Chuyên gia hướng dẫn 'chiến thuật' sắp xếp nguyện vọng thông minh, tối ưu hóa cơ hội trúng tuyển

Chưa đầy 1 ngày nữa, thời gian đăng ký và sắp xếp nguyện vọng xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2025 trên hệ thống của Bộ GD-ĐT sẽ chính thức khép lại. Các chuyên gia lưu ý, thí sinh không nên 'chạy theo' điểm sàn, mà cần chọn nguyện vọng phù hợp với năng lực, sở thích và điểm thi thực tế.

Theo kế hoạch của Bộ GD-ĐT, thí sinh sẽ đăng ký và sắp xếp nguyện vọng xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2025 trên hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ, trong khoảng thời gian từ ngày 16/7 đến 17 giờ ngày 28/7.

Đến 17h ngày 28/7, Bộ GD-ĐT chính thức đóng hệ thống, kết thúc thời gian đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2025.

Đáng chú ý, quy chế tuyển sinh đại học năm 2025 có hai điểm mới. Thứ nhất, Bộ GD-ĐT chính thức bỏ hình thức xét tuyển sớm, thống nhất thời gian tuyển sinh cho tất cả phương thức.

Thứ hai, các trường phải thực hiện quy đổi tương đương giữa ngưỡng đầu vào và điểm trúng tuyển của các phương thức, tổ hợp xét tuyển theo hướng dẫn chung. Do mỗi phương thức có cách tính điểm và độ khó khác nhau, việc quy đổi này nhằm đảm bảo tính minh bạch trong quá trình tuyển sinh.

Bởi thay đổi trong quy chế, nên thực tế cho thấy nhiều thí sinh còn phân vân hoặc chưa nắm rõ cách sắp xếp nguyện vọng hiệu quả. Nhiều trường hợp đã đăng ký từ sớm, nhưng đang cân nhắc điều chỉnh do có thêm thông tin mới hoặc thay đổi định hướng ngành học.

Trao đổi với phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân, PGS.TS Bùi Hoài Thắng, Trưởng Phòng Đào tạo Trường Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh cho biết, tính đến nay, nhiều cơ sở giáo dục đại học đã công bố công khai phương thức, tổ hợp xét tuyển, cách quy đổi điểm cho từng phương thức của trường, cũng như trên cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD-ĐT. Tuy vậy, thí sinh không nên lo lắng về cách quy đổi điểm, bách phân vị của từng tổ hợp.

"Sau khi thí sinh đăng ký nguyện vọng, nộp điểm tốt nghiệp, việc hiệu chỉnh sẽ được Bộ GD-ĐT và các trường đại học thực hiện theo hướng dẫn cụ thể. Theo đó, hệ thống sẽ tự động lựa chọn tổ hợp và phương thức các em có điểm cao nhất để xét tuyển", PGS.TS Bùi Hoài Thắng cho hay.

 PGS.TS Bùi Hoài Thắng tư vấn thí sinh về chiến thuật đăng ký nguyện vọng. Ảnh: BKHCM

PGS.TS Bùi Hoài Thắng tư vấn thí sinh về chiến thuật đăng ký nguyện vọng. Ảnh: BKHCM

Để tăng cơ hội trúng tuyển, ông Thắng khuyên thí sinh nên có chiến thuật cụ thể để tối ưu hóa cơ hội trúng tuyển. Các em cần sắp xếp nguyện vọng hợp lý, kết hợp giữa ước mơ và năng lực thực tế.

Với nguyện vọng 1, thí sinh cứ mạnh dạn đặt ngành học bản thân yêu thích, dù chưa chắc về khả năng trúng tuyển. Bởi đây là nguyện vọng "mơ ước", nên việc đặt ở vị trí đầu tiên không gây bất lợi, do hệ thống xét tuyển tự động ưu tiên xét từ trên xuống dưới.

Nguyện vọng thứ 2 nên là các ngành học có khả năng đỗ cao, phù hợp năng lực. Mức điểm chuẩn dự kiến tiệm cận với điểm thi của thí sinh.

Từ nguyện vọng thứ 3 trở đi, nên lựa chọn phương án an toàn, "phòng thủ" các ngành học có điểm chuẩn thấp hơn so với điểm thí sinh đạt được, chắc chắn đỗ. Nguyện vọng này là phương án dự phòng, giúp thí sinh đảm bảo cơ hội trúng tuyển nếu không đỗ các nguyện vọng ưu tiên.

"Thí sinh cần hoàn tất việc điều chỉnh sớm, tốt nhất trong ngày hôm nay hoặc chậm nhất trong sáng mai (28/7), tránh tình trạng hệ thống quá tải vào thời điểm cuối", PGS.TS Bùi Hoài Thắng lưu ý thí sinh

Thí sinh không nên đặt toàn bộ niềm tin vào điểm sàn các trường đã công bố, mà cần cân nhắc kỹ để chọn nguyện vọng. Ảnh: HUIT

Thí sinh không nên đặt toàn bộ niềm tin vào điểm sàn các trường đã công bố, mà cần cân nhắc kỹ để chọn nguyện vọng. Ảnh: HUIT

Cùng đưa ra tư vấn cho thí sinh năm nay, ThS. Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông Trường Đại học Công Thương TP. Hồ Chí Minh khuyến cáo, thí sinh không nên đặt toàn bộ niềm tin vào điểm sàn, mà cần chọn nguyện vọng dựa theo năng lực và sở thích.

"Điểm sàn chỉ là mức tối thiểu mà thí sinh cần đạt được để xét tuyển vào trường đại học, không phải điểm trúng tuyển. Thực tế, điểm chuẩn có thể cao hơn điểm sàn từ 1–2 điểm hoặc nhiều hơn, tùy vào số lượng đăng ký và chỉ tiêu từng ngành đào tạo. Nếu thí sinh không cân nhắc kỹ mà vội vã đăng ký sẽ mất đi một nguyện vọng, tốn tiền", Ông Sơn cho hay.

Cũng theo ThS. Phạm Thái Sơn, năm nay, Bộ GD-ĐT đã bỏ hình thức xét tuyển sớm để thống nhất thời gian, tạo sự minh bạch trong quá trình tuyển sinh. Nhiều trường chưa chắc chắn về mức điểm chuẩn, đã chủ động hạ điểm sàn để mở rộng cơ hội tuyển sinh cho thí sinh. Nhưng trên thực tế, điểm chuẩn vẫn duy trì ở mức cao như các năm trước. Do đó, thí sinh không nên vì thấy điểm sàn thấp mà đăng ký tùy tiện vào các ngành, trường không phù hợp.

"Các em cần căn cứ điểm thi của bản thân, rồi đối chiếu với mức điểm trúng tuyển trong khoảng 2-3 năm gần đây của ngành, trường dự kiến đăng ký. Từ đó, đưa ra được nguyện vọng an toàn và phù hợp. Thí sinh chỉ nên tiếp cận thông tin chính thống từ các trường đại học, đội ngũ tư vấn tuyển sinh, thay vì tin vào lời đồn trên mạng", Ông Sơn nói.

Dù đã bước đến chặng "nước rút", nhưng nếu thí sinh chủ động rà soát, điều chỉnh nguyện vọng kịp thời và kỹ lưỡng, cơ hội trúng tuyển vẫn sẽ rất cao.

Đặc biệt, thí sinh tuyệt đối không nên chủ quan, tránh để sát giờ mới kiểm tra. Hệ thống đăng ký xét tuyển đại học năm 2025 sẽ khóa đúng thời hạn, không gia hạn và không cho phép cập nhật thêm bất kỳ thông tin nào sau thời gian quy định.

Trang Nhung

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chuyen-gia-huong-dan-chien-thuat-sap-xep-nguyen-vong-thong-minh-toi-uu-hoa-co-hoi-trung-tuyen-10381228.html