể chống lại được của thiên nhiên. Chúng đã được sử dụng nhiều lần trong lịch sử chiến tranh trong nỗ lực nghiền nát các lực lượng thù địch - nhưng thường có kết quả hỗn tạp.
Tại trận Tondibi ở Tây Phi vào năm 1591, bên phòng thủ là quân đội của Đế quốc Songhai đã xua khoảng 1.000 con trâu bò chạy về phía bộ binh Morocco - một thủ thuật đã từng thu kết quả tốt trong quá khứ chống lại những kẻ thù không có súng. Nhưng khi người Morocco đã có súng thì họ bắn súng khiến lũ trâu bò hoảng sợ và chạy ngược lại phía quân đội Songhai, khiến quân Songhai thua cuộc và cuối cùng mất quyền kiểm soát đế quốc của họ.
Năm 1671, cướp biển Henry Morgan (sau đó là Sir Henry, và Thống đốc của Jamaica), đã đưa một đội quân gồm 1.000 tên cướp biển và những kẻ đánh cá tự do đến tấn công thành phố Panama thuộc địa của Tây Ban Nha. Những người Panama chỉ có 1.200 quân để bảo vệ thành phố, nhưng họ cũng đã triển khai một đàn 2.400 trâu bò hoang dã để giẫm đạp đội quân cướp biển.
Tuy nhiên, những tên cướp biển đã núp sau một vùng đất ngập nước, làm cho những người kỵ binh Panama và trâu bò không thể tấn công. Những con bò rừng hoang dã cuối cùng cũng được triển khai vào cuối trận, nhưng những tên cướp biển đã xoay xở để xua tan những cơn giẫm đạp bằng cách vẫy cờ huyên náo và bắn súng. Cuối cùng, những con thú tội nghiệp đã bị bắn hạ.
Morgan và quân đội cướp biển đã chiếm thành phố Panama, nơi bị đốt cháy bí ẩn vài ngày sau đó. Có tin đồn rằng chính Morgan đã ra lệnh đốt thành phố để quân đội cướp biển say rượu của ông buộc phải di chuyển đến nơi khác.
10. Muỗi
Cuối Thế chiến II, lực lượng quân đội Đức kiểm soát Ý đã ra lệnh gây lũ lụt tại Pontine Marshes ở phía nam Rome, nhằm tạo ra một đầm lầy đầy rẫy muỗi sốt rét hòng làm chậm tiến trình của phe Đồng minh. Các đầm lầy đã được hút khô theo một dự án phát triển lớn trong những năm 1920 và 1930. Nhưng sau khi Ý về phía Đức vào năm 1943 và lực lượng Đức nắm quyền kiểm soát đất nước, họ đã ra lệnh cho dừng các máy bơm hút nước ở các đầm lầy.
Chẳng bao lâu các đầm lầy bắt đầu đổ đầy nước lợ, mà các nhà khoa học ủng hộ phát xít đã tiên đoán sẽ khuyến khích sự sinh sôi của loài muỗi sốt rét Anopheles labranchiae, cũng như gây ra thiệt hại lâu dài cho nông nghiệp của khu vực.
Trong những tháng tiếp theo, phe Đồng minh và Đức đã chiến đấu với nhau trong một số “Trận đánh đầm lầy" ở vùng Pontine Marshes. Vì nước và bùn sâu hơn, cộng với nạn dịch sốt rét đã ảnh hưởng xấu tới cả hai phía. Nhưng cuối cùng, muỗi và sốt rét không đủ để ngăn chặn sự tiến quân của phe Đồng minh. Sau chiến tranh, đầm lầy Pontine đã được hút ráo nước một lần nữa, và khu vực đã không còn sốt rét kể từ năm 1950.
(Còn tiếp)