15 máy bay, 105 tàu thuyền được huy động sẵn sàng cứu nạn khi bão số 5 đổ bộ đất liền sáng 12/9

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng, thách thức lớn nhất hiện nay là bão số 5 đổ bộ đất liền trong giai đoạn dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp. Vì vậy, trong chỉ đạo cần quyết liệt, cách làm phải khác và kịch bản cũng đòi hỏi chi tiết hơn.

Ngư dân ven biển TP Đà Nẵng di chuyển thuyền thúng vào nơi an toàn tránh bão số 5. Ảnh: Nguyên Thảo.

Ngư dân ven biển TP Đà Nẵng di chuyển thuyền thúng vào nơi an toàn tránh bão số 5. Ảnh: Nguyên Thảo.

Chiều 11/9, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai (PCTT) tổ chức họp trực tuyến với các bộ ngành, địa phương ứng phó với bão số 5 và mưa lũ lớn. Thông tin tại cuộc họp, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia Mai Văn Khiêm cho biết, đầu giờ chiều nay (11/9), bão số 5 cách bờ khoảng 130km. Cường độ bão ở cấp 9. Hiện, bão tiếp tục di chuyển chậm. Dự báo trong 6 - 12 giờ tới di chuyển hướng Tây và suy yếu dần xuống cấp 8 trước khi đổ bộ đất liền vào sáng 12/9.

Do ảnh hưởng của bão số 5, ở đảo Lý Sơn đã có gió mạnh. Đà Nẵng đã ghi nhận gió mạnh giật cấp 5 - 6. Mưa đã xuất hiện từ đêm qua tại nhiều tỉnh, TP khu vực miền Trung. Ít nhất 1 người đã bị chết do lũ cuốn và nhiều nhà dân, công trình dân dụng, hạ tầng giao thông bị hư hỏng…

Đại tá Phạm Hải Châu - Phó Chánh Văn phòng Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cho biết, Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng đã kêu gọi, kiểm đếm 100% tàu thuyền vào nơi tránh trú an toàn. Đặc biệt, 15 máy bay, 105 tàu thuyền và hơn 500.000 cán bộ, chiến sĩ đã được các đơn vị điều động, chuẩn bị sẵn sàng để phục vụ công tác tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn trên biển.

Bão số 5 sẽ suy yếu dần khi đổ bộ đất liền vào sáng 12/9.

Bão số 5 sẽ suy yếu dần khi đổ bộ đất liền vào sáng 12/9.

Chia sẻ tình hình chống dịch tại địa phương, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh cho biết, vừa chống bão vừa chống dịch là điều chưa từng có trước đây. Do vậy, địa phương xác định công tác phòng, chống cần có những sự quyết tâm cao hơn. Đến chiều 11/9, TP đã test Covid-19 cho toàn bộ ngư dân, sẵn sàng di dời đến địa điểm an toàn. Ngoài ra, cũng đã kiểm tra các điểm có nguy cơ ngập úng để sẵn sàng ứng phó…

Trong khi đó, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã chỉ đạo lên phương án sơ tán người dân vùng ảnh hưởng theo phương châm 4 tại chỗ. Công ty cây xanh và điện lực của tỉnh đã tổ chức cắt tỉa và kiểm tra để bảo đảm an toàn hệ thống lưới điện… Địa phương đề nghị người dân hạn chế ra đường trong thời gian bão đổ bộ. Ngoài ra, 100 tấn gạo và 100 tấn mỳ ăn liền cũng đã được dự trữ để sẵn sàng cung ứng cho người dân trong bão số 5…

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng, thách thức lớn nhất hiện nay là bão số 5 đổ bộ đất liền trong giai đoạn dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp. Vì vậy, trong chỉ đạo cần quyết liệt, cách làm phải khác và kịch bản cũng đòi hỏi chi tiết hơn.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nhận định, cường độ bão số 5 khi đổ bộ đất liền không quá lớn, nhưng mưa lũ thì rất đáng lo ngại. Sở dĩ vậy là bởi bão di chuyển chậm nên thời gian mưa sẽ nhiều, dẫn đến các nguy cơ ngập úng, lũ lụt.

Nguyên tắc chống bão số 5, theo Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp là hạn chế tối đa di dân khi không thực sự cần thiết để tránh nguy cơ lây lan dịch Covid-19. Nếu bắt buộc phải di dân thì cố gắng di dân tại chỗ (xã phường nào thì di dân ở tại xã phường đó).

Từ nay cho đến tối, các địa phương tập trung test nhanh, bảo đảm khu cách ly cho ngư dân. Tuyệt đối không để người dân trên lồng bè, chòi canh... Đồng thời, rà soát lại khu vực có nguy cơ ngập lụt để có phương án đảm bảo tài sản, tính mạng cho người dân.

Trọng Tùng

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/15-may-bay-105-tau-thuyen-duoc-huy-dong-san-sang-cuu-nan-khi-bao-so-5-do-bo-dat-lien-sang-129-434447.html