16% ca tử vong vì bệnh tim mạch, cần có các đơn vị riêng về tim mạch

Trong 20 năm qua, bệnh tim mạch là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên toàn thế giới, chiếm 16% tổng số ca tử vong do mọi nguyên nhân. Mức độ phức tạp của việc xử lý bệnh nhân tim mạch nặng cần được cấp cứu đòi hỏi sự phát triển các đơn vị riêng về tim mạch.

Đây là vấn đề lưu ý được các chuyên gia y tế đưa ra tại Hội nghị khoa học Trung tâm Tim mạch – Bệnh viện Chợ Rẫy lần thứ IV năm 2024, diễn ra vào ngày 8/9, tại TPHCM.

Ông Lâm Việt Trung – Phó Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Xuân Dự

Ông Lâm Việt Trung – Phó Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Xuân Dự

Theo nhận định của TS.BS Trương Phi Hùng - Phó khoa Nội tim mạch, Bệnh viện Chợ Rẫy, trong 20 năm qua, bệnh tim mạch vẫn là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên toàn thế giới, chiếm 16% tổng số ca tử vong do mọi nguyên nhân. Tỷ lệ và mức độ phức tạp của việc xử lý các trường hợp bệnh nhân tim mạch nặng cần được cấp cứu và hồi sức đòi hỏi sự phát triển các đơn vị riêng về tim mạch là hết sức cần thiết.

Từ những năm 1960, người ta thấy rằng việc chăm sóc tích cực về tim mạch là cấp thiết, không chỉ khu trú ở những bệnh nhân hội chứng vành cấp mà còn trong các trường hợp cấp cứu tim mạch khác.

Vì lý do đó, đơn vị chăm sóc tích cực bệnh mạch vành (CCU) đã phát triển thành đơn vị chăm sóc tích cực về tim (CICU). Đây là đơn vị chịu trách nhiệm cung cấp dịch vụ chăm sóc phức tạp đòi hỏi trình độ, kỹ năng cao để điều trị và quản lý cả các vấn đề về tim và những rối loạn ngoài tim kèm theo.

Có 3 mức độ trong hồi sức tim mạch theo cấp bậc chuyên môn tùy vào trình độ, nhân lực và trang thiết bị kỹ thuật cũng như tình trạng nặng của bệnh nhân.

TS.BS Trương Phi Hùng - Phó khoa Nội tim mạch, Bệnh viện Chợ Rẫy trình bày tham luận. Ảnh: Xuân Dự

TS.BS Trương Phi Hùng - Phó khoa Nội tim mạch, Bệnh viện Chợ Rẫy trình bày tham luận. Ảnh: Xuân Dự

"Tại Khoa Nội tim mạch, Bệnh viện Chợ Rẫy, do bối cảnh thực tế bệnh nhân nặng gia tăng và diễn biến phức tạp, việc triển khai hồi sức tim mạch đã được đưa vào như là một mô hình quan trọng trong chăm sóc và điều trị bệnh nhân.

Hiện Khoa Nội tim mạch đã áp dụng và phát triển thành công mô hình hồi sức tim mạch với 2 phòng hồi sức có 25 giường và đã đạt được tới mức độ cao nhất trong hồi sức tim mạch (mức độ 3), với các kỹ thuật như: ECMO, IAPB, hạ thân nhiệt chỉ huy, CRRT, thở máy xâm lấn và các kỹ thuật chuyên sâu khác. Các giải pháp này đã mang lại nhiều lợi ích, đạt hiệu quả cao trong việc cứu sống nhiều bệnh nhân tim mạch nặng và nguy kịch", TS.BS Trương Phi Hùng chia sẻ.

Vấn đề tim bẩm sinh cũng như hướng điều phù hợp cũng là nội dung được nhiều đại biểu quan tâm tại hội nghị.

Theo TS.BS Lê Thành Khánh Vân - Trưởng khoa Hồi sức Phẫu thuật tim trẻ em, Bệnh viện Chợ Rẫy, tim bẩm sinh (TBS) là sự bất thường trong cấu trúc tim và các mạch máu lớn trong quá trình hình thành thai nhi và tồn tại sau khi sinh. Tỷ lệ trung bình khoảng 1% các ca mới sinh; trên thế giới 1.5 triệu TBS mới/năm, tại Việt Nam có 12.000 - 15.000 ca TBS mới/năm. TBS có diễn tiến tự nhiên rất nguy hiểm như tăng áp động mạch phổi, viêm nội tâm mạc nhiễm trùng, rối loạn nhịp, suy tim, cơn tím, suy dinh dưỡng, đột tử. Người bệnh giảm chất lượng cuộc sống, tuổi thọ, tăng gánh nặng kinh tế gia đình và xã hội.

TS.BS Lê Thành Khánh Vân - Trưởng khoa Hồi sức Phẫu thuật tim trẻ em, Bệnh viện Chợ Rẫy - chia sẻ tại hội nghị. Ảnh: Xuân Dự

TS.BS Lê Thành Khánh Vân - Trưởng khoa Hồi sức Phẫu thuật tim trẻ em, Bệnh viện Chợ Rẫy - chia sẻ tại hội nghị. Ảnh: Xuân Dự

Cũng theo TS.BS Lê Thành Khánh Vân, hơn 50 năm, quản lý và điều trị TBS đã và đang thay đổi, phát triển rất tích cực; giảm thiểu tỷ lệ biến chứng, tử vong; nâng cao chất lượng cuộc sống, tăng tuổi thọ bệnh nhân. Tuy nhiên vẫn còn số lượng rất lớn bệnh nhân TBS chưa được chăm sóc, điều trị chuẩn mực, chờ đợi điều trị. Do đó, tiếp tục phát triển hơn nữa yếu tố gen học, ngân hàng mô, tập hợp dữ liệu thống nhất, tăng số ca phẫu thuật và can thiệp tim mạch.

Lãnh đạo Bệnh viện Chợ Rẫy trao thư cảm ơn cho các đại biểu đóng góp tham luận tại Hội nghị khoa học về tim mạch. Ảnh: Xuân Dự

Lãnh đạo Bệnh viện Chợ Rẫy trao thư cảm ơn cho các đại biểu đóng góp tham luận tại Hội nghị khoa học về tim mạch. Ảnh: Xuân Dự

Chia sẻ về hướng điều trị tim bẩm sinh trong tương lai, TS.BS Lê Thành Khánh Vân cho biết: "Để quản lý an toàn, hiệu quả tim TBS, cần tăng cường ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào quá trình phát hiện trong thai kỳ, kế hoạch chăm sóc, quản lý; tiên lượng với dữ liệu chung thống nhất, rộng hơn. Bên cạnh đó, cần phát triển siêu âm tim, CTScan, MRI 3D, dựng hình. Cũng cần thực hiện các giải pháp đáp ứng và phát triển kỹ thuật phẫu thuật, can thiệp thông tim như phẫu thuật bước tiếp theo; phẫu thuật phối hợp can thiệp tim mạch (Hybrid); phẫu thuật đặt dụng cụ hỗ trợ tim trẻ em ghép tim trẻ em".

Hội nghị khoa học Trung tâm Tim mạch - Bệnh viện Chợ Rẫy lần thứ IV năm 2024. Ảnh: Xuân Dự

Hội nghị khoa học Trung tâm Tim mạch - Bệnh viện Chợ Rẫy lần thứ IV năm 2024. Ảnh: Xuân Dự

Tại hội nghị, các đại biểu cũng đã dành thời gian trao đổi các vấn đề quan trọng về tim mạch như chẩn đoán sớm tim bẩm sinh trong thai kỳ, khuynh hướng ghép tim cho bệnh nhân tim bẩm sinh, xu hướng mới trong điều trị cho người bệnh sau can thiệp mạch vành, điều trị bệnh cơ tim phì đại và phòng ngừa ngất đột tử ở bệnh nhân bệnh cơ tim phì đại…

Có thể nhận thấy, các bệnh lý tim mạch luôn là vấn đề thu hút sự chú ý khi có rất đông đại biểu đến tham dự và chăm chú lắng nghe các trình bày tham luận tại hội nghị.

Xuân Dự

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/16-ca-tu-vong-vi-benh-tim-mach-can-co-cac-don-vi-rieng-ve-tim-mach-169240908114039281.htm