Tôi là Đặng Vân Anh, sinh năm 1997. Mới 23 tuổi nhưng tôi đã có gần 15 năm theo nghề thêu cờ Tổ quốc. Bí quyết thêu cờ tay được truyền từ đời ông ngoại, mẹ, rồi tới tôi. Gia đình chúng tôi cũng là hộ duy nhất ở làng Từ Vân (Thường Tín, Hà Nội) còn lưu giữ và phát triển nghề thêu qua các thế hệ.
Công việc mang lại thu nhập quanh năm cho gia đình tôi, đặc biệt vào những ngày lễ, Tết. 2/9 năm nay, cả nhà lại tất bật từ sáng đến tối để kịp hoàn thành sản phẩm giao cho khách.
Phần lớn khách hàng gửi đơn hàng qua email, sau đó bố tôi sẽ thiết kế cho phù hợp. Khách thường không yêu cầu gửi lại bản cuối cùng vì tin tưởng vào tay nghề của ông. Ngoài cờ Tổ quốc, nhà tôi cũng làm cờ phướn, cờ thưởng.
Một máy cắt cỡ lớn có thể cắt nhiều lá cờ trong thời gian ngắn, giảm thiểu được công sức làm việc. Trước đây, khi chưa có công nghệ, bố tôi phải dùng sức người, cắt thủ công. Các vết chai hằn trên tay ông qua năm tháng vẫn không thể mờ đi.
Vải may cờ phải là vải sa mua từ làng La Khê (Hà Đông). Chỉ thêu phải đúng loại lấy ở làng Triều Khúc (Thanh Trì). Đây đều là những nguyên liệu chất lượng cao để tạo nên một lá cờ bền đẹp, tinh tế.
Sau khi cắt cờ xong, mẹ tôi sẽ dùng sơn vàng để in màu. Tùy nội dung mà mỗi lá cờ có các câu chữ khác nhau.
Cờ sau khi in chữ được mang đi phơi khô. Vào những ngày trời mưa, tôi phải dùng máy sấy. Cực nhất trong giai đoạn này là người sơn không được ngồi quạt hay điều hòa vì sẽ làm bay cờ, in chữ không chính xác. Ngoài ra, sơn nhanh khô sẽ bị vón cục khi chưa được dàn đều.
Công nghệ có thể thay được nhiều bước, nhưng trong việc tạo hình ngôi sao vàng 5 cánh thì không. Dù trong làng nhiều hộ đã dùng máy, gia đình tôi vẫn cần mẫn từng mũi kim, sợi chỉ tự tay thêu. Trung bình, một lá cờ Tổ quốc, Quân kỳ mất khoảng 2-3 ngày để hoàn thành.
Vất vả hơn nhưng khi được tự tay thêu lên lá cờ, tôi cảm thấy ý nghĩa hơn rất nhiều. Ở gia đình tôi, con cháu trong nhà cứ tới tuổi là biết xỏ kim, tỉ mẩn ngồi khâu đính. Qua thời gian, khách hàng tìm tới đặt hàng đều do tin tưởng chất lượng.
Nghề này cũng mang lại công việc thời vụ cho nhiều người, từ cụ già đến trẻ nhỏ. Mỗi khi có một em nhỏ muốn học nghề, tôi sẵn sàng chỉ dạy. Thật vui và hạnh phúc khi nhìn những đứa trẻ cần mẫn, chăm chỉ thêu tay trên khung vải đỏ.
Các bé trai cũng hào hứng giúp rửa sạch bàn in sau mỗi ngày để hôm sau có thể in ấn tiếp.
Ông Tạ Văn Thiết, một nghệ nhân thêu tay ở độ tuổi "thất thập cổ lai hy", hàng ngày vẫn đến nhà tôi để làm cờ. Ông bảo ngồi không cũng buồn, còn sức khỏe, còn tinh mắt ngày nào thì ông vẫn tiếp tục làm công việc này.
Ông ngoại có 11 người con, chỉ mẹ tôi theo nghề. Các cô chú bác chọn buôn bán cờ trên phố Hàng Bông. Thỉnh thoảng, mẹ tôi cũng tận tay mang hàng đi, cũng để tranh thủ gặp gỡ anh chị em.
Những lá cờ được xuất đi nhiều địa phương trên cả nước, từ miền núi đến hải đảo. Mỗi lần nhìn thấy lá cờ tung bay trên phố, tôi luôn mang một cảm giác tự hào khó tả.
Thời gian trôi qua, nghề thêu cờ cũng lận đận, lời lãi ít dần, nhiều người bỏ. Riêng tôi, từ bé đã được gia đình truyền cho lòng kiêu hãnh của một người con làng nghề, đã tự hứa sẽ gắn bó và gìn giữ công việc này, như cách ông ngoại và mẹ dạy tôi biết yêu từng đường kim, mũi chỉ trên lá cờ đỏ sao vàng.
Phạm Thắng - Quỳnh Trang