15 năm là đủ hưởng hưu, tại sao không?
18 tuổi, chị A. vào làm công nhân (CN) nhà máy. 42 tuổi, chị A bị mất việc do công ty thiếu đơn hàng, nhà máy phải ngưng hoạt động.
Dù thời gian chị tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) là hơn 20 năm song chị chưa đủ điều kiện về tuổi đời để hưởng chế độ hưu trí. Gia cảnh chị lúc mất việc lại khó khăn, nên chị lựa chọn nhận trợ cấp một lần, lấy khoản tiền này đắp đổi cuộc sống gia đình trong khi chờ tìm được việc làm mới.
Đó là một thực tế đang diễn ra khá phổ biến trong đội ngũ CN công nghiệp hiện nay, nhất là các ngành thâm dụng lao động như dệt may, da giày, rất nhiều CN có hoàn cảnh như chị A.
Cũng từ nhiều tháng qua, góp ý về dự thảo Luật BHXH và mới đây, trên nghị trường Quốc hội, nhiều đại biểu nhắc lại đề xuất nên giảm thời gian, điều kiện hưởng lương hưu cho người lao động (NLĐ) xuống còn 15 năm (thậm chí 10 năm), thay vì phải đủ 20 năm đóng BHXH như hiện hành. Nếu áp dụng điều khoản sửa đổi này, những CN như chị A. sẽ trở lại thị trường lao động với tâm thế khác. Lúc đó, chị tham gia BHXH tại công ty mới, giả sử sau đó chị có 15 năm làm việc và đóng BHXH, khi nghỉ việc chị sẽ được hưởng chế độ hưu trí. Lúc đó tuổi đời của chị chưa đến 60, chị còn khoảng thời gian dài để an hưởng tuổi già và lương hưu là một khoản bảo đảm quan trọng trong cuộc đời của chị.
Đây là một đề xuất rất đáng tiếp thu, điều chỉnh trong Luật BHXH sắp tới. Không chỉ phù hợp thực tế đời sống xã hội của NLĐ mà còn đáp ứng quyền lợi chính đáng cho NLĐ, hiện thực hóa một ước mơ khi về già có khoản lương hưu đắp đổi sau bao năm quần quật làm việc ở nhà máy.
Nếu thực hiện theo hướng này, cơ quan soạn thảo luật cần lưu ý thiết kế chính sách hưu trí trong trường hợp này sao cho phù hợp, tuyệt đối không để mức lương hưu tương ứng với 15 năm làm việc quá thấp, không đủ để người hưu trí giải quyết những nhu cầu tối thiểu.
Trước đây, do hoàn cảnh lịch sử, chưa có chính sách BHXH, nhiều người làm việc trong cơ quan nhà nước được xem xét hưởng hưu trí từ nguồn ngân sách. Đến khi hệ thống BHXH hình thành, phát triển, nguyên tắc vận hành của hệ thống an sinh xã hội này là có đóng có hưởng. Mức hưởng khác nhau, song cũng có những trường hợp quá thấp là điều cơ quan thiết kế pháp luật về BHXH cần xem xét lại, khắc phục tình trạng bất cập này.
Hơn nữa, nếu quyền lợi về lương hưu ngày càng thiết thực và hấp dẫn hơn chắc chắn sẽ hạn chế tình trạng nhận trợ cấp một lần đang khá phổ biến hiện nay, ảnh hưởng đến bảo tồn quỹ và tác động tâm lý đến một bộ phận NLĐ khi đứng trước những lựa chọn quan trọng về sinh kế trước mắt và quyền lợi lâu dài. Phải cho NLĐ thấy được viễn cảnh tương lai nếu hưởng chế độ hưu trí, song không phải là khi hưởng được thì đã quá già, thời gian hưởng hưu trí ngắn ngủi nếu áp dụng mức thời gian hưởng ít nhất là 20 năm như hiện hành.
Do đó, giảm thời gian để NLĐ được hưởng chế độ hưu trí là một lối ra có tính nhân văn và phù hợp hoàn cảnh sống của NLĐ, cần được xem xét, luật hóa bằng các điều khoản tiến bộ, có tính khả thi cao, thu hút được đông đảo NLĐ tham gia, giúp hệ thống BHXH ngày càng lớn mạnh, bền vững.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/goc-nhin/15-nam-la-du-huong-huu-tai-sao-khong-20230607220954906.htm