15 ngành học có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất: Sinh viên cần cân nhắc lựa chọn ngành nghề

Bức tranh thị trường lao động cho sinh viên mới tốt nghiệp đang thay đổi nhanh chóng. Dữ liệu mới nhất từ Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York cho thấy một số ngành học từng được đánh giá cao đang đối mặt với tỷ lệ thất nghiệp đáng lo ngại.

Khi thị trường lao động nói chung hạ nhiệt, tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng, đặc biệt với nhóm sinh viên mới tốt nghiệp – vì họ thường là những người ở rìa thị trường lao động.

Khi thị trường lao động nói chung hạ nhiệt, tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng, đặc biệt với nhóm sinh viên mới tốt nghiệp – vì họ thường là những người ở rìa thị trường lao động.

Những ngành nghề gặp khó

Báo cáo của Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York, dựa trên dữ liệu từ Khảo sát Cộng đồng Mỹ, phân tích tình hình việc làm của sinh viên mới tốt nghiệp (từ 22 đến 27 tuổi, có bằng cử nhân trở lên) theo từng ngành học. Trong số 73 ngành được khảo sát, có tới 28 ngành có tỷ lệ thất nghiệp cao hơn mức trung bình toàn quốc là 3,6%.

Biểu đồ thể hiện kết quả báo cáo "Các ngành học có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất đối với sinh viên mới tốt nghiệp" của Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York. Ảnh: Business Insider

Biểu đồ thể hiện kết quả báo cáo "Các ngành học có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất đối với sinh viên mới tốt nghiệp" của Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York. Ảnh: Business Insider

15 ngành học có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất đối với sinh viên mới tốt nghiệp - theo báo cáo của Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York:

1. Nhân chủng học: 9,4%
2. Vật lý: 7,8%
3. Kỹ thuật máy tính: 7,5%
4. Thiết kế đồ họa thương mại: 7,2%
5. Mỹ thuật: 7,0%
6. Xã hội học: 6,7%
7. Hóa học: 6,1%
8. Khoa học máy tính: 6,1%
9. Hệ thống thông tin và quản trị: 5,6%
10. Chính sách công và luật: 5,5%
11. Khoa học nhân văn tổng hợp: 5,3%
12. Công nghệ tổng hợp: 5,0%
13. Ngôn ngữ Anh: 4,9%
14. Kinh tế học: 4,9%
15. Quan hệ quốc tế: 4,9%

Đáng chú ý, sinh viên tốt nghiệp ngành kỹ thuật máy tính và khoa học máy tính cũng nằm trong nhóm có tỷ lệ thất nghiệp cao. Daniel Zhao, chuyên gia kinh tế trưởng tại nền tảng việc làm Glassdoor lý giải rằng, sinh viên các ngành công nghệ có xu hướng “chờ đúng việc”. Họ chấp nhận thời gian thất nghiệp ban đầu để tìm được vị trí phù hợp với chuyên môn và tiềm năng phát triển lâu dài.

Tuy nhiên, thị trường công nghệ trong năm khoảng 3 năm gần đây đã có dấu hiệu giảm nhiệt. Theo ông Jaison Abel, Trưởng bộ phận kinh tế vi mô của Ngân hàng Dự trữ Liên bang tạo New York, lĩnh vực công nghệ – vốn tuyển nhiều sinh viên tốt nghiệp ngành vật lý, kỹ thuật máy tính và khoa học máy tính – đã có thời gian chững lại kể từ giữa năm 2022. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến cơ hội việc làm cho sinh viên những ngành này.

Thị trường lao động hạ nhiệt: Tín hiệu cần lưu ý

Sau giai đoạn bùng nổ hậu đại dịch, thị trường việc làm tại Mỹ nói riêng và cả thế giới nói chung đang bước vào chu kỳ điều chỉnh. Số lượng vị trí tuyển dụng giảm rõ rệt, dẫn tới sự cạnh tranh gay gắt hơn giữa người tìm việc. Tại Mỹ, tính đến tháng 3, tỷ lệ thất nghiệp của sinh viên tốt nghiệp đại học trong độ tuổi từ 22 đến 27 đã tăng lên 5,8% – cao hơn đáng kể so với mức trung bình.

Thị trường việc làm tại Mỹ nói riêng và cả thế giới nói chung đang bước vào chu kỳ điều chỉnh.Ảnh: AP

Thị trường việc làm tại Mỹ nói riêng và cả thế giới nói chung đang bước vào chu kỳ điều chỉnh.Ảnh: AP

Theo ông Abel, sinh viên mới ra trường là nhóm dễ bị tổn thương nhất khi thị trường lao động trở nên khó khăn hơn. “Khó có thể dự đoán chính xác diễn biến của từng ngành. Nhưng khi thị trường lao động nói chung hạ nhiệt, tốc độ tuyển dụng chậm lại, tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng, đặc biệt với nhóm sinh viên mới tốt nghiệp – vì họ thường là những người ở rìa thị trường lao động”, ông nhận định.

Tại lĩnh vực công nghệ vốn được nhiều sinh viên lựa chọn, các công ty đang giảm tốc độ tuyển dụng, thậm chí một số nơi đã tiến hành sa thải nhân sự. Trên nền tảng Indeed, số lượng bài đăng tuyển dụng trong lĩnh vực phát triển phần mềm tuy có dấu hiệu tăng nhẹ gần đây nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với các năm trước hoặc thời điểm trước đại dịch.

Các cơ hội việc làm trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển khoa học cũng giảm sút đáng kể.

Cân bằng giữa đam mê và thực tiễn nghề nghiệp

Kết quả khảo sát từ Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York một lần nữa đặt ra câu hỏi không mới nhưng luôn thời sự: Sinh viên nên chọn ngành học theo đam mê để phát triển hay theo nhu cầu của thị trường lao động?

Sinh viên ngày nay cần tiếp cận việc chọn ngành học bằng một cái nhìn tổng thể – kết hợp giữa sở thích cá nhân, năng lực học tập và nhận thức thực tế về xu hướng nghề nghiệp.

Sinh viên ngày nay cần tiếp cận việc chọn ngành học bằng một cái nhìn tổng thể – kết hợp giữa sở thích cá nhân, năng lực học tập và nhận thức thực tế về xu hướng nghề nghiệp.

Thực tế đã cho thấy, nhiều ngành học như nhân chủng học, mỹ thuật hay xã hội học – vốn thu hút sinh viên bởi tính nhân văn, sáng tạo hoặc định hướng phục vụ cộng đồng – lại đang có tỷ lệ thất nghiệp cao. Trong khi đó, các ngành công nghệ, khoa học máy tính hay kỹ thuật tuy có triển vọng thu nhập tốt nhưng lại đòi hỏi sự kiên trì, tư duy logic và khả năng thích nghi cao với biến động thị trường.

Sự chênh lệch này không phải để phủ nhận giá trị của bất kỳ ngành học nào, mà nhấn mạnh rằng sinh viên ngày nay cần tiếp cận việc chọn ngành học bằng một cái nhìn tổng thể – kết hợp giữa sở thích cá nhân, năng lực học tập và nhận thức thực tế về xu hướng nghề nghiệp. Một lựa chọn thiếu cân nhắc có thể dẫn đến rủi ro thất nghiệp, làm việc trái ngành hoặc thiếu động lực trong sự nghiệp về sau.

Trong bối cảnh thị trường lao động ngày càng cạnh tranh, các chuyên gia khuyến nghị học sinh – sinh viên và phụ huynh cần tìm hiểu kỹ lưỡng về nhu cầu lao động, mức lương trung bình, tỷ lệ thất nghiệp, cũng như khả năng phát triển dài hạn của từng ngành nghề. Đồng thời, nhà trường và các đơn vị hướng nghiệp cần đóng vai trò tích cực hơn trong việc cung cấp thông tin minh bạch và thực tiễn về thị trường lao động.

Thị trường lao động ngày nay đòi hỏi sinh viên không chỉ lựa chọn ngành học theo đam mê hay xu hướng, mà cần tính đến khả năng thích nghi với biến động kinh tế. Trong bối cảnh tỷ lệ thất nghiệp tăng ở nhiều ngành học từng được đánh giá cao, sự linh hoạt, chủ động và hiểu biết về thị trường sẽ là yếu tố quyết định thành công trong giai đoạn đầu sự nghiệp.

Hồng Nhung

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/15-nganh-hoc-co-ty-le-that-nghiep-cao-nhat-sinh-vien-can-can-nhac-lua-chon-nganh-nghe-10381230.html