168 chuột con 'không gian' khỏe mạnh trước phóng xạ vũ trụ

Các nhà nghiên cứu Nhật Bản gần đây phát hiện rằng bất chấp việc tiếp xúc với mức độ bức xạ vũ trụ cao trong gần sáu năm, tinh trùng của chuột từ không gian vẫn tạo ra một lứa chuột con đông đúc, khỏe mạnh...

Tinh trùng chuột được lưu trữ trong Trạm Vũ trụ quốc tế (ISS) ở dạng đông khô. Sau khi đưa trở lại Trái đất và được bù nước, nó đã được sử dụng để cho ra đời 168 chuột con khỏe mạnh, không dị tật.

Nhà sinh vật học phát triển và là tác giả chính của nghiên cứu, Teruhiko Wakayama nói với AFP rằng có rất ít sự khác biệt giữa những con chuột được thụ tinh bởi tinh trùng tiếp xúc bức xạ không gian và tinh trùng trên Trái đất. “Tất cả chuột con đều có ngoại hình bình thường và khi các nhà nghiên cứu kiểm tra gen của chúng thì không tìm thấy bất thường nào” - ông Wakayama giải thích.

Năm 2013, Wakayama cùng các đồng nghiệp tại Đại học Yamanashi (Nhật Bản) đã đưa ba hộp, mỗi hộp chứa 48 ống tinh trùng trữ đông của chuột lên ISS để phục vụ cho nghiên cứu dài hạn. Các ống tinh trùng chỉ có kích thước bằng một chiếc bút chì nhỏ giúp giảm chi phí khi phóng lên không gian.

Họ muốn xác định xem liệu việc tiếp xúc lâu dài với bức xạ trong không gian có làm hỏng DNA trong các tế bào sinh sản hay truyền đột biến sang con cái hay không. Đó có thể là một vấn đề đối với loài người trong các sứ mệnh thám hiểm không gian và thuộc địa trong tương lai.

Wakayama, hiện là Giám đốc Trung tâm Công nghệ Sinh học Tiên tiến tại Đại học Yamanashi, nói với AFP rằng, ông đã được truyền cảm hứng từ truyện khoa học viễn tưởng của Heinlein và Asimov và từng muốn trở thành một phi hành gia.

Mặc dù đã quyết định trở thành một nhà khoa học, nhưng niềm đam mê khám phá các bí ẩn không gian vẫn chưa bao giờ rời bỏ ông.

Wakayama và các đồng nghiệp viết trong bài báo: “Trong tương lai, khi đến thời điểm di cư đến các hành tinh khác, chúng ta sẽ cần phải khẳng định sự đa dạng của nguồn gen, không chỉ đối với con người mà còn đối với vật nuôi. Tuy nhiên, vì lý do chi phí và an toàn, nhiều khả năng các tế bào gốc được lưu trữ sẽ được vận chuyển bằng tàu vũ trụ thay vì ở trong động vật sống”.

Bên cạnh đó, Wakayama chỉ ra việc trữ đông tinh trùng trong không gian có thể duy trì nòi giống trong trường hợp trên Trái đất xảy ra thảm họa diệt vong.

Việc đến các hành tinh khác cũng có nghĩa là rời khỏi sự an toàn của bầu khí quyển và từ trường bảo vệ của Trái đất - từ trường cũng kéo dài tới ISS, cách bề mặt 400 km. Không gian sâu thẳm chứa đầy bức xạ mạnh từ cả các hạt Mặt trời và các tia vũ trụ từ thiên hà nằm bên ngoài hệ thống của chúng ta.

Các tia Mặt trời từ bề mặt của Mặt trời tạo ra các hạt có thể có tác động tàn phá đặc biệt đến sức khỏe con người và xuyên qua các tàu vũ trụ thế hệ hiện tại. Theo Wakayama, quá trình đông khô tinh trùng làm tăng khả năng chịu đựng của tinh trùng so với tinh trùng tươi, vì nó làm cho tinh trùng không chứa nước bên trong nhân tế bào và bào tương.

Theo tính toán của nhóm, tinh trùng đông khô có thể được lưu trữ tới 200 năm trên trạm vũ trụ trong quỹ đạo. Nhân loại cũng có thể muốn truyền bá nguồn gen của mình ra khỏi hành tinh trong trường hợp xảy ra thảm họa trên Trái đất.

Nghiên cứu lưu ý rằng, do ngoài không gian chứa vô vàn bức xạ mạnh từ các hạt năng lượng Mặt trời và các tia vũ trụ thiên hà nên nghiên cứu lưu ý rằng vẫn cần phải theo dõi thêm tác động của bức xạ ngoài không gian đối với trứng đông lạnh và phôi thụ tinh của phụ nữ trước khi con người thực hiện các bước đi tiếp theo.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/khoa-hoc/168-chuot-con-khong-gian-khoe-manh-truoc-phong-xa-vu-tru-lLw5u5g7g.html