16 doanh nghiệp xin dừng kinh doanh xăng dầu từ đầu năm
Từ đầu năm đến nay, đã có 16 thương nhân phân phối đề nghị trả lại giấy chứng nhận điều kiện kinh doanh xăng dầu, trên thị trường còn 298 thương nhân phân phối xăng dầu.
Thông tin từ Bộ Công Thương cho biết qua báo cáo, rà soát, nhiều thương nhân phân phối đã không duy trì được điều kiện làm thương nhân phân phối xăng dầu theo quy định, các thương nhân đã chủ động trả lại giấy chứng nhận điều kiện kinh doanh.
Hàng loạt doanh nghiệp phân phối trả lại giấy phép
Theo đó, từ đầu năm đến nay, đã có 16 thương nhân phân phối đề nghị trả lại giấy chứng nhận điều kiện kinh doanh xăng dầu và Bộ Công Thương đã thực hiện việc thu hồi theo quy định. Việc các doanh nghiệp trả lại giấy phép không ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh xăng dầu.
Một số doanh nghiệp xin trả lại giấy phép từ đầu tháng 5 phải kể đến CTCP Thương mại và Dịch vụ vận tải Ngọc Khánh (Quảng Nam); Công ty TNHH Thương mại và Cung ứng Petrolink (Hà Nội); Công ty TNHH thương mại và vận tải xăng dầu Minh Phát (TP.HCM) và Công ty TNHH Đức Hạnh (TP Hải Phòng); Công ty TNHH kinh doanh xăng dầu Trực Ninh (Nam Định)...
Đến nay, trên thị trường còn 298 thương nhân phân phối tham gia kinh doanh xăng dầu. Theo thống kê hồi tháng 10/2022, trong hệ thống kinh doanh xăng dầu cả nước có tới 330 thương nhân phân phối.
Cơ quan này cho rằng việc tham gia và rút khỏi thị trường của các doanh nghiệp nói chung vẫn diễn ra thường xuyên, trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu là mặt hàng kinh doanh có điều kiện cũng không là ngoại lệ.
Bên cạnh đó, nếu các doanh nghiệp này tiếp tục kinh doanh xăng dầu có thể lựa chọn hình thức khác như làm đại lý bán lẻ cho các thương nhân phân phối hoặc thương nhân đầu mối khác.
Đồng thời có thể chuyển nhượng hay cho thuê cơ sở vật chất cho doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu khác để tiếp tục kinh doanh. Do đó, về cơ bản các cửa hàng xăng dầu vẫn hoạt động bình thường.
Nguồn cung xăng dầu vẫn đảm bảo
Để đảm bảo nguồn cung xăng dầu, Bộ Công Thương cho biết đã giao tổng nguồn tối thiểu (gồm nhập khẩu và mua xăng dầu trong nước) cho các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu. Từ đầu năm đến nay, về cơ bản các doanh nghiệp đầu mối thực hiện nghiêm túc tổng nguồn tối thiểu được phân giao, cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu.
Tổng nguồn cung xăng dầu từ hai nguồn sản xuất và nhập khẩu quý II năm nay ước khoảng 7,1 triệu tấn, tương đương khoảng 8,875 triệu m3/tấn xăng dầu các loại (trong đó, Petrolimex và PV OIL ước khoảng hơn 4 triệu m3/tấn).
Theo báo cáo từ các thương nhân, tổng nguồn nhập khẩu và mua trong nước ước thực hiện quý II khoảng 6,35 triệu m3/tấn xăng dầu các loại. Ước tiêu thụ quý II khoảng 6,3 triệu m3/tấn (bình quân khoảng 2,1 triệu m3/tấn/tháng). Tồn kho xăng dầu khoảng 1,7-1,8 triệu m3/tấn.
Cơ quan quản lý khẳng định trong quý II, nguồn cung về cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu. Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục chỉ đạo các thương nhân sản xuất và kinh doanh xăng dầu thực hiện nghiêm túc kế hoạch sản xuất đã đăng ký; tổng nguồn xăng dầu tối thiểu đã được phân giao và kế hoạch thực hiện tổng nguồn hàng quý đã đăng ký.
Thực hiện việc dự trữ xăng dầu theo quy định, duy trì hoạt động bán hàng thường xuyên, liên tục, nhất là các dịp cao điểm, bảo đảm cung cấp đầy đủ xăng dầu cho thị trường trong mọi tình huống.
Bên cạnh đó, chú trọng chia sẻ nguồn cung, chia sẻ lợi nhuận trong hệ thống phân phối hợp lý nhằm đảm bảo không bị gián đoạn việc cung ứng xăng dầu.
Ngoài ra, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục thực hiện các hoạt động kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh xăng dầu theo kế hoạch nhằm chấn chỉnh hệ thống kinh doanh xăng dầu hoạt động theo quy định. Đồng thời tiếp tục tiếp thu ý kiến để hoàn thiện dự thảo Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu trình Chính phủ trong tháng 6.