16 tỉnh phía Nam trước giờ 'G': Ai cũng mua 4kg thịt, siêu thị nào chịu nổi
Ngoài TP.HCM, Bình Dương và Đồng Nai, có thêm 16 tỉnh, thành phía Nam giãn cách theo Chỉ thị 16 để chống dịch. Trước giờ 'G' áp lệnh giãn cách, cung ứng các mặt hàng thiết yếu được đặc biệt quan tâm.
Ông Nguyễn Hữu Dũng, Giám đốc Sở Công Thương Đồng Tháp, khẳng định nguồn hàng đảm bảo tốt, chưa có mặt hàng nào thiếu hụt so với năng lực cung cấp tại địa phương.
Tỉnh Đồng Tháp đã chuẩn bị tinh thần và lên 3 phương án từ trong trường hợp áp dụng quy định giãn cách. Trước đó, từ 0h ngày 14/7, toàn tỉnh đã áp dụng Chỉ thị 16 trong phòng, chống dịch Covid-19. Hiện Đồng Tháp dự trữ 10.666 tấn hàng hóa thiết yếu cho 182 chợ truyền thống, 49 cửa hàng tiện lợi, 7 siêu thị và các điểm bán khác.
“Chúng tôi đảm bảo rau, củ, quả phục vụ tại chỗ số lượng đủ. Tuy có mất nguồn hàng một số loại rau, củ từ Đà Lạt nhưng tình hình không đáng lo”, ông Dũng nói.
Lãnh đạo Sở cho hay, nhu cầu của các siêu thị trên địa bàn là rất lớn do lượng người đi mua hàng tích trữ tăng cao.
Theo Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Tây Ninh Lê Tuấn Anh, trong ngày hôm nay (18/7), tỉnh sẽ bổ sung vào nguồn hàng dự trữ khoảng 400 tấn lương thực mỗi loại. “Một số điểm bán có hiện tượng thiếu hàng do tâm lý người dân mua đổ xô đi mua quá nhiều, đặc biệt trong chiều ngày 17/7”, ông Tuấn Anh nói.
Do vậy, chiều nay, tỉnh sẽ tính toán cụ thể việc cung ứng hàng hóa ra thị trường dựa trên sức mua của người dân. Hiện địa phương này chỉ nhập một ít mặt hàng từ Đà Lạt, còn chủ yếu có thể tự cung cấp trên địa bàn.
Ông Phan Văn Sáu - Giám đốc Sở Công Thương Bạc Liêu - thông tin, nguồn hàng bị thiếu cục bộ do người dân đi mua nhiều trước thông tin áp dụng Chỉ thị 16. “Trước một người đi mua thì nay đến cả 100 người mua, mỗi người mua từ 3-4kg thì hệ thống cung ứng nào chịu nổi”, đại diện Sở Công Thương Bạc Liêu nói
Tuy nhiên, các nguồn hàng hàng dữ trự tại Bạc Liệu được chuẩn bị tương đối đầy đủ, tình hình cung ứng nhu yếu phẩm sẽ ổn trở lại vào ngày mai (19/7).
Ông Sáu khẳng định mặt hàng thịt heo chắc chắn không thiếu và được đảm bảo trong chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, giá cả có thể nhích lên không đáng kể do vấn đề vận chuyển giữa các địa phương khó khăn theo yêu cầu 5K.
Trước khi 19 tỉnh thành phía Nam đồng loạt áp dụng thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16, tỉnh Vĩnh Long có 5 huyện thực hiện Chỉ thị 16, 3 huyện thực hiện Chỉ thị 15.
Do đó, chính quyền tỉnh đã có sự trao đổi với các địa phương, các doanh nghiệp để nắm lại các nguồn hàng. Đặc biệt là thực phẩm đóng gói bao bì, thực phẩm tại địa phương như rau, củ, quả. Các trang trại cùng với các cửa hàng, chợ đều hỗ trợ để giảm giá thành.
“Lượng heo của Tập đoàn CP còn tồn tương đối lớn, mặt hàng cá tại tỉnh nuôi, do ảnh hưởng của dịch chưa xuất khẩu nên cũng số lượng nhiều”, Giám đốc Sở Công Thương Vĩnh Long - Phạm Tứ Phương chia sẻ.
Cũng theo ông Phương, không những đảm bảo nguồn cung hàng hóa trên địa bàn trong thời gian “phong thành”, mà tỉnh còn đang lên phương án hỗ trợ các địa phương khác, nhất là TP.HCM
“Chúng tôi sẽ kết hợp các hợp tác xã để vận chuyển, cung ứng cho TP.HCM trong thời gian tới. Đặc biệt là mặt hàng rau, củ, quả”, lãnh đạo Sở Công Thương tỉnh Vĩnh Long nói.