Phòng thi có trần càng cao thì điểm số của thí sinh càng sút kém?
Nghiên cứu mới của các nhà khoa học Úc đã tìm ra mối liên hệ giữa độ cao của trần nhà trong phòng thi và điểm số của thí sinh, điều này nghe có vẻ hơi khó tin nhưng đó là một vấn đề khoa học thú vị.
Mặc dù hình dạng của căn phòng không thể bù đắp cho kiến thức của thí sinh hoặc khiến thí sinh thông minh hơn, nhưng ai cũng biết biết rằng môi trường xung quanh có ảnh hưởng đến người tham gia kỳ thi. Điều đó liên quan đến khả năng tập trung và thực hiện các nhiệm vụ trong tâm trí của chúng ta.
Các tác giả của nghiên cứu, từ Đại học Nam Úc và Đại học Deakin ở Úc, cho rằng những căn phòng lớn và rộng rãi, có trần nhà cao đang khiến sinh viên khó tập trung vào những gì trước mặt hơn.
Trước đây, một số nhà nghiên cứu cũng thực hiện thí nghiệm tương tự khi sử dụng công nghệ lập bản đồ não với môi trường xunh quanh được điều chỉnh thông qua kính thực tế ảo. Từ đó, họ đã tìm thấy mối quan hệ giữa khả năng nhận thức và kích thước cảm nhận được của môi trường xung quanh thí sinh. Nhưng để chính xác hơn, nhóm nghiên cứu hiện tại muốn thực hiện một số thử nghiệm trong thế giới thực.
Nhà tâm lý học môi trường Isabella Bower từ Đại học Nam Úc.cho biết: “Chúng tôi tìm cách áp dụng những phát hiện trong phòng thí nghiệm của mình vào tập dữ liệu trong thế giới thực và xem liệu việc ở trong một không gian rộng lớn như phòng tập thể dục có dẫn đến hiệu suất kém hơn hay không khi thí sinh phải tập trung tâm trí vào một nhiệm vụ quan trọng”.
Nghiên cứu đã phân tích kết quả kỳ thi của 15.400 sinh viên trong 8 năm và trên khắp 3 cơ sở, đối chiếu kết quả điểm số của họ so với điểm số kỳ vọng xP dựa trên bài tập họ đã nộp trước đó.
Trong phòng thi có trần cao, học sinh có xu hướng làm bài kém hơn so với những người làm bài thi trong phòng có chiều cao trần 'tiêu chuẩn'. Điều này đúng ngay cả sau khi tính đến những yếu tố khác có thể có khả năng ảnh hưởng đến kết quả như độ tuổi, giới tính, thời gian trong năm, môn thi và kinh nghiệm thi trước đó.
Tuy nhiên, điều chúng ta chưa thể chắc chắn là liệu kích thước thực tế của căn phòng có ảnh hưởng hay không, hay liệu nó có liên quan đến yếu tố môi trường hay không – như nhiệt độ hoặc độ ẩm bên trong không gian, hoặc thậm chí có bao nhiêu học sinh khác ở đó.
Bower nói: “Những không gian này thường được thiết kế cho các mục đích khác ngoài việc kiểm tra, chẳng hạn như phòng tập thể dục, phục vụ triển lãm, sự kiện hay biểu diễn nghệ thuật”.
"Điểm mấu chốt là những căn phòng lớn có trần cao dường như gây bất lợi cho học sinh. Do vậy, chúng ta cần hiểu cơ chế hoạt động của não bộ với không gian xung quanh và liệu điều này có ảnh hưởng đến tất cả học sinh ở mức độ như nhau hay không".
Đó là những câu hỏi mà nghiên cứu trong tương lai có thể sẽ tìm ra. Rõ ràng là môi trường xung quanh thí sinh rất quan trọng và chúng ta có thể không tạo điều kiện cho thí sinh đạt kết quả tốt nhất nếu tổ chức kỳ thi trong các phòng không được thiết kế riêng cho mục đích thi cử.
Nhà tâm lý giáo dục Jaclyn Broadbent từ Đại học Deakin cho biết: “Các kỳ thi là một phần quan trọng trong hệ thống giáo dục của loài người từ hơn 1.300 năm qua, định hình con đường sự nghiệp và cuộc sống của sĩ tử”.
“Điều quan trọng là phải nhận ra tác động tiềm ẩn của môi trường vật chất đối với kết quả thi cử của học sinh và thực hiện những điều chỉnh cần thiết để đảm bảo tất cả học sinh đều có cơ hội bình đẳng trong gặt hái thành công”.
Nghiên cứu về không gian xung quanh và hoạt động của bộ não không chỉ ảnh hưởng đến chuyện thi cử mà còn nhiều ứng dụng to lớn khác. Hiểu hoạt động của não liên quan đến việc tiếp xúc với môi trường nhân tạo là rất quan trọng vì nó có thể ảnh hưởng đến các quá trình cảm nhận, nhận thức và cảm xúc cơ bản, những quá trình này có ảnh hưởng quan trọng đến cuộc sống hằng ngày của chúng ta.
Khi thời gian chúng ta dành bên trong các tòa nhà ngày càng tăng và các vấn đề về sức khỏe tâm thần ngày càng phổ biến, điều quan trọng là chúng ta phải điều tra xem các đặc điểm thiết kế của môi trường xây dựng tác động như thế nào đến chức năng não. Thông qua việc thiết kế các tòa nhà, chúng ta có thể điều chỉnh hiệu suất và kết quả sức khỏe, điều này có thể mang lại lợi ích kinh tế và sức khỏe lớn cho xã hội.
Theo ngôn ngữ phương đông thì tương quan giữa kiến trúc hay thiết kế nhà và sức khỏe con người, trong đó có sức khỏe tâm thần bên trong ngôi nhà có liên hệ đến phong thủy. Thuật phong thủy hình thành rất sớm, có thể nói gần như cùng với sự ra đời của loài người. Ngay từ thời thượng cổ con người đã chú ý đến ảnh hưởng của hoàn cảnh tự nhiên đối với nơi cư trú của loài người, nên đã tiến hành lựa chọn một cách có chủ đích. Nguyên sơ của phong thủy là những kinh nghiệm về sinh hoạt như khoét đá, đào hang, làm nhà... Từ cuộc sống thực tế, phải chống chọi với thú dữ, chống lại cả sự tấn công của đồng loại, phải chống chọi với sự khắc nghiệt của thiên nhiên, con người đã biết chọn những vị trí cư trú có núi non che chở bao bọc, lại gần sông ngòi, nguồn nước... Tất cả những thứ đó là khởi đầu của phong thủy. Tuy nhiên, theo thời gian thì phong thủy bị nhuốm nhiều màu sắc huyền bí làm mờ đi ý nghĩa khoa học ban đầu.