15 năm của dòng máy bay chiến đấu thế hệ 4 ++ thành công hàng đầu thế giới
Cách đây 15 năm, vào năm 2008, máy bay chiến đấu thế hệ 4++ Su-35S đã thực hiện thành công chuyến bay thử đầu tiên.
Đây là dấu mốc quan trọng không chỉ của hãng chế tạo Sukhoi, mà còn đánh dấu sự ra đời của một trong những mẫu máy bay chiến đấu chủ chốt của Không quân-vũ trụ Nga hiện nay, cũng như có tiềm năng xuất khẩu lớn trên thị trường quốc tế.
Kế thừa di sản của gia đình Su-27
Su-35S là sự kết hợp giữa công nghệ khí động học tuyệt vời của gia đình máy bay chiến đấu Su-27, hệ thống điện tử hàng không tiên tiến, radar hàng không mạnh mẽ (Irbis) và động cơ phản lực AL-41F1S có khả năng thay đổi vector lực đẩy (TVC) tạo khả năng cơ động tuyệt vời ở tốc độ thấp. Ngoài ra, dòng máy bay này còn được tích hợp nhiều công nghệ của dòng máy bay thế hệ thứ 5 Su-57 Felon.
Dù chưa được trang bị công nghệ radar mảng định pha chủ động (AESA) hiện đại như xu thế chung của máy bay chiến đấu phương Tây, nhưng Su-35S lại sử dụng hệ thống radar mảng pha quét cơ khí Irbis cải tiến. Radar công suất lớn giúp Su-35S có thể phát hiện và theo dõi các mục tiêu có tiết diện phản xạ 3m vuông ở khoảng cách 350-400km. Đối với các mục tiêu có tiết diện phản xạ nhỏ khoảng 0,01m vuông (tương tự như máy bay thế hệ thứ 5 F-22 Raptor), Irbis có khả năng phát hiện ở khoảng cách 90km. Trong điều kiện tác chiến tiêu chuẩn, Irbis có thể theo dõi và dẫn bắn cùng lúc tới 8 mục tiêu.
Một trong những cải tiến khác trên Su-35S là động cơ phản lực AL-41F1S (Sản phẩm 117C). Nhờ khả năng cung cấp lực đẩy vượt trội, AL-41F1S giúp Su-35S có thể đạt tốc độ bay siêu âm mà không cần bật chế độ đốt tăng lực (tiết kiệm nhiên liệu).
Điểm nâng cấp đáng kể nhất của máy bay Su-35S so với các máy bay chiến đấu truyền thống của Liên Xô và Nga trước đó là việc tối ưu hóa hiển thị thông tin trong buồng lái. Toàn bộ thông tin về hoạt động của máy bay đều được tổng hợp và hiển thị trên 3 màn hình lớn trong buồng lái, trên HUD và trên cả mũ bay của phi công. Việc cấp điện cho các hệ thống hoạt động trên khoang của Su-35S được thông qua một động cơ turbin độc lập thay vì lai từ động cơ phản lực chính. Việc tách biệt này giúp Su-35S có khả năng phản ứng tốt hơn trong các tình huống chiến đấu.
Hỏa lực của Su-35S vẫn rất mạnh mẽ như những người tiền nhiệm, nhưng được mở rộng hơn, đa mục đích hơn nhờ những cải tiến đáng kể của hệ thống điện tử trên khoang. Ngoài các vũ khí không đối không truyền thống, Su-35S có thể mang nhiều loại vũ khí tấn công mặt đất chính xác cao, đáp ứng khả năng tác chiến đa nhiệm mới.
“Trên máy bay Su-35S đã thể hiện bước tiến cách mạng trong lĩnh vực hàng không quân sự Nga với những cải tiến sâu, thậm chí là nhiều công nghệ mới trong hệ thống điện tử, quản lý thông tin trên khoang”, Phó giám đốc Trung tâm phân tích Chiến lược và công nghệ Nga, Konstantin Makiyenko đánh giá.
Hiệu quả được minh chứng qua thực chiến
Tham gia chiến dịch chống khủng bố tại Syria từ năm 2014, máy bay Su-35S đã chứng minh hiệu năng chiến đấu ưu việt của mình so với các sản phẩm cùng loại trên thế giới. Đây là đánh giá chung của nhiều chuyên gia quân sự quốc tế.
Tần suất cất cánh chiến đấu của máy bay Su-35S tại Syria đạt 10 chuyến/ngày. Điều này gây ngạc nhiên lớn đối với giới chức quân sự Nga. Đánh giá về khả năng chiến đấu của máy bay Su-35S tại Syria, chuyên gia Konstantin Makiyenko nhận định, chính hệ thống quản lý thông tin chiến thuật hiệu quả cho cả phi công và bộ chỉ huy đã giúp máy bay chiến đấu thế hệ 4+ của Nga có hiệu quả và tần suất chiến đấu cao.
Theo lời ông Konstantin Makiyenko, dù mới xuất hiện và hoàn thiện trong vòng 15 năm qua. Tuy nhiên, quá trình phát triển máy bay Su-35S đã được thực hiện từ đầu những năm 1990 theo sáng kiến của Tổng công trình sư Mikhail Simonov. Chính những đảo lộn về chính trị sau khi Liên Xô tan rã, thiếu nguồn tài chính và việc Ấn Độ quyết định chọn biến thể Su-30MK thay vì thiết kế mới của Su-35 đã khiến Nga không thể sở hữu dòng máy bay chiến đấu hiện đại và hiệu quả này sớm hơn.
“Su-35 ban đầu được coi là thiết kế dành cho mục đích xuất khẩu, nhưng khách hàng đầu tiên lại Không quân-vũ trụ Nga. Các đơn hàng xuất khẩu chỉ xuất hiện vào thời gian gần đây”, chuyên gia quân sự thuộc Tạp chí Arms Export, Andrey Frolov đánh giá.
Trả lời phỏng vấn báo chí bên thềm Diễn đàn Quân sự quốc tế ArmyForum-2022 tổ chức tại Moscow, lãnh đạo Tập đoàn UAC Yuri Slyusar cho biết: “Trong các nhiệm vụ chiến đấu, Su-35S đảm nhiệm chức năng giành ưu thế trên không và kiểm soát bầu trời để máy bay tiêm kích-bom Su-34 tấn công chính xác các mục tiêu mặt đất hoặc chỉ thị mục tiêu cho máy bay cường kích Su-25SM bay thấp đột kích mục tiêu với hiệu quả cao nhất”.
Hiện tại, ngoài Trung Quốc, hàng loạt quốc gia khác như Indonesia, Malaysia, Ấn Độ và một số quốc gia Đông Nam Á khác đang là khách hàng tiềm năng của máy bay Su-35.
Đánh giá về Su-35, Tạp chí Mỹ The National Interest coi đây dòng máy bay chiến đấu này đứng đầu danh sách các loại vũ khí Nga có thể gây nguy hiểm với máy bay chiến đấu Mỹ. Theo các chuyên gia phân tích Mỹ và phương Tây, Su-35 là đối thủ “cực kỳ nguy hiểm” đối với bất kỳ máy bay chiến đấu nào của NATO, thậm chí là cả máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 của Không quân Mỹ. Khả năng bay hành trình siêu âm, kho vũ khí đa dạng, khả năng thao diễn cực kỳ cơ động và hệ thống điện tử hàng không hiện đại là những thế mạnh của máy bay Su-35 theo cách đánh giá của các chuyên gia Mỹ và phương Tây.