16 người thiệt mạng do lũ lụt lịch sử tại Trung Âu

Mưa lớn bất thường tại khu vực Trung Âu đã gây ra lũ lụt nghiêm trọng tại một số vùng thuộc các quốc gia Ba Lan, Austria, Romanica và Cộng hòa Czech, khiến tổng cộng 16 người thiệt mạng tính tới 16/9.

Toàn cảnh khu vực lũ lụt gần sông Nysa Klodzka ở Nysa, Ba Lan ngày 16/9/2024. Ảnh: Reuters

Toàn cảnh khu vực lũ lụt gần sông Nysa Klodzka ở Nysa, Ba Lan ngày 16/9/2024. Ảnh: Reuters

Theo hãng tin AP, hệ thống áp thấp đi qua khu vực các quốc gia Ba Lan, Áo, Rumani và Cộng hòa Czech đã gây ra lượng mưa cao kỷ lục trong nhiều ngày, nhấn chìm một số khu vực trong nước lũ. Trong những ngày tới, Slovakia và Hungary là các quốc gia tiếp theo dự kiến sẽ bị ảnh hưởng bởi mưa lớn và lũ lụt.

Tính tới ngày 16/9, đã có 16 người được báo cáo tử vong do ảnh hưởng của lũ lụt, trong đó bao gồm 7 người ở Rumani, 5 người ở Ba Lan, 3 người ở Czech và một người ở Áo. Ba Lan và Czech là các quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất.

Lũ lụt tại Ba Lan đã làm vỡ đập và bờ kè và khi nước rút, nhiều đường phố ngập trong đống đổ nát và bùn đất. Tại những khu vực bị ảnh hưởng, các trường học và văn phòng đóng cửa vào ngày 16/9 trong khi nước uống cùng thực phẩm được vận chuyển bằng xe tải. Nhiều thành phố của Ba Lan, bao gồm cả thủ đô Warsaw, đã kêu gọi quyên góp thực phẩm cho những người sống sót sau trận lũ.

Các chuyên gia đã cảnh báo về mối đe dọa lũ lụt do mực nước sông Oder dâng cao ở Opole, một thành phố có khoảng 130.000 cư dân, và Wroclaw, nơi sinh sống của khoảng 640.000 cư dân và là nơi xảy ra trận lũ lụt thảm khốc vào năm 1997.

Trong bối cảnh đó, Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk đã tổ chức một cuộc họp khẩn cấp và tuyên bố thảm họa ở các khu vực bị ngập lụt nhằm tạo điều kiện cho công tác sơ tán và cứu hộ. Ông cũng cho biết chính phủ sẽ cung cấp 260 triệu USD để hỗ trợ ngay lập tức cho các nạn nhân.

Tình hình lũ lụt tại Ostrava, Cộng hòa Czech ngày 16/9/2024. Ảnh: AP

Tình hình lũ lụt tại Ostrava, Cộng hòa Czech ngày 16/9/2024. Ảnh: AP

Tại Czech, chính quyền đã ban bố tình trạng khẩn cấp ở 2 khu vực đông bắc, bao gồm cả dãy núi Jeseniky gần biên giới Ba Lan do mưa lớn kỷ lục từ ngày 12/9. Một số thị trấn và thành phố bao gồm Krasov và Krnov bị ngập nghiêm trọng buộc hàng nghìn người phải sơ tán. Tuy nước đã rút khỏi các khu vực miền núi Ba Lan ngày 16/9, hậu quả nó để lại là nhiều ngôi nhà, cây cầu bị phá hủy cùng những con đường bị hư hỏng.

Thủ tướng Czech Petr Fiala đã đến thăm thị trấn Jesenik, một trong những nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Nhận định sau chuyến thăm, ông cho biết: "Điều tồi tệ nhất đã qua và bây giờ, chúng ta phải giải quyết mọi thiệt hại".

Tại Hungary, Thị trưởng Budapest Gergely Karácsony đã cảnh báo trên mạng xã hội Facebook rằng trận lũ lớn nhất trong một thập kỷ dự kiến sẽ tấn công thủ đô vào cuối tuần này khi mực nước sông Danube dự kiến tràn vào các bến cảng của thành phố từ sáng ngày 17/9. Ông tuyên bố thành phố sẽ sử dụng 1 triệu bao cát để củng cố hệ thống phòng chống lũ lụt và đồng thời yêu cầu người dân hết sức cẩn thận khi ở gần sông.

Thủ tướng Hungary Viktor Orbán cũng đã hủy các cuộc gặp gỡ quốc tế theo kế hoạch, trong đó bao gồm bài phát biểu tại phiên họp toàn thể của Nghị viện châu Âu ngày 18/9 để chuẩn bị ứng phó với thiên tai.

"Cho đến khi chúng ta đạt đến đỉnh điểm và vượt qua giai đoạn tồi tệ nhất, tôi sẽ không rời khỏi đất nước, tôi sẽ ở nhà," ông nói.

Lũ lụt gần sông Nysa Klodzka ở Nysa, Ba Lan ngày 16/9/2024. Ảnh: AP

Lũ lụt gần sông Nysa Klodzka ở Nysa, Ba Lan ngày 16/9/2024. Ảnh: AP

Ngân Hà

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/16-nguoi-thiet-mang-do-lu-lut-lich-su-tai-trung-au-33493.html