Tehran dự kiến sẽ mua 24 tiêm kích Su-35 Flanker-E, đơn đặt hàng 16 máy bay chiến đấu chắc chắn đã được xác nhận, và khả năng cao là 8 chiếc còn lại cũng sẽ giao trong thời gian sắp tới.
Việc Nga có thể giao cho Iran máy bay chiến đấu trong thời gian nhanh chóng như vậy theo giải thích là bởi số chiến đấu cơ nói trên đáng lẽ thuộc về Ai Cập, nhưng Cairo đã hủy hợp đồng vì lo ngại sẽ bị Mỹ trừng phạt.
Ở Mỹ cũng xuất hiện tin đồn về việc Iran sẽ mua tiêm kích Nga. Cho đến nay, Washington vẫn từ chối xác nhận rằng hợp đồng đã được thực hiện, nhưng có nhiều dấu hiệu cho thấy tình báo Mỹ đã biết tình hình, mặc dù họ vẫn giữ im lặng.
Điển hình như các nghị sĩ McCaul, Wilson và Kean, vào ngày 29/3/2023, họ đã gửi yêu cầu tới Ngoại trưởng Anthony Blinken, đề xuất áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Tehran theo Đạo luật CAATSA vì việc mua Su-35.
Việc cung cấp Su-35 cho Iran là chìa khóa cho một vài chỉ số an ninh trong khu vực Trung Đông. Thứ nhất, cuối cùng thì Tehran cũng sẽ tăng cường khả năng chiến đấu cho lực lượng không quân của mình.
Mặc dù theo thông tin từ Tehran, chiếc máy bay được chọn ban đầu là Su-30, nhưng sau đó các quan chức tại Tehran cho biết “Su -30 không còn được Không quân quan tâm nữa”.
Thứ hai, với sự xuất hiện của Su-35, có tin đồn Tehran sẽ đặt mua hệ thống tên lửa phòng không S-400 trong những tháng tới. Nếu điều đó xảy ra, Su-35 và S-400 sẽ là đòn răn đe đáng gờm trước mong muốn của Israel đó là tấn công vào các cơ sở hạt nhân.
Giới phân tích biết rõ rằng mối đe dọa chính đối với Israel là chương trình hạt nhân của Iran. Tel Aviv đã nhiều lần nói về một cuộc tấn công phủ đầu nhằm ngăn Tehran có thể chế tạo vũ khí.
Diễn biến mới có nghĩa là F-16 và F-35 của Israel sẽ gặp rắc rối nghiêm trọng nếu Tehran để hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Nga hoạt động trong biên đội với tiêm kích đa năng Su-35.
Trong những tuần gần đây, Israel đã thực hiện một số cuộc không kích nhằm vào các vị trí ở Syria mà nước này cho là có liên quan chặt chẽ đến nguồn tài trợ của Iran. Đây cũng có thể là tín hiệu rõ ràng cho thấy Su-35 dự kiến sẽ sớm hạ cánh xuống Tehran.
Có một dấu hiệu khác cho thấy thời gian giao Su-35 cho Iran chỉ tính bằng ngày: Các bức ảnh vệ tinh cách đây chỉ một tháng rưỡi đã tiết lộ mô hình Su-35 ở lối vào căn cứ không quân ngầm Eagle 44 của Lực lượng Không quân Iran.
Điều này có nghĩa là Tehran đang tìm hiểu khả năng kỹ thuật về việc căn cứ này có thể chứa một phi đội Su-35 hay không, bởi sải cánh của Su-35 lớn hơn rất nhiều so với các tiêm kích F-4 mà Iran đang vận hành.
Nếu điều này xảy ra, ở giai đoạn sau, một số nhà phân tích có thể kết luận rằng thỏa thuận giữa Nga và Iran đã được thực hiện từ lâu và các kỹ sư đã xây dựng một căn cứ ngầm dựa trên quy mô và sức chứa của Su-35.
Hiện chưa rõ Iran thanh toán hợp đồng với Nga theo cách nào, nhưng phần lớn ý kiến cho rằng đó là "hàng đổi hàng", cụ thể Tehran cung cấp cho Moskva số lượng lớn máy bay không người lái để đổi về Flanker-E.