15 ngày ý nghĩa nhất của 'đời sinh viên' là được trở thành tình nguyện viên tuyến đầu
HHT - Lần đầu tiên mặc đồ bảo hộ, đeo khẩu trang và găng tay kín mít trong cái nắng nóng gay gắt của Sài Gòn; lần đầu tiên được chứng kiến cường độ làm việc khẩn trương của đội ngũ y bác sĩ, chúng mình thực sự đã được trải qua những ngày đáng nhớ nhất trong cuộc đời.
15 ngày ý nghĩa nhất của "đời sinh viên"
Thu Hiền, nữ sinh điều dưỡng năm 2 vui vẻ chia sẻ ảnh đón sinh nhật tuổi 19 trong bộ quần áo bảo hộ, và công việc của bạn ấy là đo huyết áp cho mọi người trước khi tiêm vắc-xin.
“Sinh nhật năm nay không có nến, không có bánh kem, thay vào đó là cảm giác được trải nghiệm cái nóng của Sài Gòn trong bộ đồ bảo hộ, tâm trạng lo lắng của bệnh nhân, cường độ làm việc gấp rút của đội ngũ y bác sĩ và các bạn tình nguyện viên khác. Chẳng có lấy một lời than thở. Vì thời điểm này, ai cũng vất vả như ai", Thu Hiền chia sẻ.
Cô bạn cũng vui vẻ chia sẻ về món quà đặc biệt của mình: “Mấy quả khế chín này là quà sinh nhật của mình đấy! Một bác sĩ đã hái chúng rồi đặt vào tay mình và nói rằng đây là món quà sinh nhật rất đặc biệt chú dành tặng cho "đồng đội" của mình. Hôm đó mình bị sốt sau khi tiêm vaccine và không thể đi được. Quả là một sinh nhật đáng nhớ!"
Bạn Bảo Trâm hiện là sinh viên năm nhất tại trường Cao đẳng Y khoa Phạm Ngọc Thạch cũng xung phong trở thành tình nguyện viên tham gia chống dịch tuyến đầu. Thời gian dịch bùng phát, Trâm chọn ở lại thành phố thay vì về quê với gia đình: “Trước khi đăng ký, mình đã suy nghĩ rất kĩ rằng liệu có nên đi hay không. Khi tham khảo ý kiến bạn bè, gia đình thì đa số đều không ủng hộ. Mọi người biết sức khỏe của mình rất yếu, ăn uống lại không được dễ dàng như nhiều bạn khác nên sợ mình sẽ mất sức và làm phiền đoàn".
Tuy vậy, cô bạn vẫn quyết định đặt bút đăng ký để trở thành tình nguyện viên. Chia sẻ về công việc hằng ngày, Bảo Trâm cho biết công việc của bạn ấy sẽ bắt đầu từ 7 giờ 30 sáng đến 17 giờ 30 chiều mỗi ngày. Bạn sẽ giúp mọi người đo huyết áp hoặc hướng dẫn khai báo y tế trước khi tiêm vắc-xin.
“Mặc đồ bảo hộ trong thời gian dài rất nóng. Đeo khẩu trang lâu quá cũng dễ bị ngộp thở. Lúc trưa được nghỉ một chút nhưng mọi người cũng chỉ ngủ ngồi, chợp mắt chớp nhoáng để lấy lại sức. Khó khăn là vậy nhưng mình luôn tin đó là 15 ngày ý nghĩa nhất trong cuộc đời làm sinh viên của mình”, Bảo Trâm chia sẻ.
Bạn Ngọc Quý cũng chia sẻ những tấm ảnh trong bộ quần áo bảo hộ, đeo khẩu trang kín mít và cho biết: “Làm việc từ 7 giờ 30 đến 21 giờ mỗi ngày. Mệt thật nhưng vui vì đã hỗ trợ được hết sức mình”.
“Chúng tôi vì bạn, xin bạn hãy ở nhà vì chúng tôi”
Trở thành tình nguyện viên ở tuyến đầu chống dịch cũng đồng nghĩa với việc phải đối diện với nguy cơ lây nhiễm cao. Bạn Hồng Phong đã quyết định dọn đến ở chung với những đồng đội trong nhóm tình nguyện viên chống dịch COVID-19 để hạn chế nguy cơ lây nhiễm cho gia đình. Thật không may, một người anh trong nhóm tình nguyện viên đã dương tính với SARS-CoV-2.
“Đúng 21 giờ tối ngày hôm đó, tiếng chuông điện thoại của tôi vang lên, đầu dây bên kia là chị phó bí thư thành đoàn TP. Thủ Đức báo rằng chúng tôi nhanh chóng qua Trung tâm y tế phường gặp bác sĩ để lấy mẫu xét nghiệm gấp. Mọi người tức tốc lên đường. Sau khi lấy mẫu được 15 phút, chúng tôi được thông báo kết quả 2 người dương tính, 2 người âm tính. Nhưng chúng tôi động viên nhau hãy bình tĩnh và chắc chắn sẽ không có chuyện gì nghiêm trọng xảy ra đâu”, Hồng Phong nhớ lại.
Khi được nhiều người hỏi rằng bản thân có sợ lây nhiễm không, Phong chia sẻ: “Tụi mình đều nghĩ đơn giản là góp sức được lúc nào thì hay lúc ấy, và rất mong Sài Gòn sớm quay lại những ngày tháng nhộn nhịp như trước kia. Công việc ấy xuất phát từ trái tim. Ở đây, mọi người đều làm việc vì cộng đồng, xin các bạn hãy ở nhà để giảm tải áp lực cho đội ngũ y bác sĩ".
Bạn Anh Kiệt lại hài hước cho rằng nhiều người trông thấy nhóm tình nguyện, nhân viên y tế mặc đồ bảo hộ kín mít là sợ, lo lắng: “Tụi mình dễ thương mà, nhiều khi lấy mẫu test cho các em bé cũng phải pha đủ trò hề đấy!”.
Chia sẻ về những ngày trở thành tình nguyện viên tham gia chống dịch, Anh Kiệt trầm ngâm: “Trong số những người dương tính với COVID-19 có bé chỉ mới vài tuổi, có cụ ông cụ bà đã hơn 80 tuổi... nhưng vẫn hi vọng mọi người sẽ mau khỏe vì phát hiện kịp thời khi chưa có triệu chứng”.
Anh Kiệt cũng nhắn nhủ mọi người đừng quá sợ hãi khi thấy nhân viên y tế tìm đến nhà: “Khi thấy những thiên thần mang tên Áo Xanh, chúng ta hãy niềm nở, làm đúng quy trình và hãy trung thực trong suốt quá trình xét nghiệm COVID-19”.